Sẽ có khoảng 200 Ủy viên Trung ương khóa XIII

Tin tức - Ngày đăng : 14:37, 27/05/2020

Trường hợp đặc biệt cần thiết tái cử Ban Chấp hành Trung ương, không nằm trong độ tuổi quy định, Bộ Chính trị sẽ xem xét kỹ lưỡng, trình Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

Sẽ có khoảng 200 ủy viên Trung ương khóa XIII - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - Ảnh: D.A.

Ông Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết tại hội nghị báo cáo viên Trung ương thông báo kết quả Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, sáng 27.5, tại Hà Nội.

‘Đây cũng chính là bài học được rút ra ở khóa XII và các khóa trước’, ông Diên nhấn mạnh.

Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, sẽ vận dụng theo tình hình đất nước để quyết định có trường hợp đặc biệt hay không và có là bao nhiêu trường hợp.

"Rõ ràng trong khóa XII, các đồng chí tái cử trong trường hợp đặc biệt, đặc biệt là người đứng đầu của Đảng đã vững vàng đưa đất nước vượt qua khó khăn, gian nguy. Chặng đường phía trước còn rất nhiều khó khăn, rất cần những người lão luyện về chính trị, có kinh nghiệm để chèo lái con thuyền đất nước, vượt qua sóng gió, nguy nan", ông Diên nói.

Ông Diên thông tin thêm Ban Chấp hành Trung ương cũng thống nhất trình Đại hội khóa XIII số lượng Ủy viên Trung ương khóa XIII khoảng 200 người, trong đó có 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết. Số lượng Ủy viên Trung ương tương đương với khóa XII.

Số lượng Ủy viên Bộ Chính trị cũng sẽ giữ nguyên là 17 - 19, Ban Bí thư sẽ là 12 - 14 để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Tại Hội nghị Trung ương 12 vừa diễn ra, Trung ương cũng thống nhất tăng Ủy viên Trung ương ở các địa bàn, công tác trọng yếu, chú ý tăng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số.

Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII sẽ có 3 độ tuổi, phấn đấu số Ủy viên Trung ương dưới 50 tuổi có khoảng 15 - 20%, từ 50-60 tuổi có khoảng 70%, từ 61 tuổi trở lên khoảng 10%.

Sẽ có khoảng 200 ủy viên Trung ương khóa XIII - Ảnh 2.

Hội nghị báo cáo viên Trung ương thông báo kết quả Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII - Ảnh: D.A.

Cũng tại Hội nghị Trung ương 12, Ban Chấp hành Trung ương đã đưa ra 6 nguyên tắc lựa chọn Ủy viên Trung ương khóa XIII.

Các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, có kiến thức toàn diện, tích cực tham gia thảo luận đường lối chính sách của Đảng. Có năng lực dự báo, xử lý hiệu quả những tình huống bất ngờ, có tố chất năng lực, lãnh đạo quản lý, có óc chiến lược, có hoài bão.

Ngoài các tiêu chuẩn của Ủy viên Trung ương, các Ủy viên dự khuyết Trung ương phải có năng lực lãnh đạo vượt trội, có triển vọng để phát triển tố chất lãnh đạo quản lý cấp cao hơn, được quy hoạch vào cán bộ chủ chốt ở địa phương.

Đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa tới, Trung ương thống nhất quy định phải thật sự tiêu biểu, mẫu mực về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực quản lý và ý thức tổ chức kỷ luật.

Có tầm nhìn tư duy chiến lược, có khả năng phân tích, dự báo, tổng hợp, đề xuất các vấn đề mới. Có trình độ hiểu biết sâu sắc về lý luận chính trị, biết phát hiện, sử dụng người có đức, có tài, là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương chính thức trọn 1 nhiệm kỳ trở lên, kinh qua chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, trưởng, phó các ban ngành Trung ương, trưởng, phó MTTQ, hoặc các tổ chức đoàn thể, chính trị. Có đủ sức khỏe đảm đương nhiệm vụ.

Trường hợp Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư công tác trong quân đội phải kinh qua chức vụ chủ trì ở cấp quân khu, quân đoàn hoặc tương đương.

Không để lọt vào trung ương những trường hợp sau:

- Người có bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm, thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh.

- Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, không công bằng, trù dập người thẳng thắn đấu tranh phê bình.

- Để bộ máy mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương.

- Không chịu nghiên cứu, học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm.

- Ý thức tổ chức kỷ luật kém, không tuân thủ điều động, phân công của tổ chức, uy tín thấp.

- Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản mà không giải trình được nguồn gốc tài sản. Bản thân hoặc vợ con có lối sống không lành mạnh, có biểu hiện thu lợi bất chính.

- Vi phạm quy định về lịch sử chính trị.

Theo Tuổi trẻ