Cụ thể hóa nhiều giải pháp để đạt được những mục tiêu trong nhiệm kỳ tới

Tin tức - Ngày đăng : 11:39, 28/05/2020

Các vấn đề liên quan đến mục tiêu phát triển của tỉnh nhiệm kỳ tới và trong 10-15 năm tiếp theo được Hội nghị lần thứ 25 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI thảo luận sôi nổi. 

>>> Khai mạc Hội nghị lần thứ 25 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI


Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy điều hành phần thảo luận

Sáng 28.5, sau khi nghe các tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội nghị lần thứ 25 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI tiến hành thảo luận tại hội trường.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận dự thảo lần 3 Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.


Đồng chí Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Miện phát biểu thảo luận

Nhất trí việc đưa dự án xây dựng tuyến giao thông nối đường tỉnh 392 (Bình Giang, Thanh Miện) với đường tỉnh 386 (xã Minh Tân, huyện Phù Cừ, Hưng Yên) vào công trình, dự án trọng điểm nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Miện đánh giá dự án sẽ xóa vùng lõm giao thông tại khu vực Tây Nam của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; đề nghị tỉnh chỉ đạo triển khai theo đúng kế hoạch. Đồng chí Mạnh kiến nghị tỉnh cần xử lý kịp thời những dự án chậm tiến độ, không để xảy ra tình trạng  nhận chỗ, kinh doanh “bất động sản công nghiệp”. 

Cùng quan điểm trên, đồng chí Cao Ngọc Quang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tứ Kỳ đề nghị tỉnh có biện pháp quyết liệt hơn để thu hồi những dự án chậm triển khai, xử lý triệt để hiện tượng đầu cơ đất công nghiệp. Theo đồng chí Quang, tốc độ tăng trưởng của tỉnh cao nhưng vẫn có yếu tố chưa bền vững. Thu ngân sách phụ thuộc vào một số doanh nghiệp lớn. Vì vậy tỉnh cần đưa vào nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thu hút những dự án lớn, công nghệ cao. Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn, trong khi việc đầu tư xây dựng nhà máy rác thải gặp khó khăn, đồng chí đề nghị tỉnh cho phép làm thí điểm các lò đốt rác mini, khép kín ở Tứ Kỳ.      


Đồng chí Hoàng Quốc Thưởng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Chí Linh phát biểu thảo luận

Đồng chí Hoàng Quốc Thưởng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Chí Linh kiến nghị cụ thể hóa các giải pháp cải thiện, bảo vệ môi trường, nhất là có giải pháp quyết liệt, định hướng cụ thể xây dựng nhà máy xử lý rác thải trong tỉnh. Đồng chí đề nghị trong mục tiêu nhiệm kỳ tới cần xem xét tính khả thi mức thu nhập bình quân đầu người 100 triệu đồng/người vào năm 2025 và 150 triệu đồng/người vào năm 2030. 

Đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà cùng quan điểm cho rằng mục tiêu thu nhập bình quân đầu người trong nhiệm kỳ tới theo dự thảo là khá cao. Tỉnh cần đánh giá tiềm năng, lợi thế và lường trước những yếu tố khách quan, khó khăn để đề ra mục tiêu sát thực tiễn. Cần tăng tỷ trọng ngành dịch vụ trong tổng sản phẩm trên địa bàn. Có cơ chế thu hút những doanh nghiệp quy mô lớn, công nghệ sạch đầu tư vào ngành nông nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh, đưa sản phẩm nông nghiệp ra thị trường thế giới. Cần đánh giá, xem xét hiệu quả những dự án xử lý rác thải đang hoạt động và có cơ chế đủ mạnh, hấp dẫn, thu hút đầu tư những dự án mới.


Đồng chí Bùi Văn Thăng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nam Sách phát biểu thảo luận

Đồng chí Bùi Văn Thăng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nam Sách cho rằng cần có những chú thích để cụ thể hóa một số số liệu, kết quả. Từ đó tập trung đánh giá để có biện pháp, giải pháp chỉ đạo, thực hiện. Đồng chí đề xuất bổ sung thêm khâu đột phá đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử để phục vụ người dân tốt hơn, phù hợp với định hướng xây dựng Hải Dương thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Bổ sung chỉ tiêu thu gom, xử lý rác thải của đô thị và nông thôn vì đây là vấn đề đang nhức nhối, bức xúc.

Đồng chí Trần Văn Hảo, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng đề xuất đưa thêm một số công trình, tuyến đường giao thông tại huyện Cẩm Giàng kết nối với các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên vào danh mục đầu tư trong nhiệm kỳ tới để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và của tỉnh. Đồng chí cho rằng chỉ tiêu phát triển 2.000 đảng viên trong nhiệm kỳ tới tuy không cao nhưng dự báo cũng gặp khó khăn. Vì vậy, tỉnh cần đề ra những giải pháp quyết liệt, cụ thể, hiệu quả.


Đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu thảo luận

Đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đề nghị tiếp tục đánh giá toàn diện tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến mọi mặt của đời sống xã hội, phát triển kinh tế. Đồng chí đề nghị cần xác định vai trò, định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ; đồng thời có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đồng chí Lê Thế Trang, Cục trưởng Cục Thống kê phân tích vì mục tiêu của tỉnh là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 nên các chỉ tiêu như thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ đô thị hóa đưa ra phấn đấu phải bảo đảm theo đúng lộ trình và đều được tính toán tính khả thi, không có mâu thuẫn. Đồng chí cho biết định hướng phát triển của tỉnh là phát triển công nghiệp nên tỷ trọng ngành này sẽ ngày càng tăng. Vì vậy, tỷ trọng các ngành nông nghiệp, dich vụ sẽ giảm. Đối với chỉ tiêu kết nạp 2.000 đảng viên trong nhiệm kỳ tới, đồng chí đánh giá là phù hợp và hoàn toàn  có thể đạt được...

Đồng chí Nguyễn Văn Đoàn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng đánh giá mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2035 là thành phố trực thuộc Trung ương thể hiện khát vọng phát triển của tỉnh. Báo cáo chính trị cần làm nổi bật những thành tích của nhiệm kỳ 2015-2020, điển hình như phát triển hạ tầng giao thông. Đối với mục tiêu đô thị hóa trong nhiệm kỳ tới, đồng chí cho rằng tỷ lệ 60% đến năm 2030 là khá cao, cần điều chỉnh cho phù hợp. Đồng chí đề nghị tỉnh cần bổ sung giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, ưu tiên thu hút những doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn. Cần có giải pháp thu hút các nguồn lực của Trung ương hỗ trợ đầu tư theo từng ngành. Cụ thể hóa các giải pháp cải thiện, bảo vệ môi trường, ví dụ như thu gom, xử lý nước thải tại các đô thị loại V trở lên, quyết tâm xây dựng nhà máy rác thải, phối hợp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi…

Đồng chí Phạm Minh Phương, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đề nghị cần bổ sung đánh giá những kết quả phát triển các khu, cụm công nghiệp trong nhiệm kỳ 2015-2020. Để phấn đấu đến năm 2030 Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tỉnh có thể bổ sung và nâng cao chỉ tiêu đưa 5-6 khu công nghiệp mới vào hoạt động trong nhiệm kỳ tới.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận làm rõ một số hạn chế, khó khăn và đề xuất những giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17.4.2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương về sắp xếp bộ máy.

HOÀNG BIÊN - DANH TRUNG