Đại chiến Trump - Twitter
Bình luận - Ngày đăng : 11:14, 30/05/2020
Ông Trump từng nói có thể ông sẽ không được bầu làm tổng thống nếu không dùng mạng xã hội - Ảnh: CNN
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29.5 đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm xóa bỏ tấm lá chắn pháp lý bảo vệ các mạng xã hội ở Mỹ lâu nay, sau khi Twitter “dám” gắn nhãn cảnh báo kiểm chứng thông tin với 2 tweet của ông.
Sắc lệnh này trao cho cơ quan quản lý quyền thực hiện biện pháp pháp lý để chống lại các công ty như Facebook và Twitter liên quan đến cách họ kiểm soát nội dung trên các nền tảng của mình.
Một nhóm nhỏ các công ty độc quyền về truyền thông xã hội có quyền lực không bị kiểm soát trong việc kiểm duyệt, ngăn chặn, sửa chữa, định hướng, che giấu, thay thế hình thức tương tác giữa các cá nhân và những người theo dõi nền tảng của họ.
Ông Trump phát biểu khi tuyên bố ký sắc lệnh hành pháp ngày 29.5 tại Nhà Trắng
"Chiến đến cùng"
Tổng thống Mỹ, một trong những người được cho là hưởng lợi rất nhiều từ việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Twitter, cáo buộc mạng xã hội này đã kiểm duyệt bất công với ông và những người có cùng quan điểm bảo thủ khác.
Đồng thời, ông cho rằng các mạng xã hội đã được trao quá nhiều quyền, dẫn đến việc kiểm soát và vi phạm tự do ngôn luận của người dùng nên cần phải chấn chỉnh.
Mặc dù sắc lệnh này về lý thuyết sẽ ảnh hưởng tới mọi công ty truyền thông mạng xã hội, nhưng ông Trump đã nhắc đích danh Twitter tới 6 lần trong sắc lệnh này, nhiều hơn đáng kể so với "gã khổng lồ" Facebook và YouTube.
Theo truyền thông Mỹ, sắc lệnh của ông Trump nhắm vào một điều luật được quốc hội phê chuẩn năm 1996 vốn luôn là tâm điểm của các cuộc đối đầu chính trị về vấn đề kiểm soát ngôn luận trên các nền tảng mạng xã hội, đó là mục 230 của Đạo luật hành xử đúng mực trong truyền thông, được xem là cột trụ pháp lý của mạng Internet.
Trong dòng tweet ngày 29.5, ông Trump cũng "khuyên" quốc hội nên hủy bỏ mục 230 này.
Theo trang Recode, mục 230 nêu rõ các nền tảng Internet đóng vai trò trung gian chứa nội dung của bên thứ ba ví như các tweet trên Twitter sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý về những gì bên thứ ba đăng lên.
Trang Recode khẳng định "nếu không có sự bảo vệ của mục 230 sẽ không có Internet tồn tại theo cách như chúng ta biết ngày hôm nay". Vì vậy, nếu điều luật này bị xóa, tất cả những trang web hoạt động được nhờ vào các nội dung do người dùng cung cấp cũng sẽ biến mất.
Sau những phản ứng chỉ trích quyết định phê chuẩn sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump là "bảo thủ cực đoan và chính trị hóa", sáng sớm 29.5, Twitter nhấn thêm một bước nữa trong cuộc "so găng" cùng tổng thống khi tuyên bố một tweet của ông Trump nói những người biểu tình ở TP Minneapolis có thể bị bắn có nội dung cổ xúy bạo lực, và điều này vi phạm các nguyên tắc của Twitter.
Mặc dù không xóa bỏ tweet của tổng thống vì công chúng quan tâm, nhưng Twitter chặn không cho người dùng "like" hay trả lời nội dung post của ông Trump.
Ý định của chúng tôi là kết nối những tuyên bố có nội dung mâu thuẫn và đưa ra thông tin đang được tranh cãi để mọi người có thể tự mình đánh giá.
CEO Twitter Dorsey ngày 29.5 nói nền tảng của ông sẽ tiếp tục cảnh báo người dùng về những thông tin bị bóp méo, xuyên tạc
Tiền lệ nguy hiểm?
Các chuyên gia luật ở Mỹ nhìn chung đều cho rằng sắc lệnh hành pháp về truyền thông xã hội của ông Trump không khả thi, song nó có thể đặt ra một tiền lệ mang tính biểu tượng về sự kiểm soát của chính phủ trên mạng Internet.
Trước hết, để cụ thể hóa mong muốn của ông Trump, các nhà quản lý tại Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC) sẽ phải tạo ra những luật lệ mới để có thể rút lại những chính sách bảo vệ đang áp dụng với các công ty Internet.
Các chuyên gia chỉ trích động thái của ông Trump cảnh báo sắc lệnh có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm và vi hiến, chẳng hạn như tổng thống sẽ dùng quyền hành pháp để kiểm soát các công ty vì những lý do chính trị.
Một hệ lụy không mong muốn khác từ sắc lệnh hành pháp có thể ảnh hưởng tới chính ông Trump. Vì nếu bị buộc phải chịu trách nhiệm pháp lý về những nội dung người dùng đăng tải, những công ty như Twitter đương nhiên sẽ siết chặt hơn nữa những nội dung đăng tải, và tất yếu họ sẽ phải kiểm duyệt các tweet của ông Trump nhiều hơn.
Tuy nhiên, sắc lệnh của ông Trump cũng được nhiều người ủng hộ. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio cho rằng nếu các công ty mạng xã hội giờ đây quyết định thực hiện vai trò biên tập giống như một nhà xuất bản thì họ "sẽ không còn được bảo vệ về trách nhiệm pháp lý và được đối xử giống như các nhà xuất bản theo luật".
Sắc lệnh áp dụng với mạng xã hội này được dự báo sẽ mở đường cho một vụ kiện giữa các mạng xã hội và chính quyền Trump cũng như các vụ kiện của người dùng đối với các mạng xã hội khi kiểm duyệt nội dung của họ.
Twitter cũng "thổi còi" quan chức Trung Quốc
Cũng trong ngày 29.5, Twitter gắn mác "thông tin cần kiểm chứng" lên một dòng trạng thái đăng hồi tháng 3 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên liên quan đến thông tin mà ông Triệu cho rằng "quân đội Mỹ mang virus Corona tới Trung Quốc".
Theo Tuổi trẻ