Cấy hay bỏ?

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:27, 31/05/2020

Ở nhiều nơi, chính quyền, đoàn thể vận động và hỗ trợ một số hộ tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn. Những đảng viên gương mẫu đi đầu nhận ruộng hoang về cấy.

Bà Thương đang chuẩn bị nấu cơm tối thì nghe tiếng bà Quỳnh gọi ở ngoài cổng:

- Bà Thương có nhà không, tôi hỏi nhờ tý việc.

Bà Thương vội vàng ra mở cổng:

- Có việc gì thế bà? Nay thấy bên nhà bà gặt ruộng lúa ở cánh đồng Chái, đã xong chưa?

- Máy gặt và thuê người chở về rồi. Nhưng chẳng đáng là bao, 3 sào ruộng được vài bao thóc...

- Cũng còn vớt vát được tý thóc, chứ ruộng nhà bà Tâm gần đấy mất trắng còn gì.

- Vâng, năm nay nhiều nhà mất mùa lắm. Chính vì thế tôi mới sang đây đăng ký sớm với bà đong vài tạ thóc để xay xát dần cho nhà cái Linh mang lên TP Hải Dương.

- Nhà tôi mới chỉ thu hoạch được ít diện tích, năng suất cũng kém lắm. Để tôi lựa xem thế nào.

- Tôi đã đến hỏi mấy nhà cấy nhiều ruộng trong thôn, nhà nào cũng chỉ đủ ăn, không có dư để bán như năm ngoái.

Vừa lúc ấy, anh Đức, con trai bà Thương từ trên thành phố về chơi. Thấy mẹ và bà Quỳnh nói chuyện, anh thắc mắc hỏi:

- Sao năm nay lại mất mùa ạ?

Bà Quỳnh sốt sắng giải thích:

- Ruộng nhà cô và nhiều nhà nữa từ khi cấy đến lúc trỗ bông đều phát triển bình thường, nhưng khi vào hạt thì trên 70% bông bị lép. Lúa trỗ đúng vào những ngày rét đậm tháng 4 vừa qua cháu ạ.

- Không chỉ do thời tiết mà thời gian qua chuột bọ cũng phá hoại lúa. Nhà bà Hạnh mải đi bế cháu trên thành phố, khi quay về thì chuột phá một nửa ruộng lúa hơn 3 sào - bà Thương nói chen vào.

- Thế tổ diệt chuột của thôn không hoạt động ạ?- anh Đức hỏi.

- Tổ diệt chuột hoạt động rất tích cực nhưng do ít người, trong khi diện tích gieo cấy lúa của thôn rất lớn. Bác Như hàng xóm lúc đầu cũng trong tổ diệt chuột, nhưng do thù lao thấp, lại vất vả nên bác ấy không làm nữa. Nhà mình cả bố và mẹ thường xuyên ra đồng, căng nilon, đặt bẫy, bả sinh học, bắt thủ công… nhưng chuột vẫn tăng theo cấp số nhân.

- Đã mấy vụ để ruộng hoang, năm nay cấy thì vừa mất công mất sức, lại mất tiền cày bừa, phun thuốc trừ sâu... Thôi, vụ sau tôi không cấy nữa, lại bỏ hoang vậy – bà Quỳnh quả quyết.

- Trong thôn không có ai xin ruộng cấy sao mà bỏ hoang ạ? Thế bây giờ có nhiều diện tích bỏ hoang không cô? - anh Đức hỏi.

-  Mấy năm trước ruộng bỏ hoang nhiều. Hai năm nay, có một số người ở các xã lân cận xin ruộng cấy nhưng họ chọn những mảnh màu mỡ, thuận lợi cho tưới tiêu, còn những chân ruộng thấp, gần đường giao thông chuột hay phá hoại thì vẫn bỏ hoang.

- Con thấy ở nhiều nơi, chính quyền, đoàn thể vận động và hỗ trợ một số hộ tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn. Những đảng viên gương mẫu đi đầu nhận ruộng hoang về cấy. Địa phương cũng tạo mọi điều kiện để giúp những hộ ở nơi khác có nguyện vọng mượn đất, thuê đất sản xuất. Mấy anh bạn con ở huyện bên thuê ruộng gieo cấy lúa hàng hóa, hiệu quả kinh tế khá cao. Để con liên lạc xem họ có nhu cầu thuê đất ở đây không.

Lúc này, ông Phương (chồng bà Thương) là Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn từ trong nhà đi ra nghe con trai nói vậy thì gật gù:

- Biện pháp con nói cũng rất thiết thực, bố sẽ đề xuất với xã - nói rồi ông quay sang bảo bà Thương - Chị em phụ nữ các bà có nhiều người rảnh rỗi thì nên nhận cấy những diện tích đang bỏ hoang ở cánh đồng Căm để gây quỹ Hội Phụ nữ, tặng quà người nghèo...

- Ông nói phải - bà Thương đồng tình.

NGUYỄN VĂN CÁT