Cả gia đình cùng cân nhắc

Xã hội - Ngày đăng : 12:29, 31/05/2020

Bây giờ vào đại học không còn là con đường duy nhất như ngày xưa nữa. Ở đâu người ta cũng cần người làm được việc chứ không cần người có bằng cấp.


-Con với cái, cho ăn học rõ nhiều, giờ bố mẹ nói không nghe. Đấy, mày giỏi thì tự lo hết đi. Đừng có phiền đến bố mẹ nữa. “Cá không ăn muối cá ươn”…

Vừa bước chân vào nhà chị gái, Thái đã nghe tiếng chị Ngân mắng con. Anh cất tiếng chào chị rồi ôm vai Nam, con trai lớn của chị Ngân đang ngồi cúi mặt trên ghế, vui vẻ nói:

- Mới sáng ra có chuyện gì mà chị đã mắng cháu của em rồi?

Thấy em trai, chị Ngân như có người để giải tỏa nỗi lòng. Chị vừa rót nước cho em vừa kể:

- Anh chị mấy hôm nay rất bực mình em ạ! Con cái giờ dân chủ quá trớn, nó không coi bố mẹ ra gì. Nói không nghe lời. Cậu bảo mười hai năm ăn học, leo cây gần tới ngày hái quả, giờ nó bảo nó không thi đại học. Cậu bảo anh chị không lớn tiếng làm sao được?

- Đúng đấy cậu ạ! Anh bực lắm! Anh không biết trong đầu nó nghĩ gì nữa. Càng học càng dở. Người ta học đại học còn chẳng ăn ai, giờ đi học nghề, làm cái thằng cu li để thiên hạ họ đè đầu, cưỡi cổ à? - anh Minh, chồng chị Ngân từ nhà trong đi ra lên tiếng vẻ bực bội.

Nghe anh chị nói, Thái đã hiểu ra vấn đề, anh cười lớn:

- Ôi, tưởng chuyện gì? Tư vấn cho con chọn nghề, hướng nghiệp mà cứ ầm ầm quát mắng như anh chị thì làm sao chọn đường đi đúng cho con được. Cậu nói như vậy có phải không Nam?

Nói rồi, Thái khuyên anh chị hãy lắng nghe con nói ý định của nó một cách bình tĩnh nhất. Rồi anh phân tích cho anh chị thấy bây giờ vào đại học không còn là con đường duy nhất như ngày xưa nữa. Ở đâu người ta cũng cần người làm được việc chứ không cần người có bằng cấp. Học nghề, làm công nhân không phải là hèn kém. Nếu không có công nhân, không có những người thợ thì mọi sản phẩm tiêu dùng trong xã hội ai sản xuất? Giờ thời đại 4.0 rồi, công nhân cũng phải giỏi công nghệ mới làm được. Máy móc sẽ chịu sự điều khiển của con người...

Nghe em vợ phân tích, anh Minh bảo:

- Cậu nói cũng đúng nhưng anh vẫn muốn nó thi vào đại học. Theo anh, đại học vẫn là môi trường tốt nhất. Với lại nó học dốt thì anh không nói làm gì. Đằng này cậu thấy đấy, nó học có đến nỗi gì đâu mà phải đi học nghề?

- Đúng đấy cậu ạ! Rồi thiên hạ họ không hiểu lại cho rằng anh chị bắt con phải đi học nghề...

Thái bắt đầu tỏ vẻ khó chịu nhưng vẫn kiên nhẫn, nhẹ nhàng giải thích:

- Anh chị lo cho con, mong con sống vui vẻ, hạnh phúc, làm việc có ích cho bản thân, gia đình và xã hội hay sợ thiên hạ bàn tán ra vào? Vào đại học không đúng ý nguyện của nó, nó bỏ bê học tập, rồi chán nản, học cho xong thì sau này ra đời nó làm được cái gì nào? Đấy là em chưa kể nó bỏ học giữa chừng hay sa vào những tệ nạn không hay thì sao?

Chị Ngân nghe em trai nói vậy thì gắt lên:

- Gớm, cậu thì cứ lý sự... Nó trẻ người non dạ đã biết gì? Nay thích, mai chán là chuyện thường. Giờ nó nghe anh chị, thi vào Đại học Luật Hà Nội, ra trường đã có chú Kiên ở Tòa án Nhân dân tỉnh rồi, không phải lo chuyện xin việc lại chả sướng thân hay sao?

Ngồi nghe người lớn tranh luận, giờ Nam mới rụt rè lên tiếng:

- Bố mẹ tham gia định hướng nghề nghiệp cho con là cần thiết, nhưng con xin bố mẹ nên tôn trọng và giao quyền quyết định cho con. Đúng là con chưa trưởng thành, hiểu biết xã hội còn ít nhưng cũng không phải bồng bột, trẻ dại gì nữa. Con đã mười tám tuổi rồi ạ!

Thái ôm vai cháu lắc lắc:

- Đấy, anh chị thấy không? Thanh niên nhà ta ăn nói chững chạc thế cơ mà! Thôi, anh chị cứ nghiên cứu thêm đi nhưng theo em, anh chị nên chủ động cung cấp và phân tích thông tin để con đưa ra lựa chọn đúng cho tương lai thay vì áp đặt và chỉ trích. Em thấy vào đại học không phải là con đường duy nhất đâu anh chị ạ! Còn Nam, cũng nên suy nghĩ cân nhắc cho thấu đáo cháu nhé! Quyết định này sẽ thay đổi một phần cuộc sống của cháu mai sau đấy. Không phải nói chơi đâu.

Thấy Nam vui vẻ đồng ý với cậu và hứa sẽ suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định chọn nghề, chọn trường của mình, anh Minh và chị Ngân cũng thở phào nhẹ nhõm. 

TRẦN THÙY LINH