Thơ Nguyễn Ngọc Hưng trong "Đường em đến lớp"
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 13:39, 31/05/2020
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng có 7 tập thơ viết cho thiếu nhi được xuất bản: “Cầm sợi gió trên tay” (năm 1993), “Lửa trời nhóm bếp” (năm 1994), “Còng con tìm mẹ” (năm 1995), “Gọi trăng” (năm 2000), “Hương tuổi thơ” (năm 2007), “Bốn mùa cho bé yêu” (năm 2010), “Đường em đến lớp” (năm 2018).
Nguyễn Ngọc Hưng là một nhà giáo, nhà thơ có số phận nghiệt ngã, vừa ra trường đã bị bạo bệnh nên không thể tiếp tục đứng trên bục giảng thực hiện mơ ước của mình. Tuy chịu nhiều bất hạnh nhưng Nguyễn Ngọc Hưng luôn vươn lên, dành nhiều tâm sức sáng tác về nhà trường và thế giới tuổi thơ. Tập thơ “Đường em đến lớp”có 58 bài thơ với nhiều nội dung phong phú và một nghệ thuật thơ mang đậm phong cách riêng của tác giả.
Đọc tập thơ “Đường em đến lớp”, chúng ta bắt gặp nhiều hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, ngộ nghĩnh được nhà thơ viết bằng sự xúc động qua cái nhìn tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng: bông hoa, cánh bướm, hạt sương, tiếng chim, dòng sông, mặt biển, cánh đồng, quả na, quả ổi, cơn mưa, hạt nắng… tất cả đều hiện lên lung linh, tươi thắm sắc màu. Qua hạt mầm bé nhỏ trong buổi sớm tinh khôi, nhà thơ đã khơi gợi cho các em khát vọng sống, vươn lên trong cuộc đời:“Ơ bông hoa đẹp/ Kìa cánh bướm xinh/ Mầm rướn cổ nhìn/ Cao hơn… một chút” (Mầm xanh). Thiên nhiên trong “Đường em đến lớp” là cả thế giới của tuổi thơ êm đẹp nên bao giờ cũng sống động và gần gũi với tâm hồn các bạn nhỏ.
"Đường em đến lớp” còn là tập thơ thể hiện tình cảm yêu thương và những bài học cuộc sống mà tác giả gửi gắm, sẻ chia với các bạn nhỏ. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng sống cô đơn từ khi mất mẹ, vì thế trái tim anh rất dễ đồng cảm cùng tuổi thơ bất hạnh, lạc loài. Thương mẹ bao nhiêu, anh trải tấm lòng mình vào những vần thơ dạt dào cảm xúc. Trong mảng thơ viết cho thiếu nhi, những bài học nhân văn về tình thương yêu lại có điều kiện khơi tỏa nhiều hơn. Đây là hình ảnh một bạn nhỏ khóc “ướt nhòe” vì thương mẹ khi gặp cơn mưa bất ngờ giữa trời nắng gắt: “Thương mẹ - chợ xa nhà quá/ Bất ngờ mưa lấy chi che?/ Em ở trong phòng khô ráo/ Mà hai con mắt… ướt nhòe!” (Cơn mưa bất ngờ). Nỗi nhớ của người bạn nhỏ chờ mong mẹ về đã giúp nhà thơ liên tưởng đến những hình ảnh đẹp, giản dị mà trong sáng: trời vẽ mây gió, cây vẽ màu lá xanh, cánh bướm vẽ mùa xuân, người nông dân vẽ cây lúa trên đồng… bạn nhỏ lại vẽ con đường ngắn lại: “Thương mẹ đi làm xa/ Lại lâu về với bé/ Bé cầm cây bút vẽ/ Vẽ con đường ngắn hơn” (Vẽ con đường).
Bên cạnh tình cảm thương yêu thuần túy giữa những người thân trong gia đình, người với người trong cuộc sống, “Đường em đến lớp” có một số bài thơ nhắc nhớ các bạn nhỏ về đạo đức làm người, những bài học về lòng biết ơn, sự sẻ chia trong cuộc sống… Tất cả điều đó hết sức quý giá và có ý nghĩa bồi đắp tâm hồn rất sâu sắc. Đây là bài học về đạo đức làm người, sống phải biết nguồn cội thông qua một trò chơi thả diều quen thuộc: “Cánh diều như thể tuổi thơ/ Muốn bay cao phải nương nhờ sợi dây/ Con dù lên chín tầng mây/ Công cha - nghĩa mẹ - ơn thầy không quên” (Sợi dây diều). Ngoài ra, “Đường em đến lớp” có một số bài thơ ca ngợi, khen yêu các bé có những hành động và việc làm tốt. Bài thơ “Vẽ chữ” là sự động viên, khích lệ các bạn nhỏ chăm chỉ học hành. Vẽ chữ trên mặt giấy trắng tinh chính là làm cho mặt giấy thêm xinh đẹp và đáng yêu vậy: “Coi nè, bé vẽ chữ/ Mặt bé cười đẹp ơi!”. Bài thơ “Hoa tay” cũng là một lời ngợi khen các bé có năng khiếu nghệ thuật, ngoài khả năng học chữ. Qua đó, tác giả khơi gợi cho các em niềm đam mê và yêu thích cái đẹp: “Viết đẹp vẽ đẹp/ Đàn hay múa hay/ Hai bàn tay bé/ Có yêu không này/ Cả mười ngón nhé/ Đủ mười hoa tay” (Hoa tay).
Thơ viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Hưng mang thơ ngây, trong sáng và được nhìn qua cảm xúc rất hồn nhiên của một thi sĩ có nhiều trải nghiệm, giỏi quan sát. Ở “Đường em đến lớp” thể hiện điều này khá đậm nét. Trong tập thơ ta còn bắt gặp một số giá trị nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân khác của tác giả. Đó là nghệ thuật nhân hóa tài hoa của Nguyễn Ngọc Hưng khi miêu tả thế giới loài vật: “Mít vừa chín tới - gió khoe/ Ướp thơm cả tiếng chích chòe gọi nhau” (Ban mai mùa hạ); “Bỗng nghe sịch cửa/ Cún nhảy xồ ra/ Lạnh ghê, á à/ Thì ra bạn… gió!” (Ai khua cửa đó?). Thơ thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Hưng là những dòng cảm xúc được viết ra thật tự nhiên từ ký ức tuổi thơ và sự quan sát trong cuộc sống hằng ngày qua các bé yêu trong gia đình, làng xóm. Do đó, ta sẽ dễ nhận thấy có sự nhuần nhuyễn và hòa quyện một cách duyên dáng trong nghệ thuật lập tứ, tạo dựng hình ảnh, nhịp điệu… hoàn toàn không có sự dụng công cầu kỳ một cách quá mức.
Thơ thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Hưng là những gam màu sáng trong, tươi tắn, nhờ đó đã mang lại “niềm vui sống thanh thản nhất” cho anh. Với 58bài thơ trong “Đường em đến lớp”, nhà thơ đã cất lên bài ca về tình yêu thiên nhiên, cuộc sống, sự thiện lành và những bài học nhân văn ấm áp để gửi đến bạn đọc tuổi thơ.
LÊ THÀNH VĂN