Mỹ phá vỡ thế độc tôn của Nga trong cuộc đua vào vũ trụ

Bình luận - Ngày đăng : 21:00, 01/06/2020

Sự kiện Mỹ phóng thành công tên lửa đẩy Falcon 9 mang theo tàu vũ trụ Crew Dragon lên quỹ đạo đã phá vỡ thế độc quyền của Nga trong việc đưa phi hành đoàn lên ISS từ năm 2011.


Tên lửa đẩy Falcon 9 mang theo tàu vũ trụ Crew Dragon của Tập đoàn SpaceX rời bệ phóng tại Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida, Mỹ ngày 30.5

Vị trí độc tôn của Nga trong lĩnh vực vũ trụ đã bị phá vỡ sau chuyến du hành lịch sử của tàu vũ trụ Crew Dragon (Mỹ) vào không gian. Theo giới phân tích, sự kiện này có thể là động lực giúp Nga “bừng tỉnh” để giành lại vị thế của mình.

Chuyến du hành lịch sử của Mỹ

Kỷ nguyên mới trong lĩnh vực du hành không gian thương mại đã được mở ra khi vào chiều 30.5.2020 (theo giờ địa phương), tên lửa đẩy Falcon 9 mang theo tàu vũ trụ Crew Dragon đã rời bệ phóng tại Trung tâm vũ trụ Kennedy của bang Florida (Mỹ). Tham gia vào chuyến bay này là hai phi hành gia giàu kinh nghiệm của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) là Bob Behnken và Doug Hurley. Khoảng 19 tiếng sau đó, tầm 14 giờ 22 GMT ngày 31.5, Crew Dragon đã “cập bến” Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). 

Đây được coi là chuyến du hành lịch sử đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2011, các phi hành gia Mỹ bay lên vũ trụ với sự hỗ trợ của tên lửa đẩy Falcon 9 chế tạo trong nước và được phóng đi từ lãnh thổ Mỹ. Tuyên bố của NASA tự hào nhấn mạnh: Đây là một khoảnh khắc đặc biệt khi mà tất cả người Mỹ có thể dành một chút thời gian và nhìn vào điều tuyệt đẹp mà Mỹ đã làm được một lần nữa, đó là đưa các phi hành gia Mỹ lên ISS bằng tên lửa của Mỹ và từ đất nước Mỹ. Crew Dragon hạ cánh thành công xuống ISS đồng nghĩa với việc tàu vũ trụ này có thể đặt nền móng cho cách tiếp cận tương tự để hạ cánh trên Mặt trăng vào năm 2024 và đây sẽ là cuộc đổ bộ Mặt trăng có người lái đầu tiên kể từ năm 1972.

Tàu vũ trụ Crew Dragon do công ty tư nhân SpaceX của Mỹ thiết kế, chế tạo và sở hữu. SpaceX có trụ trở tại bang California, là công ty chuyên  sản xuất hàng không vũ trụ và vận chuyển không gian do tỷ phú Elon Musk sáng lập. Vào năm 2011, hệ thống tàu vận tải con thoi có người lái sử dụng nhiều lần của Mỹ đã ngừng hoạt động. Từ đó, chỉ có tàu vũ trụ Soyuz của Nga đưa phi hành đoàn lên trạm ISS. Để tiếp tục kế hoạch đưa các phi hành gia lên ISS, Mỹ đã chế tạo những con tàu vũ trụ có người lái mới như Crew Dragon của hãng SpaceX và Starline của hãng Boeing. Tập đoàn SpaceX và công ty Boeing đã được cấp tổng cộng 7 tỷ USD để xây dựng các hệ thống vận chuyển phi hành đoàn riêng biệt theo Chương trình phi hành đoàn thương mại - chiến dịch hàng đầu của NASA nhằm tận dụng các doanh nghiệp tư nhân cho các nhiệm vụ của ISS và hạn chế sự phụ thuộc vào tên lửa Soyuz.

Trong khi đó, ISS là một trong số ít công trình hợp tác giữa Nga và phương Tây. Trạm vũ trụ này đã bay quanh Trái đất với vận tốc khoảng 28.000 km/h từ năm 1998. Hiện trên ISS có 3 phi hành gia đang làm việc là Chris Cassidy (người Mỹ), Ivan Vagner (người Nga) và Anatoly Ivanishin (người Nga).

Thế độc tôn bị phá vỡ

Chương trình vũ trụ của Nga nổi tiếng vì đã đưa con người đầu tiên lên vũ trụ năm 1961 và phóng vệ tinh đầu tiên vào 4 năm trước đó. Theo nhận định của giới quan sát, sự kiện Mỹ phóng thành công tên lửa đẩy Falcon 9 mang theo tàu vũ trụ Crew Dragon lên quỹ đạo đã phá vỡ thế độc quyền của Nga trong việc đưa phi hành đoàn lên ISS từ năm 2011. Trong 9 năm qua, cả Mỹ và các quốc gia khác đều không thể làm được gì nếu không có các dịch vụ của Nga đưa phi hành đoàn đến ISS. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã đổi khác. Ngoài ba tàu vũ trụ mới Crew Dragon, Boeing CST-100 Starliner và Dream Chaser, Mỹ còn có thêm tàu Orion (chủ yếu dành cho các chuyến bay lên Mặt trăng). Trong khi đó, Nga, vẫn như trước đây, sử dụng tàu vũ trụ Soyuz - chiếc đầu tiên bay vào vũ trụ từ năm 1967.

Thực tế cho thấy, nước Nga ngày nay không phải là siêu cường vũ trụ như Liên Xô cũ và Nga không có tài chính để cạnh tranh ngang bằng với Mỹ trong vũ trụ. Dự án mới trong tương lai của Nga là dự án tàu Liên bang thay thế tàu Soyuz, song tương lai của nó rất mơ hồ và không chắc chắn. Người ta thậm chí không biết khi nào con tàu này bay vào vũ trụ, bởi theo dự kiến, con tàu sẽ được đưa lên vũ trụ vào năm 2025. Rõ ràng là vào thời điểm tàu Liên bang được hiện thực hóa, nó sẽ không thể được coi là bước “đột phá sáng tạo”. Nếu tàu Liên bang được thiết kế như một phương tiện vận tải lên Mặt trăng, kế hoạch này một lần nữa lại đi sau người Mỹ, vốn dự định đổ bộ lên Mặt trăng trong những năm tới.

Các chuyên gia cho rằng, Liên Xô cũ đã thua Mỹ trong cuộc đấu giành kiểm soát “vũ trụ xa”. Mỹ là nước đầu tiên đến được Sao Thủy, Sao Mộc, Sao Thổ và các hành tinh khác. Trong lĩnh vực thiên văn học vũ trụ, kính viễn vọng Hubble của NASA cũng đã tạo ra một cuộc cách mạng khoa học. Trong khi đó, Nga từng đặt cược vào nghiên cứu Sao Hỏa và để bắt kịp Mỹ, Moskva có lẽ sẽ phải dồn sức vào dự án Sao Hỏa cũng như đầu tư thỏa đáng vào thiên văn học vũ trụ.

Nga đang rất cần các dự án sẽ giúp khôi phục niềm tự hào dân tộc trên vũ trụ. Dự án tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX rõ ràng đã “thức tỉnh” nước Nga trong cuộc đua trên vũ trụ với Mỹ. Cũng trong ngày 31/5 - thời điểm Crew Dragon hạ cánh xuống ISS - Tập đoàn vũ trụ Roscosmos của Nga đã mạnh dạn tuyên bố về kế hoạch thử hai tên lửa mới trong năm nay và tiếp tục chương trình Mặt trăng vào năm 2021. Roscosmos đã thu về những khoản tiền lớn từ những vụ đưa các phi hành gia Mỹ lên ISS. Cụ thể, NASA phải trả khoảng 80 triệu USD cho 1 chỗ ngồi trên tàu vũ trụ Soyuz của Nga. Trong tương lai, nước Nga cần đưa ra các lựa chọn đầu tư đúng đắn cũng như huy động các doanh nghiệp lớn về vũ trụ đóng góp chất xám để không bị tụt hậu so với Mỹ trong cuộc chạy đua vào vũ trụ.

Theo TTXVN