Cơ hội cải tạo hạ tầng làng nghề

Kinh tế - Ngày đăng : 11:56, 02/06/2020

UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí, các địa phương có điều kiện xây dựng, cải tạo hạ tầng, tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.


Làng nghề làm hương Tống Xá, xã Thanh Quang (Nam Sách) được đầu tư kinh phí cải tạo đường giao thông

Chưa đáp ứng yêu cầu

Những năm qua, cơ sở hạ tầng của các làng nghề trong tỉnh đã được đầu tư cải tạo đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Phú Lộc là làng nghề nấu rượu truyền thống nức tiếng của xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng). Theo thống kê, cả làng có 1.200 hộ thì có đến 300 hộ làm nghề nấu rượu. Để tận dụng phụ phẩm của nghề này, người dân nuôi rất nhiều lợn, lúc cao điểm lên đến 4.000 con. Trước đây, các hộ xả chất thải ra ao trong vườn nhà rồi chảy vào hệ thống kênh mương trong thôn, xã. Những năm gần đây, do nhu cầu xây dựng nhà cửa tăng cao nên lấp nhiều ao, kênh mương bị lấn chiếm, chất thải không còn chỗ chứa. Đường trong thôn làm đã lâu, không có hệ thống cống thu gom nước thải. Vì thế, nước rửa chuồng lợn chảy ra ngoài đường gây ô nhiễm môi trường. Một tổ chức của Trung ương đã từng về thôn Phú Lộc nghiên cứu, khảo sát, dự kiến xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại đây nhưng do kinh phí quá lớn nên nhiều năm qua vẫn chưa thực hiện được.

Nghề làm hương ở thôn Tống Xá, xã Thanh Quang (Nam Sách) mang lại thu nhập khá cho người dân. Cùng với phát triển kinh tế, những năm qua cơ sở hạ tầng làng nghề không ngừng được cải thiện. Dù vậy, trong thôn vẫn còn 731m đường được làm từ lâu, nhỏ hẹp, có chỗ đã xuống cấp, xuất hiện ổ gà. Đường chưa có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa nên mỗi khi mưa lớn đọng lại thành vũng. Chị Nguyễn Hồng Lụa ở thôn Tống Xá cho biết: "Do ít người dân sống cạnh những đoạn đường này nên nếu làm đường chúng tôi phải đóng rất nhiều tiền. Đây là nguyên nhân nhiều năm qua đoạn đường vẫn chưa làm được".

Làng nghề hưởng lợi

Để giảm bớt khó khăn cho các địa phương, tạo động lực xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là ở các làng nghề truyền thống, đầu năm nay UBND tỉnh đã quyết định đầu tư trên 34,5 tỷ đồng cho 14 xã có làng nghề cải tạo đường giao thông, xây dựng hệ thống thoát nước. Mức hỗ trợ này chiếm 80% số kinh phí xây dựng công trình, phần còn lại là vốn của địa phương hoặc người dân đóng góp.

Làng nghề chế biến hành mủa An Thuỷ, phường Hiến Thành (Kinh Môn) được tỉnh hỗ trợ 1,5 tỷ đồng xây dựng 500 m kênh phục vụ tiêu thoát nước thải. Ngay khi tỉnh có chủ trương, phường đã bắt tay ngay vào thực hiện. Công trình đã được phê duyệt báo cáo kỹ thuật. Phường cũng đã lập tổ quản lý dự án, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu... Theo ông Vũ Văn Dung, Chủ tịch UBND phường Hiến Thành, ngoài phần hỗ trợ của tỉnh, địa phương cũng cân đối 375 triệu đồng vốn đối ứng để làm công trình này. Ngay trong năm nay, công trình sẽ hoàn thành.

Xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) sẽ làm 4 km đường và cống rãnh thu gom nước thải. Đến nay, xã đã hoàn thiện hồ sơ thiết kế, chuẩn bị mời thầu. Công trình dự kiến sẽ khởi công vào tháng 8 và xong trong năm nay. Ông Nguyễn Văn Tiển, Chủ tịch UBND xã Cẩm Văn cho biết: "Chúng tôi hy vọng, sau khi công trình hoàn thành, nước thải từ chăn nuôi sẽ được thu gom, không còn ô nhiễm như trước. Nếu không có nguồn hỗ trợ này chưa biết đến khi nào địa phương mới làm được hệ thống thoát nước ở thôn Phú Lộc".

Với nguồn "vốn mồi" của tỉnh, các địa phương sẽ có cơ hội kêu gọi người dân cùng chung tay xây dựng các công trình, vừa phục vụ sản xuất, vừa tránh ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển. Đây cũng là cú hích để các làng nghề phát triển bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

THANH HÀ

Các làng nghề được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí là làng hương thôn Dưỡng Thái Bắc (xã Phúc Thành), mộc thôn Bắc (xã Cổ Dũng, Kim Thành); nấu rượu Phú Lộc (xã Cẩm Vũ), mộc Đông Giao (xã Lương Điền, Cẩm Giàng); mộc Phương Độ (xã Hưng Thịnh), chổi chít xã Tân Việt (Bình Giang); mộc, rèn Kiêm Tân, xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ); chế biến thực phẩm Tống Buồng (phường Thái Thịnh), chế biến thực phẩm An Thủy, phường Hiến Thành (Kinh Môn); bánh đa Tào Khê (xã Chi Lăng Bắc), bánh đa Hội Yên (xã Chi Lăng Nam), đan tre Đan Giáp, xã Thanh Giang (Thanh Miện); chiếu cói Tiên Kiều, Nhan Bầu (xã Thanh Hồng, Thanh Hà); trồng hoa Phù Liễn (xã Hồng Phong), hương Tống Xá (xã Thanh Quang) và hương Trực Trì (xã Quốc Tuấn, Nam Sách).