Đi bơi giải nhiệt mùa nắng nóng, cần lưu ý gì để bảo vệ sức khỏe?

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 15:44, 02/06/2020

Chất lượng nước và thời tiết cực đoan là 2 yếu tố chính làm phát sinh các vấn đề về da, khi “giải nhiệt” tại các hồ bơi, bãi biển trong dịp hè.

Vào mùa hè, các bãi biển, hồ bơi trở thành nơi giải nhiệt kết hợp vận động, thư giãn lý tưởng của nhiều người. Tuy nhiên, kiểu thời tiết cực đoan, cùng với những vấn đề đặc trưng của mùa cao điểm lại khiến hoạt động này tiềm ẩn những rủi ro về sức khỏe.

Những lưu ý để bảo vệ sức khỏe khi tắm biển vào mùa hè

Một trong những vấn đề cần lưu ý hàng đầu khi đi tắm biển, vào đợt cao điểm nắng nóng, chính là nguy cơ bị cháy nắng, bỏng nắng. 

Theo Bác sĩ Đặng Thị Bích Diệp, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Da liễu Trung ương, tại các vùng biển, mặt nước bức xạ ánh sáng mặt trời khiến chỉ số UV sẽ cao hơn nhiều so với các khu vực khác, điều này đồng nghĩa với việc mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là làn da cũng tăng lên. Vì vậy, khi đi tắm biển, các biện pháp bảo vệ cần phải được chú ý hơn.

Đi bơi giải nhiệt mùa nắng nóng, cần lưu ý gì để bảo vệ sức khỏe? - 1

Bác sĩ Đặng Bích Diệp, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Da liễu Trung ương

Bác sĩ Diệp lưu ý: “Ngoài việc mang áo dài tay, đội mũ rộng vành, đeo kính râm, thì sử dụng kem chống nắng khi đi biển vào mùa hè là rất cần thiết, bởi các phương pháp vật lý không thể bảo vệ tuyệt đối cho làn da, trước sự tấn công của tia UV trong ánh nắng mặt trời”.

Bên cạnh các phương pháp bảo vệ thì tránh phơi nắng vào khung giờ cao điểm cũng là một lưu ý để bảo đảm an toàn. “Thời điểm chính giữa buổi trưa 10h-14h thì chỉ số UV sẽ đạt đỉnh. Tuy nhiên, vì hiệu ứng bức xạ ánh nắng của nước biển như đã đề cập, tốt nhất chúng ta nên hạn chế tối đa dạo biển hay đi tắm trong khung giờ từ 9h-16h. Buổi sáng sớm hay chiều muộn là thời điểm an toàn nhất cho những hoạt động này”, Bác sĩ Diệp phân tích.

Một sai lầm mà mọi người thường mắc phải là nghĩ rằng, khi đi tắm thì nguy cơ cháy nắng sẽ không còn, bởi da được làn nước làm mát. Dưới góc độ của một chuyên gia da liễu, bác sĩ Bích Diệp lý giải: “Khi tắm biển dưới ánh nắng gắt, nguy cơ vùng da nổi trên mặt nước bị cháy nắng vẫn là rất cao, khi chịu tác động kép từ ánh nắng mặt trời chiếu xuống và bức xạ do nước biển hắt lên. Ngoài ra, khi xuống nước, kem chống nắng sẽ bị trôi bớt nên làn da của chúng ta lại càng dễ chịu tác động bởi tia UV”.

Những vấn đề về da có thể gặp phải tại hồ bơi và cách giải quyết

Ngoài các vấn đề liên quan đến cháy nắng, bỏng nắng như khi đi tắm biển (đối với bể bơi ngoài trời), nếu lựa chọn bể bơi làm nơi giải nhiệt mùa hè, chúng ta cũng cần lưu ý đến đến chất lượng nước của bồ bơi, nhất là vào giai đoạn các hồ bơi trở nên đông đúc như hiện nay.
Đi bơi giải nhiệt mùa nắng nóng, cần lưu ý gì để bảo vệ sức khỏe? - 4

Viêm nang lông thời kỳ đầu nhìn giống như nốt đỏ hay mụn

Theo Bác sĩ Bích Diệp, nếu công tác khử khuẩn, giữ vệ sinh không được bảo đảm, làn da sẽ là một trong những nơi đầu tiên chịu tác động, phổ biến nhất là tình trạng viêm nang lông, biểu hiện là các sần đỏ, mụn mủ, ngứa, đau ở quanh nang lông.

 “Viêm nang lông thời kỳ đầu nhìn giống như nốt đỏ hay mụn, khi tiến triển nặng hơn sẽ lan rộng ra các vùng khác của cơ thể. Mặc dù đây không phải là căn bệnh nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng đến thẩm mỹ đồng thời gây cảm giác khó chịu như ngứa ngáy, đau nhức”, bác sĩ Diệp cho biết.

Ngược lại, trong trường hợp bể bơi dùng chất Clo khử khuẩn chất lượng thấp, sử dụng quá đậm đặc thì có thể gây kích ứng da với các triệu chứng như: mẩn đỏ, ngứa rát, khó chịu. Khả năng, mức độ kích ứng sẽ phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người.

Tổng kết lại, bác sĩ Diệp khuyến cáo, nếu sau khi tắm tại hồ bơi gặp phải các hiện tượng kể trên, mọi người nên đến thăm khám tại bác sĩ da liễu để chẩn đoán, điều trị bệnh. Trong trường hợp nguyên nhân hướng đến chất lượng nước của hồ bơi thì nên lựa chọn các hồ bơi khác đảm bảo hơn.

Theo Dân trí