Không có cơ sở thanh toán 50 triệu USD chạy thử tàu Cát Linh-Hà Đông
Kinh tế - Ngày đăng : 16:46, 02/06/2020
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông
Sáng 2.6, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) được chủ đầu tư thực hiện thanh toán kinh phí cho tổng thầu theo các mốc thanh toán theo quy định hợp đồng EPC.
Tuy vậy, gần đây tại các cuộc họp trực tuyến giữa Ban Quản lý dự án đường sắt và tổng thầu, tổng thầu nêu nhu cầu cần 50 triệu USD để vận hành thử, phục vụ nghiệm thu dự án.
“Đây là ý kiến của tổng thầu được nêu trong các cuộc họp chứ không phải văn bản đề nghị chính thức. Quan điểm của Bộ Giao thông vận tải là thanh toán kinh phí thực hiện dự án cho tổng thầu theo đúng quy định tại hợp đồng EPC đã được ký kết. Trường hợp tổng thầu có văn bản đề nghị thanh toán nhưng trái quy định hợp đồng cũng không được xem xét, giải quyết”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) cho biết Tổng thầu dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông cần 50 triệu USD để thực hiện vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao. Số tiền 50 triệu USD mà tổng thầu đề nghị thanh toán là chi phí nằm trong tổng mức đầu tư của dự án, không phải chi phí phát sinh.
Tuy vậy, quan điểm của đại diên chủ đầu tư là việc thanh toán phải tuân thủ theo quy định hợp đồng EPC.
Vì vậy, hai bên thống nhất sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát trong vòng 15 ngày về các điều khoản hợp đồng và tổ chức buổi họp chuyên đề tiếp theo để trao đổi, thống nhất các công việc thực hiện.
Ban Quản lý dự án đường sắt đang phối hợp với tổng thầu để nghiệm thu có điều kiện đối với các hạng mục công trình thành phần không ảnh hưởng đến công tác an toàn. Đến nay dự án đã giải ngân hơn 14.737 tỷ đồng (đạt 81,9%).
Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình triển khai dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, dự án đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên chưa đủ điều kiện nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác.
Dự án còn tồn tại một số vướng mắc liên quan đến thiết bị công nghệ, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành toàn hệ thống và thanh quyết toán...
Dự án hiện đã hoàn thành cơ bản các hạng mục xây lắp nhà ga và Depot (khu hạ tầng kỹ thuật bảo dưỡng sửa chữa đoàn tàu), đã thực hiện nghiệm thu 2 trong 5 hạng mục công trình xây dựng cơ bản có thể nghiệm thu có điều kiện là đường ray và cầu cạn; 3 hạng mục còn lại vẫn còn tồn tại cả về hiện trường và hồ sơ, chưa đủ điều kiện nghiệm thu vẫn đang được tổng thầu chỉnh sửa và khắc phục các tồn tại về phần kiến trúc.
Về phần thiết bị, tổng thầu và các tư vấn vẫn đang tiếp tục trao đổi làm việc để thống nhất các nội dung còn vướng mắc về thông số thiết bị của một số hạng mục chuyên ngành thiết bị.
Tổng thầu đang hoàn thiện lại hồ sơ và bổ sung các nội dung còn thiếu để đủ điều kiện nghiệm thu.
Theo Ban Quản lý dự án đường sắt, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên hiện nay mới có 4 chuyên gia cấp cao của tổng thầu dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông có mặt tại Việt Nam.
Dự kiến đầu tháng 6.2020, 150 nhân sự của tổng thầu từ Trung Quốc sẽ sang Việt Nam bằng đường bộ để tiếp tục công việc tại dự án.
Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông được khởi công năm 2011, sau 8 lần sai hẹn về đích mà lần gần nhất theo cam kết của Bộ Giao thông vận tải là vào tháng 4.2019 nhưng bất thành.
Mặc dù dự án đã hoàn thành 99% khối lượng nhưng Bộ Giao thông vận tải cũng chưa hứa thời gian cụ thể để đưa dự án vào khai thác.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc, với điều kiện chỉ định Tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện.
Tư vấn giám sát là Công ty trách nhiệm hữu hạn giám sát xây dựng Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh (Trung Quốc).
Chủ đầu tư là Bộ Giao thông vận tải (Ban Quản lý dự án đường sắt được giao trực tiếp quản lý dự án, đại diện chủ đầu tư).
Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.
Dự án có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng 20.000 tỷ đồng).
Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi tiến độ nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào khai thác thương mại.
Theo TTXVN