Đã hoàn tất các yêu cầu kỹ thuật để vải xuất sang Nhật Bản

Kinh tế - Ngày đăng : 21:53, 02/06/2020

Việc quả vải tươi Việt Nam thâm nhập thành công vào thị trường Nhật Bản sẽ giúp mở thêm những cánh cửa xuất khẩu mới sang các nước phát triển khác.

Thu hoạch vải thiều ở Thanh Hà (Hải Dương)

Ngày 3.6, chuyên gia Nhật Bản sẽ có mặt tại Việt Nam trực tiếp kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch đối với các lô vải xuất khẩu đi Nhật Bản. Nếu kết quả tốt, Việt Nam sẽ có những lô vải đầu tiên xuất khẩu sang thị trường khó tính này. Điều này cũng góp phần mở những cánh cửa mới cho xuất khẩu trái cây của Việt Nam.

Mở thêm những cánh cửa xuất khẩu

Theo quy định của Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF), chuyên gia về kiểm dịch thực vật Nhật Bản phải trực tiếp sang Việt Nam để kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch và xử lý từng lô vải xuất khẩu và chỉ những lô vải được chuyên gia kết luận đã xử lý thành công mới được phép đưa đi xuất khẩu. Theo đó, ngày 3.6.2020, chuyên gia Nhật Bản sẽ có mặt tại Việt Nam trực tiếp kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch đối với các lô vải xuất khẩu đi Nhật Bản.

Để đảm bảo tính thời vụ, thời gian và khối lượng vải xuất khẩu không bị ảnh hưởng lớn (thời gian thu hoạch vải dự kiến chỉ kéo dài 1 tháng - tháng 6.2020), ngày 28.5 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 3562/BNN-BVTV gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, về việc xem xét và cho phép chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản được áp dụng cơ chế đặc biệt - không phải áp dụng thời gian cách ly bắt buộc 14 ngày tại khách sạn. Trong thời gian chuyên gia kiểm dịch thực vật Nhật Bản làm việc tại 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với hai tỉnh này thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Trước đó, tháng 11.2019, sau 5 năm đàm phán, MAFF đã thông báo cho Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam về việc nước này mở cửa thị trường cho quả vải thiều của Việt Nam kèm theo các quy định về kiểm dịch thực vật đối với vải thiều nhập khẩu. Theo Cục Bảo vệ thực vật, đây là kết quả của hơn 5 năm nỗ lực đàm phán giữa Cục Bảo vệ thực vật và MAFF. Với thông báo trên, vải thiều là mặt hàng trái cây tươi thứ tư của Việt Nam sau thanh long, xoài và chuối được phép nhập khẩu vào thị trường này.

Ngay sau khi nhận được thông tin Nhật Bản đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu quả vải tươi vào thị trường này, từ cuối tháng 12.2019, tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã tích cực chuẩn bị vùng nguyên liệu cho việc sản xuất quả vải xuất khẩu. Tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật chọn và đề nghị phía Nhật Bản chấp thuận 19 mã số vùng trồng với diện tích 103 ha, sản lượng ước 600 tấn ở huyện Yên Thế và Lục Ngạn. Các chuyên gia Nhật Bản đã có mặt tại Lục Ngạn để kiểm tra và hài lòng với vùng trồng vải thiều được cấp mã số đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Huyện Thanh Hà (Hải Dương) cũng được cấp 8 mã số vùng trồng mới để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản nhận định, Nhật Bản là một trong những thị trường có tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe nhất thế giới, nên việc quả vải tươi Việt Nam thâm nhập thành công vào thị trường này sẽ giúp mở thêm những cánh cửa xuất khẩu mới sang các nước phát triển khác, đồng thời giúp các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam hạn chế sự phụ thuộc vào một thị trường nào đó.

Để tận dụng tốt cơ hội này, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về kiểm dịch và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đáng chú ý, cần phải đặc biệt lưu ý về khâu kiểm dịch, vì bất cứ lô vải thiều tươi nào có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức quy định của Nhật Bản đều sẽ bị trả lại hoặc bị tiêu hủy cho dù lô hàng này đã được xử lý côn trùng.

Ông Minh cũng khuyến cáo trái cây xuất khẩu phải từ nơi có quy hoạch vùng trồng, được kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có thể truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm và tuyệt đối không được dùng thuốc bảo vệ thực vật mà phía đối tác không cho phép. Ngoài ra, theo ông Minh, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu áp dụng công nghệ bảo quản tiên tiến để giữ được quả vải tươi lâu hơn.

Loại quả đặc sản, bổ dưỡng

Vải thiều là một loại quả đặc sản của các tỉnh phía Bắc, tập trung chủ yếu ở 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang. Năm 2020, tỉnh Bắc Giang có trên 28.000 ha vải, sản lượng ước đạt trên 160.000 ha, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Trong đó, vải sớm 6.000 ha, sản lượng 45.000 tấn, vải thiều chính vụ trên 22.100 ha, sản lượng 115.000 tấn. Tại tỉnh Hải Dương cũng có gần 10.000 ha vải, ước tính sản lượng vải đạt khoảng 55.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2019. Trong đó, huyện Thanh Hà, có khoảng 3.500 ha với sản lượng khoảng 30.000 tấn.

Trong đó, Bắc Giang là địa phương có diện tích và sản lượng vải thiều lớn nhất nước; cũng là địa phương có chất lượng vải thiều ngon, đặc biệt là vải thiều Lục Ngạn. Năm 2018 vải thiều Bắc Giang được Tổ chức Kỷ lục Đông Nam Á chính thức xác nhận nằm trong Top 10 món ăn, đặc sản đạt giá trị kỷ lục của khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, những năm gần đây, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã xuất khẩu sang nhiều nước và đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia.

Năm 2020, trước những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19 đến việc xuất khẩu trái cây Việt Nam, các tỉnh trồng vải đã tập trung tìm hướng tiêu thụ vải thông qua hệ thống siêu thị, doanh nghiệp chế biến nông sản trong nước... Vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn Metro, Co.opmart, Happro, BigC, Vinmart, các chợ đầu mối hoa quả ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung khơi thông, mở rộng, phát triển các thị trường mới có tiềm năng ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, vải thiều là loại trái cây bổ dưỡng và có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Hàm lượng vitamin trong quả vải cao rất hiệu quả trong việc tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho da, tốt cho trí não, điều hòa huyết áp và kháng ung thư.

Ngoài vải tươi thì vải còn được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như hoa quả sấy héo hoặc khô, quả để trong ngăn tủ lạnh, cùi quả ướp đường, ngâm rượu, nấu chè…

Theo TTXVN