"Quá mức kiên trì"
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:04, 03/06/2020
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã nhiều lần chậm tiến độ - Ảnh: NAM TRÀN
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: đòi ứng thêm 50 triệu USD và chưa biết khi nào xong! Dòng thông tin này xuất hiện trên trang chủ hầu hết các báo điện tử ngày 1.6, thời điểm nhiều người dân Thủ đô Hà Nội chuẩn bị bữa cơm chiều.
Dư luận đã nhiều lần thể hiện sự bức xúc về dự án này, đặc biệt là mỗi khi cơ quan hữu trách cung cấp thông tin về tiến độ và hiện trạng của nó.
Bức xúc đến mệt mỏi, như đang chờ đợi điều gì đó trong vô vọng, bởi không biết bao lần người dân Hà Nội được hứa về thời điểm "về đích" của tuyến đường sắt đô thị hiện đại đầu tiên của Thủ đô kể từ thời đổi mới.
Khởi công ngày 10.10.2011, trước đó đã được đàm phán và ký kết với đối tác Trung Quốc từ khá lâu, dự án này đã trải qua 4 đời Bộ trưởng Giao thông vận tải, năm 2019 Bộ trưởng đương nhiệm còn khẳng định "đã hoàn thành trên 99%", nhưng đến thời điểm này nó vẫn đang thách thức thời gian và sự kiên trì của công chúng.
Chỉ có hơn 13 km, tổng mức đầu tư ban đầu hơn 550 triệu USD (phần lớn vay ODA của Trung Quốc), rồi điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 868 triệu USD. 10 năm xây dựng, kể từ thời điểm ký kết thì đã 12 năm, tiền vay phải trả lãi, đội vốn lại phải vay thêm...
Chậm tiến độ, đội vốn, làm tổn hại niềm tin của công chúng, dự án Cát Linh - Hà Đông quả thật đã khiến người ta không khỏi ngao ngán và thất vọng.
Còn nhớ, tháng 6.2019, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng một trong những nguyên nhân gây chậm trễ là do tổng thầu chưa phải là đơn vị chuyên nghiệp, không có đầy đủ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện dự án tổng thể.
"Chúng tôi đã chờ đợi và bây giờ đã chờ đợi quá mức kiên trì rồi", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói với ông Đường Hồng, Giám đốc dự án, tại cuộc thị sát ngày 1.10.2019.
Ông Đường Hồng phân bua rằng Cát Linh - Hà Đông là dự án đầu tiên thực hiện ở Việt Nam nên các thủ tục trong quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc do nhiều cái mới mẻ, các bên chưa có kinh nghiệm.
Tại thời điểm này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bày tỏ: "Các bên phối hợp để cố gắng trong 1 - 1,5 tháng nữa có thể vận hành thương mại từng phần".
Nhưng bây giờ thì chưa biết đến bao giờ người dân Thủ đô có thể ngồi trên các chuyến tàu Cát Linh - Hà Đông.
Có lẽ, cần một cuộc hội thảo lớn để phân tích mọi khía cạnh của dự án này, từ việc đàm phán, chọn đối tác để ký kết vay vốn ODA, chọn nhà thầu, chọn công nghệ, triển khai thực hiện, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan và đặc biệt là những bài học rút ra từ dự án. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn còn phải xây dựng nhiều tuyến đường sắt đô thị nữa.
Việt Nam vẫn phải vay tiền nước ngoài để xây dựng kết cấu hạ tầng. Và vì vậy, việc rút ra bài học đau xót từ dự án này sẽ rất bổ ích cho các dự án khác.
LÊ KIÊN