Học phí đại học công lập có ngành lên gần 90 triệu/năm, vì sao?
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 05:57, 05/06/2020
Nhiều trường đại học công lập công bố mức học phí áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2020 tăng mạnh so với trước, khiến thí sinh và phụ huynh bất ngờ. Học phí này được các trường công bố trong đề án tuyển sinh năm 2020 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).
Học phí tăng mạnh do các trường đang và sẽ áp dụng cơ chế tự chủ.
Sẽ không có bất kỳ sinh viên nào học giỏi, trúng tuyển vào trường nhưng vì nghèo mà không có tiền đi học.
PGS.TS NGUYỄN NGỌC KHÔI
88 triệu đồng/năm
Học phí Trường Đại học (ĐH) Y dược TP Hồ Chí Minh hiện nay thu theo quy định trong nghị định Chính phủ với tất cả các ngành là 13 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, trường vừa công bố học phí khóa năm 2020 từ 30-70 triệu đồng/năm tùy theo ngành.
Cụ thể, ngành răng hàm mặt 70 triệu đồng, y khoa 68 triệu đồng, kỹ thuật phục hình răng 55 triệu đồng, dược học 50 triệu đồng... Các ngành có mức học phí thấp nhất là 30 triệu đồng. Nhà trường cũng cho biết mức học phí các năm tiếp theo dự kiến mỗi năm tăng thêm 10%.
Trong khi đó, từ năm 2019, khoa y - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đào tạo 3 ngành y khoa, răng hàm mặt và dược học chất lượng cao nên học phí khá cao so với mặt bằng chung các trường công lập đào tạo nhóm ngành sức khỏe. Năm nay, học phí khoa này tiếp tục tăng so với khóa tuyển sinh 2019.
Cụ thể, ngành răng hàm mặt 88 triệu đồng/năm học (tăng 8 triệu đồng), y khoa 60 triệu đồng (tăng 4 triệu đồng) và dược học 55 triệu đồng... Trường ĐH Y dược Cần Thơ công bố học phí khóa năm 2020 theo đề án tự chủ của chương trình đại trà cũng tăng lên 24,6 triệu đồng.
Trước thông tin tăng học phí, Nguyễn Thị Thu Hằng (thí sinh tỉnh Quảng Nam) băn khoăn: "Gia đình tôi không thuộc diện hộ nghèo nhưng còn rất nhiều khó khăn. Vì thích ngành y nên tôi dự định xét tuyển vào Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, trường công lập có mức học phí thấp nhất khối ngành này năm trước. Nhưng nay trường tăng học phí như vậy, tôi sợ mình không đủ sức theo học".
Còn bà Nguyễn Phương Thảo (phụ huynh ở TP Hồ Chí Minh) cũng nói: "Trước đây tôi có nghe thông tin các trường ĐH sẽ tăng học phí sau từng năm. Theo tôi, đây là chuyện bình thường vì thực tế mức học phí ĐH công lập hiện nay vẫn còn thấp. Tuy nhiên, việc Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh bất ngờ tăng học phí lên hàng chục triệu đồng có thể gây sốc với thí sinh và phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn...".
Tăng theo lộ trình
Không chỉ y dược, một số ngành khác cũng rục rịch tăng học phí.
Cụ thể năm học 2020-2021, chương trình đại trà Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) vừa công bố học phí 20 triệu đồng/năm học, chương trình chất lượng cao 35 triệu đồng, chương trình tiên tiến 40 triệu đồng. Trường cũng công bố lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm đối với chương trình đại trà năm học 2021-2022 là 22 triệu đồng, 2022-2023 là 24 triệu đồng và 2023-2024 là 26 triệu đồng.
Tương tự, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) công bố học phí 35 nhóm ngành/ngành chương trình đại trà, dạy bằng tiếng Việt, khoảng 6 triệu đồng/học kỳ (tối đa 17 tín chỉ, tăng 700.000 đồng so với khóa tuyển sinh năm trước). Chương trình chất lượng cao, tiên tiến, liên kết quốc tế (chưa kể học kỳ pre-university) 30 triệu đồng/học kỳ (tối đa 17 tín chỉ, không tăng so với năm trước).
Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh công bố mức học phí dự kiến chương trình đại trà 17,5 - 19,5 triệu đồng/năm (tăng 1 triệu đồng), chất lượng cao tiếng Việt 28 - 30 triệu đồng/năm (tăng 1 - 2 triệu đồng), chất lượng cao tiếng Anh 32 triệu đồng/năm (tăng 2 triệu đồng), chất lượng cao tiếng Việt - Nhật 32 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh công bố mức học phí năm học 2020-2021: lớp đại trà 18 triệu đồng, lớp Anh văn pháp lý 36 triệu đồng, lớp chất lượng cao ngành luật và ngành quản trị kinh doanh 45 triệu đồng, lớp chất lượng cao ngành quản trị - luật 49,5 triệu đồng.
Trường ĐH Tài chính - Marketing công bố học phí năm học 2020-2021 đối với chương trình đại trà là 18,5 triệu đồng/năm học; chương trình đặc thù: khoa du lịch 22 triệu đồng, khoa công nghệ thông tin 19,5 đồng; chương trình chất lượng cao 36,3 triệu đồng, chương trình quốc tế 55 triệu đồng...
Tự chủ tài chính
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết năm học tới trường sẽ thực hiện tự chủ tài chính. Khi trường tự chủ phải thu mức học phí mới như vừa công bố mới đủ chi phí đào tạo.
"Trường hiện đã không còn được Nhà nước cấp ngân sách, nên với mức học phí 13 triệu đồng/năm sẽ không đào tạo được. Các lớp cũ vẫn theo lộ trình cũ", ông Khôi cho hay.
Giải thích mức tăng "khủng" của ngành răng hàm mặt, ông Khôi nói ngành này từ trước đến nay trường luôn phải bù lỗ rất nhiều. Do đó, dù năng lực đào tạo rất lớn nhưng trường không dám tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Hiện nay, mỗi sinh viên răng hàm mặt của trường được thực hành trên một ghế răng. Các vật dụng, nguyên vật liệu thực hành ngành này khá nhiều và không thể tận dụng lại được nên chỉ sử dụng được một lần rồi bỏ, do vậy chi phí rất lớn.
Cũng theo ông Khôi, trường dự kiến ngay trong năm đầu tiên sẽ trích 15% tổng thu học phí để cấp học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Dự kiến khoảng 80 tân sinh viên sẽ được nhận học bổng này.
ThS Lê Văn Hiển, Phó Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh cho biết: "So với khóa tuyển sinh năm trước, học phí của trường năm nay tăng nhẹ từ 500.000 đồng đến 5,75 triệu đồng tùy lớp. Các năm tiếp theo trường sẽ thông báo ngay sau khi các cấp thẩm quyền phê duyệt lại đề án tự chủ của nhà trường…".
Vẫn thấp so với chi phí đào tạo TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho hay: "Mức học phí công bố trên chỉ là dự kiến trong trường hợp đề án thí điểm tự chủ của trường được phê duyệt. So với mức học phí hiện tại, chương trình đại trà dự kiến tăng thêm 9,4 triệu đồng và chương trình chất lượng cao tăng 5 triệu đồng. Mức tăng thêm này là không nhiều so với mức thu hiện nay và vẫn còn thấp hơn với chi phí đào tạo sinh viên tại trường". |
Theo Tuổi trẻ