Phó Chủ tịch Hội Người mù năng động
Xã hội - Ngày đăng : 17:02, 05/06/2020
Không chỉ giỏi làm giàu, anh Liên còn giành được nhiều giải thưởng cao nhờ hát chèo
Anh Nguyễn Văn Liên sinh năm 1971 ở xã An Đức (Ninh Giang), Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Ninh Giang không chỉ giỏi làm kinh tế mà còn nổi tiếng với tài hát chèo, hát văn và chơi nhạc cụ dân tộc.
Anh Liên sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em thì chị cả bị mù bẩm sinh, chị thứ hai bị tật ở miệng, anh và người em út có thị lực kém từ bé. Năm 1994, anh kết hôn cùng chị Nguyễn Thị Thu ở huyện Gia Lộc và lần lượt sinh được hai người con, một trai, một gái. Năm 1999, anh bị thoái hóa võng mạc và mù hoàn toàn dù chạy chữa nhiều bệnh viện từ Nam ra Bắc.
Từ ngày hỏng mắt, anh làm bạn với chiếc radio rồi tìm nghề phù hợp với bản thân và người cùng cảnh ngộ. Ban đầu, anh mở một xưởng mây tre đan, với khoảng 50 công nhân. Vào mỗi dịp cao điểm, số lượng công nhân tăng lên gần 500 người.
Sau này, những cơ sở làm mây tre đan mọc lên nhiều khiến xưởng của anh Liên không trụ được lâu nên anh chuyển sang buôn cá. Từ 1-2 giờ sáng, anh cùng vợ đi xe máy đến các đầm, bãi trong vùng mua cá rồi chở lên Hà Nội bán. Buôn bán thuận lợi, anh sắm thêm xe tải rồi thu gom cá ở khu vực huyện Ninh Giang và Ân Thi (Hưng Yên) chuyển ra tiêu thụ ở Hải Phòng. Nhưng vụ tai nạn giao thông bất ngờ năm 2007 khiến anh mất trắng hơn 500 triệu đồng.
Không chịu thất bại, năm sau anh Liên dồn hết vốn liếng, tài sản xây nhà nghỉ bình dân. Kinh doanh có lãi nên anh tiếp tục dồn tiền xây dựng một nhà nghỉ mới ở đường tỉnh 396, đoạn qua chợ Bùi, xã Tân Quang (Ninh Giang) vào cuối năm 2009. Thu nhập từ hai nhà nghỉ giúp anh tiết kiệm được 20-30 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, anh xây dựng được nhà cửa khang trang cho cả hai chị gái khuyết tật.
Những ngày gần đây, trên Facebook và kênh YouTube cá nhân, anh Liên đã đăng tải nhiều video hát chèo, thu hút sự quan tâm của cộng đồng như "chống dịch như chống giặc", "ngành y nơi tuyến đầu chống dịch", "khôn thiêng anh nhớ đường về", "Ninh Giang đổi mới"… Những bài hát chèo trên đều do anh tự soạn lời, tự hát và quay lại bằng điện thoại cá nhân.
Anh Liên cho biết: “Khi mới bị hỏng mắt tôi rất hụt hẫng. Hằng ngày, tôi tìm niềm vui khi nghe các chương trình trên Đài Tiếng nói Việt Nam và yêu thích các làn điệu chèo lúc nào không hay”. Không chỉ học hát, anh Liên còn tìm hiểu cách chế tạo và chơi các nhạc cụ dân tộc như sáo, đàn nhị, đàn nguyệt.
Không qua trường lớp chính quy, bài bản nào nhưng anh Liên đã thuộc hàng chục làn điệu chèo cổ như luyện năm cung, du xuân, sa lệch chênh, đường trường bắn thước, đường trường thu không... Từ chỗ hiểu làn điệu, anh còn đặt lời mới và sáng tác hàng chục kịch bản chèo gần gũi với những sự kiện thời sự tại địa phương. Từ ngày còn làm chủ cơ sở mây tre đan, anh Liên tự bỏ tiền thành lập và duy trì hoạt động của Đội hát chèo xã An Đức. Ban ngày bận việc ở xưởng thì tối đến anh lại mê mẩn dạy hát cho nông dân. Tiếng lành đồn xa, Đội chèo ở các xã Tân Quang, Tân Phong (Ninh Giang) hay ở các huyện Bình Giang, Gia Lộc đến cả Phù Cừ (Hưng Yên) đều có mặt “thầy” Liên giảng dạy.
Trong sự nghiệp ca hát không chuyên của mình, anh Liên đã đoạt nhiều huy chương cấp toàn quốc như huy chương bạc trong cuộc thi "Tiếng hát từ trái tim" năm 2006, huy chương vàng "Tiếng hát làng chèo năm" 2011, huy chương vàng cuộc thi "Tiếng hát từ trái tim" năm 2016, 2 huy chương vàng hát văn trong liên hoan "Tiếng hát người khuyết tật" 2019. Ngoài ra, anh còn đoạt huy chương đồng điền kinh trong Paragames toàn quốc năm 2005.
Vượt lên chính mình, anh Liên khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi anh vừa làm tốt vai trò Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Ninh Giang, vừa là trụ cột vững chắc của gia đình.
LƯƠNG THIỆN