8 nguyên nhân ít ai ngờ lại làm tăng huyết áp
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 17:38, 05/06/2020
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có 1,13 tỷ người trên toàn cầu sống chung với bệnh tăng huyết áp và đó cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong sớm.
Mức huyết áp vượt qua phạm vi bình thường (120/80 mm Hg) là đã bắt đầu tăng huyết áp. Chỉ số huyết áp vượt trên 140/90mm Hg được xác định là huyết áp cao. Nếu không được kiểm soát kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến các bệnh gây tử vong.
Muối và căng thẳng được coi là thủ phạm chính gây tăng huyết áp. Nhưng có thể có các yếu tố khác gây ra tình trạng này, theo Sound Health and Lasting Wealth.
Sau đây là một số tác nhân không được chú ý và không ngờ là chúng có thể gây ra huyết áp cao.
1. Ăn uống quá nhiều đường
Thực tế, đường có thể có hại hơn cả muối trong việc làm tăng huyết áp. Khoảng 2 lon nước ngọt có ga tương đương 700 gram làm tăng huyết áp tâm thu lên 15 đơn vị và huyết áp tâm trương tăng 9 đơn vị.
2. Sự cô đơn
Theo một số ước tính, huyết áp tâm trương của những người cô đơn có thể tăng 14 đơn vị trong khoảng thời gian 4 năm.
3. Những cơn đau
Cơn đau đột ngột hoặc đau cấp tính có thể tác hại đến hệ thần kinh, từ đó có thể tăng huyết áp.
4. Đi khám bệnh
Tình trạng này được gọi là tăng huyết áp “áo choàng trắng”, có thể làm tăng huyết áp tâm thu lên 10 đơn vị và áp suất tâm trương lên 5 đơn vị. Sự tăng đột biến có lẽ là do sự căng thẳng hồi hộp khi đi khám bệnh gây ra.
Một nghiên cứu được công bố trên Annals of Internal Medicine chỉ ra rằng tình trạng này nếu không được điều trị có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch và tử vong.
5. Mất nước
Mạch máu trở nên căng cứng khi các tế bào bị khô hoặc không có đủ nước. Đây là cách cơ thể hoạt động.
Nếu lượng nước trong các tế bào giảm xuống, não sẽ gửi tín hiệu đến tuyến yên để tiết ra một chất hóa học làm co các mạch máu. Hơn nữa, lúc này thận cũng không sản xuất đủ nước tiểu, nhằm giữ lại chất lỏng trong cơ thể. Điều này cũng ép các mạch máu nhỏ trong tim và não.
6. Ngưng thở khi ngủ
Nếu không ngủ ngon, giấc ngủ bị gián đoạn sẽ khiến hệ thần kinh bơm ra các hóa chất làm tăng huyết áp. Và lượng ô xy trong máu thấp hơn cũng gây khó khăn trong việc điều chỉnh huyết áp.
7. Uống thảo dược bổ sung
Một số thảo dược bổ sung như nhân sâm, gingko (bạch quả), cam thảo có thể làm tăng huyết áp hoặc làm mất tác dụng của thuốc hạ huyết áp.
8. Mất cân bằng tuyến giáp
Tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp) gây mệt mỏi và làm chậm nhịp tim, có thể khiến các động mạch trở nên kém co giãn và do đó làm tăng huyết áp.
NGUYÊN THẢO(tổng hợp)