Miệt mài "nối những bờ vui"
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 06:09, 07/06/2020
Tiến độ thi công cầu Mây được rút ngắn kỷ lục từ trước tới nay tại Hải Dương
Để bảo đảm tiến độ công trình, thiết thực chào mừng các sự kiện lớn của tỉnh, những người thợ thi công cầu Mây không quản gian khó, ngày đêm hăng say làm việc bất kể mưa rét hay cái nắng cháy da cháy thịt những ngày hè.
Nhọc nhằn, hiểm nguy
Những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6, miền Bắc lại bước vào đợt nắng nóng gay gắt. Ngồi dưới bóng cây còn đổ mồ hôi chứ nói gì đến làm việc trên các công trường xây dựng. Vậy mà có mặt trên công trường thi công cầu Mây nối đôi bờ sông Kinh Môn giữa huyện Kim Thành và thị xã Kinh Môn, chúng tôi thấy hàng trăm công nhân đang miệt mài làm việc. Với cái nắng nóng 37-38 độ C đo được ở lều khí tượng thì trên công trường này nơi toàn bê tông, sắt thép ngàn ngạt chẳng khác nào cái chảo rang khổng lồ.
Quan sát các công nhân làm việc, tôi ấn tượng nhất với một người có dáng vẻ phong trần, bụi bặm, cả buổi mải mê vung búa chí chát với đống sắt thép. Đó là anh Nguyễn Văn Thi, 34 tuổi, công nhân Công ty CP Bạch Đằng 5. Lau vội những giọt mồ hôi trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió, anh Thi nói: "Đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh nên để kịp tiến độ bàn giao, chúng tôi phải làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm. Có tuần công việc bận rộn quá, tôi còn quên khuấy việc gọi điện thoại về cho gia đình".
Để bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình, những công nhân thi công cầu Mây đã và đang phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả. Theo anh Thi, mỗi ngày sẽ có 3 ca làm việc. Mỗi ca kéo dài 8-10 tiếng. Ca ngày sẽ phải đối diện với cái nắng nóng tới 39 độ C nên rất dễ bị mất nước, say nắng. Còn vào ban đêm môi trường làm việc sẽ nguy hiểm hơn, đòi hỏi người thợ phải có chuyên môn vững. Vào mùa đông lại phải đối chọi với cái rét cắt da cắt thịt. Vì thế, anh em nào không có sức khỏe tốt thì khó bám trụ được với nghề. Từ khi vào nghề đến nay, anh Thi chứng kiến không ít người đã phải bỏ việc giữa chừng vì không chịu nổi sự vất vả.
Dẫn tôi đi một vòng công trường, anh Nguyễn Trung Sáng, Phó Chỉ huy trưởng chỉ đạo xây dựng đường dẫn nhắc nhở: “Chú nhớ để ý đường đi vì nếu bước hụt sẽ rơi xuống dòng nước thơ mộng kia đấy. Đối với công nhân cầu đường như chúng tôi, an toàn lao động luôn phải đặt lên hàng đầu bởi làm việc trên cao hàng chục mét, chỉ cần sơ ý một chút là nguy hiểm đến tính mạng ngay”. Đúng như lời anh Sáng nhắc, trên mặt cầu đang thi công có nhiều đoạn chưa đổ bê tông, sắt thép ngổn ngang nhô lên tua tủa, sắc nhọn như chông. Nếu sơ ý có thể bị thương bất cứ lúc nào.
Công nhân miệt mài làm việc bất chấp thời tiết nắng nóng gay gắt
Để chúng tôi hiểu thêm về sự vất vả, nguy hiểm của công nhân cầu đường, anh Sáng cho biết anh em làm nghề này đều phải chấp nhận rủi ro, việc giẫm phải đinh, xây xát chân tay xảy ra như cơm bữa. Một số người bị xoang mũi chữa cả chục năm không khỏi do môi trường làm việc bụi bặm. Có đêm đang thi công thì trời nổi dông lốc, dây treo lắc lư hết bên này lại qua bên kia. Treo mình trên độ cao vài chục mét như thế nếu không phải người có thần kinh thép chắc không chịu nổi. Làm việc trên cạn đã vất vả như vậy, làm việc dưới nước còn nguy hiểm gấp nhiều lần. Mỗi lần thi công trụ cầu, các công nhân phải đóng cọc, bọc bạt để bơm nước ra ngoài. "Nếu cọc đóng không chắc chắn sẽ bị áp lực nước đẩy vào gây nguy hiểm cho anh em đang thi công bên trong. Để bảo đảm an toàn, các nhà thầu đều trang bị quần áo, thiết bị bảo hộ đầy đủ cho công nhân, nhưng nguy hiểm thì vẫn luôn rình rập những người thợ. Chỉ cần chủ quan là có thể phải đánh đổi bằng cả tính mạng", anh Sáng nói.
Điều kiện làm việc vất vả là thế nhưng nơi ăn chốn nghỉ của anh em làm nghề cầu đường cũng còn rất nhiều khó khăn. Hết ca làm, anh Sáng dẫn chúng tôi về khu các anh ở. Đó là một lán trại nhỏ được lợp bằng những tấm nhôm nằm gọn dưới chân cầu Mây. Trong lán chỉ có chiếc ti vi và chiếc giường được ghép từ các tấm gỗ. Ngồi trong lán trại chỉ vài phút mà cái nóng hầm hập từ mái tôn phả xuống làm tôi vã mồ hôi, ngột ngạt và khó chịu. Chính vì thế, sau bữa trưa vội vàng, các công nhân ở đây thường trốn cái nóng bằng cách mang võng, chiếu đi tìm chỗ mát để ngủ. Một số công nhân khác vào nhà dân ở trọ.
Những công nhân thi công cầu đã đổ bao mồ hôi, công sức để phấn đấu sớm hoàn thành công trình trọng điểm của tỉnh
Tiến độ kỷ lục
Gần chục năm gắn bó với nghề, xây dựng hàng chục cây cầu lớn nhỏ trên mọi miền Tổ quốc nhưng chưa công trình nào anh Thi thấy tiến độ được đẩy nhanh như cầu Mây. Các phần việc đều được các tổ thực hiện nhanh chóng, khẩn trương, bảo đảm chất lượng. Chỉ tay xuống bến phà Tuần Mây, anh Thi cho biết: "Gần một năm nay, công trường cầu Mây hầu như không nghỉ. Tiếng máy móc rền vang cả ngày lẫn đêm. Chỉ gần một tháng nữa thôi, công trình này sẽ hoàn thành. Người dân hai bên bờ chắc hẳn sẽ rất phấn khởi vì không phải đội mưa nắng chờ phà như trước nữa".
Sau gần 1 năm thi công liên tục, hàng trăm công nhân thuộc các nhà thầu Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18.6 (Licogi 18.6), Công ty CP Bạch Đằng 5, Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 7 đã không quản nắng mưa, vất vả, ngày đêm làm việc nhằm bảo đảm công trình thi công đúng tiến độ. Đây cũng là công trình có tốc độ thi công được rút ngắn kỷ lục từ trước tới nay tại Hải Dương. Công trình được khởi công từ cuối tháng 8.2019, đến ngày 27.5.2020 đã hợp long và dự kiến khánh thành vào tháng 6 này, sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch. Đây cũng là cây cầu đầu tiên trong tỉnh hoàn thành trong chưa đầy 1năm. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, sau khi hợp long, các nhà thầu tiếp tục thi công các phần việc còn lại, bảo đảm đưa cầu vào hoạt động đúng tiến độ.
Để có được những công trình bảo đảm chất lượng, tiến độ và thậm chí vượt tiến độ như cầu Mây, những người thợ cầu đường hầu như quanh năm phải sống chung với bê tông, sắt thép nên ít có dịp về thăm nhà. Gần 40 năm bám nghề cầu đường, ông Lê Văn Vịnh (58 tuổi, quê Hưng Yên) cho biết: “Hầu hết công nhân cầu đường đều xuất thân từ nông dân, cuộc sống khó khăn. Ở nhà làm nông nghiệp thu nhập bấp bênh nên đành phải đi làm ăn xa, nhiều lúc nhớ vợ con và thèm bữa cơm gia đình lắm. Mặc dù công việc vất vả nhưng lương công nhân cầu đường rất ổn. Mỗi tháng tôi có thể kiếm được từ 10-12 triệu đồng. Toàn bộ số tiền hầu như tôi gửi về cho vợ con".
Nhiều người đã theo nghề thợ cầu đường vài chục năm. Cả cuộc đời họ gắn bó với những cây cầu còn nhiều hơn thời gian ở với gia đình. Xa nhà, họ luôn canh cánh trong lòng nỗi niềm nhớ quê, nhớ mái ấm gia đình. Còn với những thanh niên trẻ chưa lập gia đình, nhiều khi đơn giản là sự thiệt thòi khi những ngày nghỉ lễ không thể tham gia cuộc vui cùng bạn bè hoặc người yêu. Anh Phạm Văn Duẩn (quê Hải Phòng) trải lòng: “Mỗi năm tôi chỉ về nhà được vài ngày, nhiều lúc bố mẹ ốm đau cũng không thể ở bên chăm sóc. Bạn bè cưới xin cũng khó mà tham dự".
Gần 20 năm "chinh chiến" khắp các nẻo đường, anh Duẩn vẫn nhớ như in từng công trình. Bởi đó là những "đứa con" mà anh và mọi người đã đổ không biết bao mồ hôi, thậm chí là cả máu để xây dựng lên. Với anh, mỗi công trình đều để lại những dấu ấn riêng, chỉ những người thật sự yêu nghề mới cảm nhận được niềm vui trong gian khó. Nhiều người tâm huyết với nghề coi công trường như là nhà, coi công trình như con đẻ.
Tôi rời công trường cầu Mây lúc hoàng hôn buông xuống. Cầu Mây nay đã hiên ngang, sừng sững nối nhịp bờ vui. Những tốp công nhân hoàn thành ca ngày đang về nghỉ ngơi, những tốp công nhân làm ca tối tiếp tục vào ca làm mới. Chẳng quản gian khó họ vẫn hăng say, miệt mài đi "nối những bờ vui".
Tuy nghề cầu đường nặng nhọc nhưng hiện nay đã có máy móc, công nghệ hỗ trợ nên công nhân cũng đỡ vất vả hơn trước, thu nhập của họ cũng được nâng lên. Trung bình mỗi công nhân có thể kiếm được từ 10-12 triệu đồng/tháng. Mỗi ngày họ thường làm 8 giờ/ca, nếu tăng ca sẽ có thêm một khoản tiền nữa. |
ĐỖ QUYẾT