Kim Lôi đẩy lùi cái nghèo
Đời sống - Ngày đăng : 21:15, 07/06/2020
Nhờ làm tốt công tác giảm nghèo, diện mạo nông thôn ở Kim Lôi ngày càng khởi sắc
Chủ trương đúng
Kim Lôi hiện có 858 hộ dân, sinh sống dưới chân núi An Phụ. Bao đời nay, người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm trước, do chưa khai thác hiệu quả thế mạnh tài nguyên đất đai nên thu nhập của người dân còn thấp. Năm 2016, năm đầu tiên áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, qua rà soát có đến gần 18% số hộ dân trong thôn thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Thời điểm đó, Đảng ủy, UBND xã Bạch Đằng đã ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch về công tác giảm nghèo bền vững của xã. Địa phương nhận định rõ Kim Lôi phải dựa vào tài nguyên đất đai nông nghiệp kết hợp cùng các chính sách giảm nghèo của nhà nước và địa phương, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đó là lối mở để cán bộ và nhân dân Kim Lôi đoàn kết, tìm ra hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế, giảm hộ nghèo.
Anh Nguyễn Hữu Nghị, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Kim Lôi cho biết: "Ở Kim Lôi có đến gần 93% số người dân tham gia sản xuất nông nghiệp. Dựa theo định hướng của xã, thôn đã họp bàn thống nhất hướng phát triển kinh tế phù hợp. Đó là ưu tiên phát triển những cây trồng phù hợp, có hiệu quả với đồng đất quê nhà như hành tỏi, cam, ổi; chuyển đổi những khu đồng trũng gieo trồng kém hiệu quả sang phát triển mô hình VAC".
Thôn giao cho các tổ chức đoàn thể có nhiệm vụ vừa là cầu nối để người dân tiếp cận các nguồn giống, vốn ưu đãi, vừa trực tiếp hướng dẫn người dân phát triển kinh tế. Chi hội Phụ nữ đẩy mạnh mô hình "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế". Chi hội Nông dân tập trung vào mô hình "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi". Thông qua hoạt động của các mô hình, các chi hội đứng ra tín chấp cho hội viên có nhu cầu vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế; thường xuyên liên hệ với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện việc chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các hội viên. Trong đó chú trọng hướng dẫn chăm sóc và bảo quản hành tỏi. Đây là những cây trồng thế mạnh của địa phương được nhiều hội viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo canh tác.
Người dân nỗ lực
Các hộ thoát nghèo ở Kim Lôi chủ yếu do tích cực tăng gia sản xuất. Nhiều hộ đã trở nên khá giả, xây sửa nhà cửa, mua được nhiều vật dụng đắt tiền. Năm 2016, thôn Kim Lôi có 52 hộ nghèo (chiếm 6,6%), 89 hộ cận nghèo (chiếm hơn 11%). Kết quả rà soát cuối năm 2019, thôn chỉ còn 11hộ nghèo (1,28%) và 19 hộ cận nghèo (2,21%). Thu nhập bình quân đầu người năm2016 đạt 36 triệu đồng, đến tháng 4.2020 đạt 55 triệu đồng. Thôn phấn đấu hết năm 2020 chỉ còn hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội không có khả năng tự thoát nghèo.
Anh Nguyễn Hữu Nghị là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn từ năm 2017, đúng thời điểm địa phương bước vào thời kỳ nỗ lực giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều. Đi cùng nhân dân trong thôn suốt chặng đường qua, anh Nghị chia sẻ rằng giảm nghèo tích cực có 2 yếu tố chính. Thứ nhất là những chính sách phù hợp của Đảng, Nhà nước và địa phương. Thứ hai là nỗ lực vươn lên của mỗi người dân, nhất là những hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo. Thực tế đến thăm một số gia đình từng là hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương đã chứng minh nhận định này là đúng.
Như hoàn cảnh của chị Phạm Thị Nghiên đã vươn lên thoát nghèo nhờ sự quan tâm của địa phương và nỗ lực của bản thân. Cuộc sống mấy năm nay của chị Nghiên khá giả và đủ đầy hơn trước nhiều. Mấy năm trước, chị Nghiên thuộc hộ nghèo. Thời điểm đó chị phải nuôi con ăn học nhưng vẫn chưa tìm thấy hướng phát triển kinh tế hiệu quả. Từ năm 2017, sau khi được Chi hội Phụ nữ thôn giúp vay vốn ưu đãi, ngoài trồng lúa, năm nào chị cũng trồng khoảng 3-4 sào hành. Năm nay chị trồng thêm 2sào dưa lê. Thường xuyên được học hỏi kinh nghiệm chăm bón nên cây trồng cho năng suất cao, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó, chị Nghiên đã thoát nghèo. “Làm nông nghiệp quay vòng cứ cấy lúa, trồng hành, trồng dưa… quanh năm vất vả nhưng tôi không ngại. Mình có cố gắng thì cuộc sống mới thay đổi tốt đẹp được”, chị Nghiên vui vẻ cho biết.
Gần nhà chị Nghiên, vợ chồng anh Phạm Văn Chuẩn và chị Trịnh Thị Thành đang xây lại công trình phụ. Đây là việc mà nhiều năm qua anh chị mong ước nhưng giờ mới có điều kiện để làm. Mấy năm trước, anh Chuẩn bị tai nạn, chị Thành cũng đau yếu liên miên, các con đang tuổi ăn tuổi học nên gia đình chị rơi vào diện hộ nghèo. Nhưng cũng như nhiều bà con trong thôn, vợ chồng anh chị luôn quyết tâm vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Anh chị vay vốn hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội mua máy cày cho con lập nghiệp. Khi sức khỏe dần phục hồi, anh chị vừa cấy lúa vừa trồng 7 sào hành. Cứ thế, mấy năm nay kinh tế đã phát triển ổn định, cuộc sống của gia đình anh chị dần khá lên.
THANH NGA