Ước mơ mãi dở dang của tác giả Có phải em mùa thu Hà Nội
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 06:15, 08/06/2020
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc sinh năm 1945 tại Gio Linh, Quảng Trị. Ông theo học âm nhạc tại Trường Quốc gia âm nhạc Huế năm 20 tuổi. Tốt nghiệp, ông vào học một đại học nữa ở Sài Gòn rồi bắt đầu sáng tác năm 1960. Để rồi 10 năm sau đó, nhạc sĩ có tuyển tập đầu tay là Hát bên dòng sông xưa.
Chưa một lần ra Hà Nội
Kỳ thực, Trần Quang Lộc viết đến 600 bài hát, những sáng tác hay có nhiều: Em còn nhớ Huế không, Chợt nghe em hát, Tình cờ gặp nhau, Câu hát tình quê, Áo hoa, Em đã xa tôi... nhưng có lẽ vì hai bài Có phải em mùa thu Hà Nội và Về đây nghe em quá nổi tiếng mà khán giả chỉ nhớ nhất tên ông với đúng hai nhạc phẩm này.
Có phải em mùa thu Hà Nội với thơ Tô Như Châu được Trần Quang Lộc phổ nhạc năm 1972 và nhanh chóng đón nhận tình cảm nồng nhiệt của khán thính giả. Có phải em mùa thu Hà Nội đơn thuần là một bài hát hay về Hà Nội mà ở đó, người ta nhìn thấy Hà Nội xưa, hay đúng hơn là khung cảnh Thăng Long thanh bình, cổ kính và lãng mạn, mơ màng. Dẫu rằng, cả Tô Như Châu và Trần Quang Lộc đều chưa lấy một lần ra Hà Nội.
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc và Thu Phương. Sau này, khi nghe tin ông bệnh nặng, ca sĩ gốc Hải Phòng đã gửi ông 100 triệu giúp đỡ khiến nhạc sĩ xúc động vô cùng |
Hai giọng ca hát thành công nhất bài này là Hồng Nhung và Thu Phương, sau đó có thể kể đến Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Khánh Linh, Lam Trường, Mỹ Tâm... Đặc biệt là trường hợp của Thu Phương, cô hát Có phải em mùa thu Hà Nội lần đầu năm 1997. Không thể nói Thu Phương khi ấy vô danh vì cô đã đi hát với ban nhạc Tây Hồ nhiều năm, trước cả lúc tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội. Song, phải từ khi hát Có phải em mùa thu Hà Nội, sự nghiệp Thu Phương tiến lên một tầm cao mới, tên cô đặt cạnh các diva Hà thành cũng như mở ra thời kỳ đầu của trào lưu âm nhạc Làn Sóng Xanh.
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc và danh ca Thái Thanh |
Trong khi đó, Về đây nghe em là ca khúc viết bằng điệu slow rock mạnh mẽ, tân thời, giàu chất trữ tình. Chính nhạc sĩ Trần Quang Lộc từng tiết lộ ông viết Về đây nghe em năm 1968, khi đang đi học tại Sài Gòn và đi đánh đàn cho phòng trà, quán bar hằng đêm để kiếm sống. Tại đây, ông nhìn thấy cảnh một số nữ sinh viên mặc váy ngắn làm gái mà lòng day dứt, nhiều nỗi niềm. Từ đó, ông viết nên bài Về đây nghe em với lời: "Về đây nghe em / Về đây mặc áo the, đi guốc mộc".
Từ yêu nữ sinh trường nhạc đến người bạn đời ân cần
Hình ảnh về nhạc sĩ Trần Quang Lộc không bao giờ thiếu cây guitar. Nhà ông ở Bà Rịa còn nhiều đàn hơn, từ chiếc piano cũ đến hơn 10 cây guitar, chục cái organ cùng hai dàn âm thanh nghe nhạc và hàng trăm CD, VCD.
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc không giấu việc đã tán "đổ" vợ mình, bà Nguyễn Thị Thuận (sinh năm 1949) bởi cây đàn và âm nhạc của người nghệ sĩ. Ông gặp bà Thuận, khi ấy còn là nữ sinh người Huế tại Đà Nẵng. Bà từng học Trường Âm nhạc Huế nhưng nghỉ ngang vì bố mẹ không đồng ý.
Hai người ban đầu là bạn bè thường xưng "mày-tao" vì bằng tuổi. Ông và bà có nhóm bạn chung, thường tụ tập đi chơi cùng nhau, lang thang dọc bờ biển Mỹ Khê. Bà Thuận ấn tượng vì Trần Quang Lộc lúc nào cũng có cây guitar bên mình, có thể hát từ sáng đến trưa không chán. Ông vừa sáng tác vừa nghêu ngao hát nhưng lại không chủ đích ghi chép, lưu giữ.
“Có người từng nói với bố tôi: "Con Thuận nhà anh xinh thế mà đi theo đám bạn này không biết sẽ ra sao”. Nhưng rút cuộc, chuyện tình yêu của chúng tôi vẫn được bố mẹ đồng ý. Cả hai làm đám cưới năm 32 tuổi. Chỉ có điều, tôi được quán triệt: “Lấy một người chồng như vậy, sau này có cực con ráng chịu, không về nhà kêu ca”, bà Thuận kể.
Bà Thuận chăm sóc chồng |
Hai người nên duyên muộn và có 4 người con. Hiện tại, 3 người con của nhạc sĩ Trần Quang Lộc định cư ở Mỹ, còn người con trai Trần Quang Phương Nam ở lại Việt Nam sống cùng bố mẹ.
Trong căn nhà cấp 4 ở phường Long Toàn, thị xã Bà Rịa, TP Vũng Tàu, những tháng cuối đời nhạc sĩ Trần Quang Lộc được vợ chăm sóc bón cho từng muỗng cháo, muỗng sữa. Điều này khiến nhiều đồng nghiệp nể phục và yêu quý tình vợ chồng gắn bó của họ.
Cuộc đời nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã cống hiến cho đời một gia tài âm nhạc đồ sộ. Chia sẻ với phóng viên, ông từng bảo vô cùng biết ơn khán giả, biết ơn các ca sĩ trong nước lẫn hải ngoại đã hát thành công ca khúc của ông.
Sinh lão bệnh tử, dù biết nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã phải đương đầu với những ngày bệnh tật đớn đau và nay đã vĩnh biệt cõi trần nhưng những người yêu nhạc của ông vẫn không khỏi bùi ngùi, tiếc nuối, bởi ước mơ ra Hà Nội tổ chức đêm nhạc cho riêng mình của ông sẽ dở dang mãi mãi.
Theo Vietnamnet