Tìm cơ hội cho nông sản Hải Dương từ EVFTA

Góc nhìn - Ngày đăng : 09:05, 10/06/2020

Nông sản Hải Dương có nhiều cơ hội và lợi thế để xuất khẩu sang thị trường châu Âu nhưng sẽ không dễ nếu sản xuất nông nghiệp không tiếp tục thay đổi.

Xuất khẩu nông sản là một thế mạnh của Hải Dương. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực sẽ mở ra những cơ hội mới giúp lĩnh vực này tiến thêm một bước, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Là một tỉnh có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, những năm qua, Hải Dương cũng là một địa phương có kim ngạch xuất khẩu nông sản tương đối lớn. Không kể vải thiều là đặc sản của địa phương đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Australia, tỉnh còn nhiều nông sản xuất khẩu khác. Những năm qua, nông sản vụ đông cũng là một thế mạnh. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư lớn để xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến nông sản xuất khẩu.

Châu Âu là một thị trường lớn với GDP đứng thứ 4 thế giới. Mỗi năm các nước này nhập khẩu khoảng 150 tỷ USD nông sản, trong khi nông sản của Việt Nam xuất sang đây mới đạt 5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Hải Dương sang thị trường châu Âu chưa nhiều, trước hết đây là thị trường không dễ tiếp cận bởi những tiêu chuẩn khá khắt khe. 

Nông sản Hải Dương có nhiều cơ hội và lợi thế để xuất khẩu sang thị trường châu Âu nhưng sẽ không dễ nếu sản xuất nông nghiệp không tiếp tục thay đổi. EU không phải thị trường dễ tính, sản phẩm đòi hỏi phải đạt vệ sinh an toàn thực phẩm theo chứng nhận quốc tế. Mặc dù những năm qua tỉnh đã có nhiều chương trình hành động để nâng cao chất lượng các vùng nông sản được sản xuất an toàn theo chuẩn quốc tế GlobalGAP nhưng vẫn chưa nhiều. Quy trình sản xuất này vẫn mới chỉ được thực hiện nhỏ lẻ ở một vài địa phương. 

Để tìm kiếm cơ hội cho nông sản từ EVFTA, nông dân và cả ngành nông nghiệp của Hải Dương cần nỗ lực hơn nữa. Trước hết tỉnh cần có chiến lược phát triển nhiều hơn các doanh nghiệp chế biến nông sản có công nghệ cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này. Công nghệ sau thu hoạch cũng cần được chú trọng. Điều này giải quyết được điệp khúc "được mùa, mất giá" lại có cơ hội nâng cao giá trị nông sản khi xuất khẩu, thu nhập của nông dân cũng tăng lên. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục nhân rộng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ sản xuất tiên tiến với sự tham gia của các doanh nghiệp.

Ngoài yếu tố chất lượng, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu cho nông sản cũng cần được quan tâm. Bởi trước đây cũng như hiện tại, nông sản Hải Dương đa phần phải xuất khẩu qua một doanh nghiệp khác, tỷ lệ nông sản xuất khẩu thô vẫn khá cao. Do đó, ngành công thương tỉnh cần có những chính sách cụ thể hơn trong hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu. 

Dịch Covid-19 tại Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát tốt nhưng tại châu Âu vẫn còn khá phức tạp. Để có thể tận dụng được lợi ích từ EVFTA ngay ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà cả hai bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý nội bộ để hiệp định này có hiệu lực dự kiến vào ngày 1.8 tới đây, các doanh nghiệp hãy dành thời gian để tìm hiểu kỹ thị trường, phân tích những khó khăn, thuận lợi trong bối cảnh hiện nay.

HẢI ANH (TP Hải Dương)