"Hãy để học sinh nghỉ hè như ngày xưa tươi đẹp"

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 16:31, 11/06/2020

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng 20 năm trở lại đây kỳ nghỉ hè của học sinh bị rút ngắn lại. Trong khi đó, đây là kỳ nghỉ mang nhiều ý nghĩa, thật sự cần thiết với trẻ em.


Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP Hồ Chí Minh trong lễ bế giảng năm học

"Rất cần thiết bảo đảm cho học sinh có kỳ nghỉ hè đầy đủ, ý nghĩa. Chạy đua để học sinh đi học sớm đầu tháng tám sẽ là việc làm lợi bất cập hại", dịch giả Nguyễn Quốc Vương - người có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục - nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Quốc Vương cho rằng khoảng 20 năm trở lại đây, trong khi cơ quan quản lý giáo dục chỉ đạo “giảm tải” cho trường phổ thông, kỳ nghỉ hè của học sinh cứ ngắn dần. Xin giới thiệu bài viết của người từng là nghiên cứu sinh tiến sĩ về giáo dục lịch sử tại Trường Đại học Kanazawa, Nhật Bản.

Tại sao kỳ nghỉ hè ở Việt Nam ngắn lại?

Có nhiều lý do khiến kỳ nghỉ hè ở Việt Nam ngắn lại, dù thời gian dành cho năm học chính thức theo quy định là 35 tuần hầu như không thay đổi lớn qua thời gian.

Thứ nhất, kỳ nghỉ hè rút ngắn do tác động của quan niệm trường học là nơi truyền thụ tri thức cho học sinh và sứ mệnh của giáo dục là truyền đạt cho trẻ tất cả tri thức cần thiết.

Khi vẫn giữ quan điểm giáo dục có sứ mệnh như trên, người làm chương trình, sách giáo khoa sẽ tham vọng đưa vào đó tất cả điều mà họ thấy “cần thiết” để truyền đạt cho học sinh.

Câu chuyện tranh cãi sách giáo khoa dày hay mỏng, chương trình quá tải hay không và văn bản gọi là “phân phối chương trình” quy định chi tiết đến từng tiết học ở trường phổ thông, đã phản ánh điều này một cách rất khách quan.

Các trường và giáo viên, khi bị chi phối bởi tư duy trên, sẽ chỉ quan tâm “tiến độ chương trình”. Nghĩa là đến ngày này, giờ này, giáo viên dạy hết, xong chương trình, sách giáo khoa theo quy định hay chưa?

Tiến độ chương trình trở thành nỗi ám ảnh của hiệu trưởng và giáo viên, mỗi khi có đợt kiểm tra, thanh tra hay kỳ thi đến.

Việt Nam có thi tập trung, đề chung của sở, phòng. Vì vậy, trường, lớp nào học chậm hơn “tiến độ chương trình” quy định của cấp trên, sẽ bị thua thiệt, nhắc nhở, kỷ luật.

Chính Tanaka Yoshitaka, chuyên gia phát triển giáo dục người Nhật Bản, khi làm việc 3 năm ở Việt Nam, đã viết trong cuốn “Cải cách giáo dục Việt Nam: Liệu có thực hiện được lấy học sinh làm trung tâm” (xuất bản tại Nhật năm 2008) rằng: Ở trường học Việt Nam, hiệu trưởng và giáo viên có xu hướng coi trọng tiến độ chương trình hơn việc cho học sinh học sâu, hiểu kỹ.

Thứ hai, kỳ nghỉ bị rút ngắn do anh hưởng của cuộc chiến thi cử. Cuộc chiến thi cử có thể thấy ở hầu hết nước trong một giai đoạn lịch sử cụ thể, khi xã hội coi trọng bằng cấp.

Ở Nhật Bản, những năm 70-80 của thế kỷ trước là đỉnh cao của cuộc chiến thi cử trong trường. Đằng sau cuộc chiến thi cử là quan niệm sai lầm về sự phát triển của con người và sự thành công trong đường đời.

Khi quan niệm đường đời chỉ có con đường thẳng tắp và duy nhất là học giỏi - thi đỗ - đi làm kiếm thật nhiều tiền để thành công, việc học ở trường sẽ trở thành gánh nặng của học sinh. Những học sinh học kém hơn bạn sẽ bị xem là thất bại.

Để thắng trong cuộc chiến thi cử, việc tận dụng thời gian để có thêm kiến thức được định sẵn một lượng nào đó phục vụ kỳ thi là rất quan trọng. Điều này lý giải các trường, địa phương, giáo viên và cả phụ huynh luôn trong trạng thái chạy đua nước rút.

Thứ ba, kỳ nghỉ hè bị rút ngắn do cơ chế tập quyền hành chính trong giáo dục. Ở nước ta, không có truyền thống trao quyền tự chủ về thời gian thực hiện chương trình và tự chủ về nội dung, phương pháp giáo dục cho các trường và giáo viên. Trong tâm thức và thực tế, các trường và giáo viên luôn coi mình là “người thực thi”.

Sự chủ động ở cơ sở giáo dục và giáo viên kém làm cho việc thực thi chương trình phải theo “sự chỉ đạo” từ phía trên một cách máy móc.

Trong khi ở các nước tiên tiến, cho dù tồn tại chương trình quốc gia, nó cũng là phương án tham khảo và các trường, địa phương, thậm chí là từng giáo viên, sẽ có chương trình giáo dục riêng của mình.

Chương trình phổ thông mới nhất của Nhật cũng ghi rõ thời gian tổng thể dành cho từng môn học nhưng tùy từng địa phương, từng trường mà có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Như vậy, kỳ nghỉ hè và các sinh hoạt học đường khác như vui chơi, thể thao, trải nghiệm đời sống dễ phải hy sinh cho các mệnh lệnh hành chính giáo dục hoặc chiến lược thi cử.

nghi he som anh 3

Học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Đại Nghĩa, TP Hồ Chí Minh, trong buổi chia tay tuổi học trò

Nghỉ hè rất cần thiết với học trò

Xã hội hiện đại với sản xuất lớn gắn liền tự động hóa, hệ thống hóa, tiêu chuẩn hóa, tối ưu hóa đã khiến nhịp điệu cuộc sống trở nên nhanh hơn bao giờ hết.

Mọi người đều có tâm lý muốn tận dụng, tối ưu hóa thời gian để đạt được hiệu quả. Trong bối cảnh đó, sẽ có người đặt ra câu hỏi: “Kỳ nghỉ hè có ích gì không? Có thật sự cần thiết không?”

Trong ký ức của nhiều người Việt Nam đã trưởng thành, nghỉ hè thường gắn liền kỷ niệm thôn dã và những trò chơi cùng bè bạn.

Rất có thể, như một quy luật tâm lý, người ta có xu hướng mỹ hóa “những ngày xưa tươi đẹp”, nhất là khi nản lòng hay buồn phiền trước hiện tại. Đã từ lâu nghỉ hè trở thành một bộ phận quan trọng của văn hóa giáo dục trường học.

Sẽ rất thú vị nếu như ta lần tìm lại lai lịch của kỳ nghỉ hè trong lịch sử giáo dục. Tại sao ở các nước, trải qua lịch sử dài, kỳ nghỉ hè luôn được coi trọng? Tại sao ở các nước tiên tiến, người ta vẫn duy trì ổn định các kỳ nghỉ của trường học, trong đó có kỳ nghỉ hè.

Thứ nhất, như tên gọi kỳ nghỉ gợi ra, mùa hè ở Việt Nam rất nắng nóng. Mùa hè nắng nóng gay gắt, học sinh được nghỉ sẽ tránh nguy cơ về sức khỏe.

Thứ hai, việc học trong xã hội hiện đại cần phải hiểu theo nghĩa rất rộng, là học mọi thứ cần thiết cho sự phát triển của con người (tâm hồn, trí tuệ, thể chất, kỹ năng sống...), chứ không chỉ là học các tri thức trong sách giáo khoa để thi.

Người học cũng sẽ học trong mọi không gian, thời gian, tận dụng mọi cơ hội và thông qua tất cả đời sống sinh hoạt, chứ không chỉ học ở trường.

Vì vậy, nghỉ hè là dịp tốt để học sinh về gia đình, địa phương sinh hoạt, trải nghiệm cuộc sống. Qua đó, trẻ học hỏi kỹ năng sống, cách thức giao tiếp, rèn luyện năng lực thích nghi với đời sống và đặc biệt là học cách lao động và trân trọng giá trị của lao động.

Trước kia, khi đất nước dựa vào kinh tế nông nghiệp thuần túy, hầu hết trẻ em đều có trải nghiệm giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà và lao động. Trừ các trường hợp trẻ em bị lạm dụng, bị bóc lột, việc cha mẹ có ý thức cho con trải nghiệm lao động và tập lao động vừa sức là điều tốt.

Trong xã hội ngày nay, nếu quan sát, ta sẽ thấy có rất nhiều học sinh không biết làm việc nhà hay giúp đỡ cha mẹ hàng ngày. Đây là điều không có lợi cho giáo dục và tạo ra những thế hệ ỷ lại trong cả tư duy và sinh hoạt.

Các em trở thành người lớn nhưng không tự lập được về tư duy và sinh hoạt, sẽ gây ra hệ lụy không chỉ cho cá nhân, mà còn làm suy yếu cộng đồng.

Thứ ba, học sinh nghỉ hè đủ, đúng cách, còn giúp tạo ra quãng thời gian “thong thả” cho giáo viên nghỉ ngơi, sum họp bên gia đình. Giáo viên là nghề không nhàn như nhiều người tưởng. Giáo viên cũng rất cần thời gian dài nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng.

Như một người bình thường, giáo viên cũng có nhu cầu nấu ăn ngon, làm đẹp, đi du lịch, nghe nhạc, đọc sách… Hơn nữa, nghỉ hè là dịp tốt để thầy cô gác lại những công việc lặt vặt ở trường, các công việc sự vụ để tập trung đọc sách, tự học hoặc tham gia các khóa bồi dưỡng, đào tạo.

Nếu người lớn bị tước đi kỳ nghỉ, chẳng hạn công ty, cơ quan thông báo từ giờ trở đi sẽ rút ngắn hoặc xóa bỏ kỳ nghỉ hè định kỳ, người lớn sẽ có cảm giác và phản ứng ra sao?

Với những lý do trên, rất cần thiết đảm bảo cho học sinh có kỳ nghỉ hè đầy đủ, ý nghĩa. Nếu như dành cho học sinh một kỳ nghỉ đúng nghĩa còn không làm được, việc cải cách giáo dục thực sự sẽ còn là chuyện… đường xa.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết, đánh giá học trực tuyến, truyền hình với các sở giáo dục và đào tạo, trường đại học mới đây, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thông tin các trường tiếp tục học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình. Giáo viên, học sinh được tăng thời gian nghỉ hè.

Trước đó, do ảnh hưởng từ thời gian nghỉ dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn các trường kết thúc năm học trước 15.7.

Hiện tại, một số trường đã hoàn thành chương trình, kết thúc năm học. Tuy nhiên, phần lớn trường đều cho rằng khó kết thúc năm học trước tháng 7. Cộng với thời điểm tựu trường giữ nguyên như năm ngoái, học sinh chỉ được nghỉ hè từ 2 tuần đến một tháng.

Theo Zing