Chính phủ cần có chủ trương “không để tỉnh nào ở lại phía sau”
Tin tức - Ngày đăng : 14:50, 13/06/2020
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Mở lối thoát cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đầu tư cho kinh tế văn xã, có chủ trương “không để tỉnh nào ở lại phía sau”... là những đề xuất của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận sáng 13.6 về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020.
Mở lối thoát cho doanh nghiệp vượt khó khăn
Các đại biểu đánh giá những tháng đầu năm nay, thế giới có nhiều xung đột và khó khăn, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, với chủ trương đúng đắn của Đảng, quyết tâm của Chính phủ với mục tiêu bứt phá thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cuối nhiệm kỳ 2016-2020, sự đồng lòng của toàn dân, nước ta đã đạt được một số kết quả quan trọng. Một số lĩnh vực tạo được niềm tin và dấu ấn trong lòng dân, đó là Chính phủ thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương chỉ đạo trợ cấp đúng thời gian, đúng đối tượng. Ngành điện lực giảm giá điện cho toàn dân và doanh nghiệp.
Hệ thống ngân hàng khi có thông tin về dịch COVID-19 đã chủ động chỉ đạo các đơn vị tham mưu khẩn trương nắm bắt, dự báo tình hình, đề xuất giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng để rà soát, đánh giá mức độ gây hại của dịch, xây dựng các kịch bản hành động và chương trình cụ thể, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm thanh khoản trong nền kinh tế. Hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã đi vào sát lòng dân, thực hiện cho vay xóa đói, giảm nghèo.
Tuy nhiên, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về tình trạng nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, thua lỗ, nợ nần tăng cao sau dịch COVID-19, kéo theo nhiều lao động mất việc làm, thất nghiệp, nguồn thu của quốc gia giảm sút nghiêm trọng, hậu quả để lại cho hệ thống ngân hàng tăng nợ xấu. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng để có sự đồng nhất, tạo đà bứt phá, đưa nền kinh tế phát triển bền vững, cùng với thực hiện “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ cũng cần có chủ trương “không để tỉnh nào ở lại phía sau”.
Theo đại biểu, thực tế, các thành phố đã có cơ hội phát triển kinh tế, còn có nghị quyết, chế độ thực hiện mục tiêu riêng, có cơ hội thu hút vốn đầu tư, còn tỉnh nào đã khó khăn lại khó khăn hơn trong thu hút, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhiều tỉnh xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ, tốc độ phát triển không cao, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, thiếu đồng bộ, nằm xa các vùng kinh tế trọng điểm, điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, thậm chí còn có nguy cơ rủi ro, không có sức cạnh tranh, nguồn nhân lực có trình độ tay nghề hạn chế và hiệu quả đầu tư thấp.
Để không có tỉnh nào ở lại phía sau, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cần có sự quan tâm điều chỉnh các định hướng thu hút đầu tư đến các tỉnh còn khó khăn, tạo điều kiện, cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội. Quán triệt thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị định hướng hoàn thiện thể chế chính trị, thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Xác định ngành, lĩnh vực được ưu tiên nhằm mục tiêu định hướng thu hút một cách chủ động đến các khu vực và các tỉnh khó khăn. Tăng cường nguồn vốn đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm để thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội, tạo cơ hội quảng bá hình ảnh về tiềm năng, cơ hội đầu tư xây dựng, quy chế phối hợp với các ngành trong thực hiện phát triển kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết Thủ tướng đã gặp mặt, đối thoại, chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp và đề cập đến tình trạng doanh nghiệp bị nhũng nhiễu, phiền hà, bắt nạt, nhưng vẫn còn một số cá nhân, tổ chức thiếu đồng lòng tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Không ít doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, khai thác khoáng sản xuất khẩu nhưng đề xuất, kiến nghị xin cấp phép xuất khẩu chưa được quan tâm giải quyết. Nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng mua sắm dây chuyền để sản xuất hàng hóa xuất khẩu nhưng không được xuất khẩu, hàng và vốn đều bị tồn đọng, nguy cơ phá sản, nhà nước không có cơ hội để thu ngân sách... Đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo xử lý, mở lối thoát cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo nguồn thu ngân sách cho quốc gia, đại biểu cho rằng cần phải kiểm tra xem có cá nhân, tổ chức nào gây khó khăn, cản trở khiến doanh nghiệp phá sản hay không.
Đầu tư cho “kinh tế văn xã”
Dẫn câu chuyện chiến công thần kỳ của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đặt câu hỏi “làm thế nào để hậu COVID-19, trong 10 năm tới, chúng ta có thể viết nên câu chuyện thần kỳ về kinh tế Việt Nam cũng kỳ diệu như chúng ta đã chiến thắng COVID-19, như chúng ta đã chiến thắng Điện Biên Phủ”. Nhắc lại những tình cảm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, làm nên một hình ảnh, một thương hiệu Việt Nam an toàn, thân thiện, nghĩa tình và hấp dẫn, đại biểu cho rằng điều đó có được từ cội nguồn sức mạnh bản sắc văn hóa, từ nền tảng giáo dục và y tế vững chắc, giàu tính nhân đạo, được xây dựng và vun đắp từ bao đời nay. Mọi quyết định của lãnh đạo, của mỗi người dân đều xuất phát từ tính nhân văn, từ nhu cầu đạo lý làm người.
Với phương châm sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã hiệu triệu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chống dịch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh “chống dịch như chống giặc”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Vậy là triệu người như một, trên dưới một lòng đoàn kết, quyết liệt chống dịch.
“Khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng cán bộ y tế và những ngành có liên quan tận tụy làm việc ngày đêm. Khi các cụ già, em nhỏ cùng chung tay chống dịch, thì không người Việt Nam có lương tri nào lại không làm theo. Phải chăng chính văn hóa đó, trên gương mẫu xung phong, nói đi đôi với làm, dưới một lòng tận tụy, không ngại gian khổ... đã soi đường dẫn chúng ta đến thành công”, đại biểu đặt vấn đề.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, dân tộc ta đã, đang và sẽ có một sức mạnh vô địch, đó là văn hóa. Khai thác và phát huy có hiệu quả tài nguyên vô giá này không chỉ giúp dân tộc Việt Nam trường tồn mà còn giúp đất nước ta phát triển mạnh mẽ, không tụt hậu trong khu vực và trên thế giới. Văn hóa không chỉ là sức mạnh mềm mà còn là nguồn lực vật chất lớn lao để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở một nước có truyền thống văn hóa lâu đời, đặc sắc như Việt Nam.
“Kinh tế văn xã” (gồm các ngành y, dược, văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch) là những nguồn lực to lớn, hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội, là bệ đỡ, động lực bền vững góp phần đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045. Đây là những lĩnh vực nước ta có tiềm năng, thế mạnh rất lớn, có khả năng xã hội hóa cao, kể cả huy động nguồn lực lớn của quốc tế, như việc huy động các nguồn lực trong phòng chống dịch COVID-19 vừa qua của ngành y tế hay việc xã hội hóa để làm sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng lâu nay chúng ta chưa đầu tư khai thác và phát huy được nhiều trong lĩnh vực này.
“Đầu tư kinh tế văn xã là thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế và cũng thu được lợi ích kép, cả về kinh tế và xã hội, an sinh. Điều lớn hơn nữa là xây dựng được hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, trở thành thương hiệu quốc gia đặc sắc, có giá trị vật chất đặc biệt và riêng có của Việt Nam”, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng khẳng định.
Theo TTXVN