Người về trong gió
Truyện ngắn - Ngày đăng : 10:52, 14/06/2020
Cỡ hai mươi năm ông mới về thành phố. Phố xá mênh mang đã đổi thay nhiều. Chỉ những di tích thì dường như vẫn còn vẹn nguyên. Cả kỷ niệm đã được đặt tên, cùng với con phố như vừa mới diễn ra hôm qua. Như gió hồ Bạch Đằng nồng nàn chở theo cả ước vọng.
Ông Thành không quên lối rẽ vào con phố ấy. Để chắc, ông hỏi thăm một người dân khi đứng trước ngôi nhà có giàn hoa giấy cứ phô ra sắc đỏ rực rỡ. Đúng là ngôi nhà cần tìm, ông bấm chuông. Thật may, người ra mở cửa là bà. Một vài giây phút sững sờ. Rồi cả hai mau chóng định thần. Ông thấy rõ nét bất ngờ trên gương mặt bà.
- Ôi... Ông về khi nào thế? Mời ông vào nhà uống nước.
Rõ là trong câu hỏi của bà có phần luýnh quýnh. Người phụ nữ tuổi gần bảy mươi phúc hậu, nụ cười tươi, cảm như chẳng khác thời xưa là mấy khiến ông thấy vững tâm. Chắc hẳn là bà ấy không phải lo lắng quá nhiều trước cuộc sống. Hai ông bà bộc bạch chuyện cháu con. Ông kể thêm ở nước ngoài có thú chơi hoa, những món đồ dân dã để nhớ về Việt Nam. Các con ông cứ thắc mắc vì sao bố hoài cổ đến thế. Lại còn luôn giữ thói quen đọc sách, ghi nhật ký. Ông không muốn giải thích nhiều, bởi ông thấy chuyện bản thân sống hoài cổ có nói với các con chúng cũng không hiểu. Ông giữ cho riêng mình.
- Giờ cậu Thịnh khá lắm rồi nhỉ? - ông hỏi.
- Vâng, nhờ ông quan tâm, cháu đã có nghề, chuẩn bị lấy vợ đấy ông ạ - giọng bà đầy hàm ơn - Cháu nó có chí lắm. Luôn lấy tấm gương bác Thành ra để soi.
Cả hai cười mừng. Thịnh là con bà Hải với ông Liên. Khi sinh ra, Thịnh mang di chứng chất độc da cam từ bố, tay chân cứ teo lại. Ông Liên, bà Hải đã đem con đi khắp nơi tìm thầy tìm thuốc. Cũng nhờ nỗ lực tập luyện, Thịnh đã tự đi lại được, tự làm vệ sinh cá nhân và làm một số việc nhẹ. Hơn thế, Thịnh đã vượt qua trở ngại tật nguyền để theo học chữ nhờ ý chí của bản thân. Giờ Thịnh có nghề. Ông Thành là người đã hỗ trợ tiền thuốc thang và tiền học cho Thịnh. Nhất là cách đây chục năm, ông Liên lâm trọng bệnh và qua đời, thì sự giúp đỡ của ông Thành khiến cả gia đình rất cảm kích, bởi quanh năm khó khăn bủa vây.
- Nếu không có ông, cháu Thịnh không có được như hôm nay - bà nhắc lại, như thể chẳng còn biết nói gì hơn.
Ông Thành nhìn sâu vào trong mắt bà, ý bảo, chẳng có gì đâu. Đó cũng là điều tôi đã hứa với anh Liên. Trong nháy mắt, hồi ức lại hiện về…
*
Xưa ông Thành và ông Liên cùng yêu bà Hải. Cả hai đều chân thành. Ông Thành con nhà khá giả, ông Liên con nhà nghèo. Bà Hải quý mến cả hai mà trong lòng chẳng biết nên chọn ai, bởi sợ sẽ làm một người tổn thương. Cả ba thân thiết, tạo được những dấu ấn hằn in kỷ niệm trong nhau, từng ngày được đan bện bền chặt. Ông Thành, ông Liên đều chưa dám thổ lộ tình yêu ấy. Họ âm thầm gìn giữ cảm xúc, như thể sợ nói ra, tất cả sẽ tan biến. Thế rồi cả hai ông lên đường nhập ngũ. Mỗi người một đơn vị, rồi như thêm một cơ duyên, mấy năm sau trở về chung đơn vị. Trong một trận đánh ở vùng A Lưới, cả hai bị thương. Ông Liên bị thương nặng hơn, bởi chính ông đã đẩy bạn mình vào gốc cây và lãnh nhận phần nhiều sức ép bom nổ vào mình. Lúc được ông Thành cõng ra khỏi trận địa để điều trị, mắt ông Liên gần như chẳng còn thấy ánh sáng.
Sau ngày thống nhất đất nước, trở về thành phố, ông Thành chủ động rút lui để ông Liên đến với bà Hải. Ông Liên cảm nhận thấy bạn đã nhường mình. Hỏi, ông Thành chỉ nói: “Tôi thấy không còn hợp với Hải nữa”. Trong thâm tâm, ông Thành muốn rút lui nhường để trả ơn bạn mình. Nếu người bạn, người đồng đội ấy không dùng bản thân để đẩy mình vào gốc cây, liệu còn sống mà trở về?
Cưới được bà Hải trong niềm vui sướng nhưng ông Liên lại gặp phải những bất hạnh đớn đau. Hai đứa con đầu ông bà dứt ruột sinh ra đã nhiễm chất độc da cam từ bố. Chỉ sống được trên cõi đời vài năm rồi mất. Sinh Thịnh ra, cậu cũng chẳng thoát nổi những khổ đau ấy. Nhưng ông trời thương, cho cậu làm người. Đời sống ông Liên, bà Hải quẩn quanh với cái nghèo, cái bệnh, với nợ nần chồng chất. Ông Thành sống hoang hoải nhưng dư dả. Phải đến 5 năm sau kể từ khi ông Liên, bà Hải cưới nhau thì ông mới miễn cưỡng lập gia đình. Mọi khó khăn của gia đình ông Liên, ông Thành đều xắn tay vào giúp đỡ.
- Tôi ơn ông nhiều lắm! Vì sao ông cứ giúp gia đình tôi mãi thế? - ông Liên hỏi.
- Tôi có thể ngồi yên khi thấy hai người bạn thân nhất của mình lâm cảnh khó khăn hay sao? Hơn nữa, sức ông yếu đi, gầy mòn đi và trở nên khó khăn hơn là vì từ trong chiến trường đã lãnh cú đó thay tôi. Nếu ông không cứu, tôi đã ra ma rồi.
- Thì ngày còn đi học, ông luôn thể hiện sự hào phóng - ông Liên bối rối - Lúc nào ông cũng giúp đỡ gia đình tôi.
Cả hai dành cho nhau những lời chân thành nhưng không khách sáo. Ông Thành hứa sau này gia đình bạn có bất cứ khó khăn nào, ông coi như chuyện của mình. Nhất là con cái, sẽ lo lắng cho ăn học thành người. Thế rồi ông Thành cùng gia đình đi định cư ở nước ngoài. Một thời gian sau theo đoàn tổ chức từ thiện quay trở lại chiến trường xưa, những nơi ông đi qua, nơi ông được bà con giúp đỡ. Ông đã giúp đỡ nhiều cảnh đời bất hạnh. Rồi không có điều kiện trở về nhưng ông kết nối thông qua các tổ chức từ thiện, gửi tiền từ thiện qua những người bạn thường xuyên về nước để làm việc nghĩa. Đặc biệt, ông không quên hỗ trợ kinh tế cho gia đình hai bạn Liên - Hải. Đến nỗi, bà Hải phải thốt lên trong điện thoại: “Chúng tôi không thể nhận thêm sự trợ giúp nào của ông nữa. Nợ ông nhiều quá!”.
Ông Thành phải giải thích đó là những việc nên làm. Và ông không chỉ giúp một vài người. Việc từ thiện đã trở thành căn tính của ông. Ông Liên mất đúng đợt ông Thành phải điều trị vết thương trên ngực khiến ông không kịp về nước tiễn đưa người bạn thân về nơi chín suối. Điều đó làm ông áy náy mãi.
*
- Giờ bà sống ổn chứ? - ông Thành hỏi.
- Tôi ổn. Thằng Thịnh nó đi làm, nó sẽ nuôi được tôi. Tôi cũng mong thế để thôi không nhận trợ giúp của ông nữa. Gia đình nợ ông quá nhiều rồi.
- Kìa bà! - ông Thành níu lại và nhận ra trong giọng nói của bà Hải có sự khách sáo - Bà hãy cứ để tôi được hỗ trợ cháu Thịnh. Bà biết không, chính bà và cháu là một phần cuộc sống của tôi. Tôi thật sự là có điều kiện, không phải lo về kinh tế. Lần này trở về, tôi sẽ không đi nữa. Tôi phải ở thành phố này để làm những việc mà tôi hằng mong.
- Ông có dự định gì lớn sao?
- À, tôi sẽ tham gia với một tổ chức từ thiện khác, giúp đỡ trẻ em lang thang và những con em thương binh - ông Thành nói đầy vẻ hào hứng - Họ vẫn cần những bàn tay đưa ra. Họ thật sự thiệt thòi. Tôi rất vui vì được làm những việc ấy.
Bất chợt, mắt bà Hải rơm rớm. Dường như từ nhiều năm qua, trong đôi khóe mắt ấy đã chắt ra những giọt ngậm ngùi. Và bà quyết định hỏi thật ông:
- Ngày đó sao ông lại rút lui, vì tôi biết ông dành tình cảm cho tôi?
Lặng người một lúc, ông Thành nói:
- Tôi thương bạn tôi. Anh ấy khổ hơn và thiệt thòi hơn tôi nhiều. Anh ấy cần có bà.
Như không thể kìm nén, bà Hải thốt lên:
- Thú thật, ngày đó tôi yêu ông... Lúc hai ông ở chiến trường về, tôi chẳng dám làm tổn thương người thương binh là ông ấy. Tôi đã nghĩ là sẽ sống và bù đắp cho ông ấy. Nhưng đôi lúc, trong tôi vẫn dâng lên nỗi tiếc nuối. Tôi và ông ấy cứ chìm đắm trong nỗi hy vọng, thất vọng và cả bất hạnh nữa. Người ta cũng sinh con ra, con người ta khỏe mạnh, còn chúng tôi…
- Bà yên tâm - ông Thành động viên - Ông trời chẳng lấy đi của ai hết mọi thứ. Rồi cháu Thịnh sẽ bù đắp cho bà.
Bà suýt bật cười. Đứa con tật nguyền của bà nói được những câu đầy triết lý. Chẳng hiểu nó học và ngấm ở đâu, mà cứ một điều sẽ làm mẹ tự hào. Và bà đã tự hào thật. Con bà đã sáng tạo ra một phần mềm được mua với giá khá hậu hĩnh. Nó vẫn đang tích cực khẳng định mình bằng việc làm chủ một cơ sở chuyên viết phần mềm máy tính.
Chiều thong thả. Người bạn hai mươi năm không gặp mặt, chỉ nói chuyện qua điện thoại, giờ cùng trò chuyện gần gũi khiến bà Hải xốn xang. Bà Hải gợi ý: "Chiều nay không bận, tôi và ông đi dạo một chút nhé?". Ông Thành đồng ý. Ông dắt chiếc xe đạp mình vừa dùng để đến thăm bạn ra ngõ. Ông ngồi lên xe. Vẫn một vóc dáng săn chắc và phong độ. Bà ý tứ ngồi lên. Chiếc xe chầm chậm đi trên đường Trần Hưng Đạo. Họ dừng lại ở góc hồ Bạch Đằng.
- Gió mát quá - ông nói - Ở nước ngoài, tôi thèm cảm giác này lắm đấy.
- Còn nhớ ngày nào, tôi, ông và cả ông Liên đứng chỗ này...
- Vâng, ngày đó đã xa, nếu vẫn còn ông Liên, hẳn là ba chúng ta còn khối chuyện…
Trong đôi mắt bà Hải, ông Thành phải trẻ hơn năm sáu tuổi so với tuổi thật. Bất giác, bà cảm thấy thật vui vì ông đã quyết định trở về ở hẳn quê hương. Còn ông, một triết lý dội về. Không điều gì làm cảnh trở nên đẹp thêm bằng sự điểm trang bởi người con gái ta yêu. Cả hai không còn trẻ nữa, ông nhủ, nhưng giữ được những điều tốt đẹp trong nhau là mừng lắm.
Gió lại thổi những nỗi niềm trong quá vãng trở về. Ôi sao đẹp lạ! Ông Thành đưa chiếc điện thoại ra chụp hình bà Hải. Hình như chẳng thấy sự già nua đâu cả, chỉ thấy một hình ảnh thanh tân, lẫn vào cảnh sắc hồ chiều và gió...
Truyện ngắn của DIÊN KHÁNH