Vui, buồn ở tổng đài 114
Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 15:23, 14/06/2020
Người trực tổng đài 114 tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi quấy rối mỗi ngày
Gây nhiễuCó mặt tại Đội công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh), chúng tôi thấy có hàng chục cuộc điện thoại gọi đến tổng đài 114 chỉ trong thời gian ngắn. Sau tiếng "Alo, tổng đài 114 xin nghe" là tiếng "tít... tít... tít" vang lên. Cứ như vậy, vài phút sau lại có một cuộc gọi khác. Đem thắc mắc này hỏi các chiến sĩ đang trực báo cháy thì được biết đây là "chuyện cơm bữa". Hằng ngày, họ phải tiếp nhận hàng trăm cuộc điện thoại trêu đùa kiểu như vậy.
Thượng úy Nguyễn Thị Phượng đang làm nhiệm vụ trực báo cháy cho biết có hàng trăm cuộc gọi đến tổng đài mỗi ngày nhưng có khi tất cả các cuộc gọi ấy đều không liên quan tới cháy nổ hoặc chỉ có 1-2 tin thực sự cần thiết. Vào buổi trưa, các học sinh thường gọi đến số tổng đài để trêu đùa, đêm khuya lại có người say xỉn gọi chửi bới, thậm chí có cả những cô gái thất tình gọi điện đòi tâm sự... Nhiều người hỏi giao nước, giao gas... cũng gọi nhầm đến tổng đài. Những lúc như vậy, cán bộ, chiến sĩ phải tìm cách từ chối, kết thúc cuộc gọi khéo léo. "Tổng đài 114 là đường dây nóng tiếp nhận thông tin cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm hoạt động thông suốt 24 giờ. Theo nguyên tắc, cán bộ trực tổng đài 114 không được phép chặn hoặc từ chối nghe bất cứ cuộc gọi nào. Nếu để sót một tin cháy thì hậu quả sẽ khôn lường, có thể ảnh hưởng đến tính mạng người dân", thượng úy Phượng nói.
Sau khi tiếp nhận thông tin báo cháy, người trực tổng đài cần hỏi cụ thể tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của người báo tin, xác định cháy ở đâu, quy mô đám cháy... Sau đó, xác minh tin báo cháy đó là thật hay giả. Nhiều người gọi đến trong trạng thái hoảng loạn, không nói rõ được địa điểm xảy ra đám cháy gây khó khăn cho việc xác minh thông tin của lực lượng cảnh sát. Trung tá Nguyễn Đăng Việt, Phó Đội trưởng Đội công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho biết mỗi ca trực tổng đài 114 gồm có 2 cán bộ và 1 chiến sĩ. Mỗi ca thường kéo dài trong 2 giờ. Người nhận thông tin báo cháy phải linh hoạt, nhạy bén trong tiếp nhận, xử lý thông tin. Đơn vị yêu cầu từ lúc nhận thông tin đến lúc xuất phương tiện chữa cháy chỉ trong 1 phút 30 giây.
Thượng tá Hà Tiến Dũng, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho biết: "Việc nắm bắt thông tin báo cháy và điều động lực lượng, phương tiện bảo đảm kịp thời, chính xác là một trong những yếu tố trực tiếp quyết định hiệu quả công tác chữa cháy".
Vất vả xác định tin báo cháy thật, giả
Trong quá trình tiếp nhận thông tin, việc xác định tin báo cháy là thật hay giả rất quan trọng. Theo trung tá Nguyễn Đăng Việt, thông tin báo cháy giả đều không có động cơ, mục đích chính trị mà hầu hết chỉ để trêu đùa. Tuy nhiên, trò đùa nguy hiểm này có thể gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Vì trong thời gian tiếp nhận thông tin vụ báo cháy giả có thể làm gián đoạn thời gian nhận cuộc gọi báo cháy thật. Những cuộc báo cháy giả vào giữa đêm khuya hay rạng sáng khiến các chiến sĩ làm nhiệm vụ rất vất vả. Chính quyền địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp liên quan cũng bị làm phiền bởi những cuộc gọi để xác minh thông tin.
Trung tá Việt cho biết thêm nếu cán bộ trực nghi ngờ là báo cháy giả sẽ dùng một số biện pháp nghiệp vụ để xác minh nhanh thông tin tại chỗ. Thông thường các vụ cháy thật sẽ có nhiều cuộc gọi báo cháy cùng một thời điểm. Người báo tin cháy thật thường nói chuyện với giọng hốt hoảng. Ngược lại, người báo tin cháy giả lại nói với giọng cười cợt, thông tin không cụ thể, rõ ràng về địa điểm xảy ra cháy... hoặc hỏi thông tin liên quan đến cháy thì ngắt máy. Khi đó, cán bộ, chiến sĩ trực vẫn phải liên lạc với công an địa phương để xác minh. Vì theo tâm lý chung, khi xảy ra cháy, người dân thường gọi báo cho công an địa phương.
Cách đây gần 1 tháng, có trường hợp gọi đến tổng đài 114 báo tin cháy giả. Người này nói rõ được địa điểm, quy mô đám cháy... Do gặp trục trặc, máy điện thoại của tổng đài không hiện số điện thoại của người gọi đến. Vì thế, người trực máy khó xác minh được tin báo cháy thật, giả. "Đơn vị đã điều lực lượng, phương tiện tới địa điểm báo cháy nhưng không hề có vụ cháy nào xảy ra", trung tá Việt chia sẻ.
Việc tìm và xử lý những người báo cháy giả hiện rất khó khăn bởi hầu hết số thuê bao báo cháy giả đều là các cuộc gọi bằng sim rác. Ngay sau khi báo cháy, các đối tượng thường cắt ngay liên lạc nên khó truy tìm, xác minh. Từ năm 2008 đến nay đã có 2 trường hợp bị xử phạt hành chính về hành vi báo cháy giả. Báo cháy giả là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này đã trực tiếp gây nhiễu loạn thông tin. Theo điểm a khoản 3 điều 40 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi báo cháy giả sẽ bị phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng.
NGHĨA AN