"Sen đá" cùng chuỗi dự án 0 đồng
Việc tử tế - Ngày đăng : 16:08, 14/06/2020
Dự án "Đổi giấy lấy cây" góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường
Ở tuổi 26, trong khi bạn bè cùng trang lứa mải mê thực hiện hoài bão cho riêng mình thì Hoàng Quý Bình quê ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) lại lăn lộn chốn Hà thành sống và cống hiến cho cộng đồng.
"Cổ tích" ở làng trẻ SOS
Tôi đến gặp Hoàng Quý Bình tại điểm thư viện miễn phí nằm sâu trong ngõ nhỏ ở phố Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Anh tạo thiện cảm với người đối diện bởi đôi mắt sáng, chiếc răng khểnh cùng nụ cười tươi. Mọi người ở đây gọi anh với biệt danh "Ông anh 7X", "Sen". Khi được hỏi tại sao có biệt danh như vậy, anh bảo do mình tự đặt. Anh nhận thấy những suy nghĩ, hành động của bản thân có phần già dặn hơn so với bạn bè cùng trang lứa, giống như thế hệ 7X. "Sen" trong "sen đá" là loài cây dù sống ở môi trường nào vẫn mang sức sống mãnh liệt.
Anh Bình vừa trò chuyện với tôi vừa sắp xếp lại những cuốn sách trên kệ dùng để dạy học cho các em nhỏ ở làng trẻ SOS. Nơi ấy, anh và những người bạn đã làm nên điều "cổ tích". Anh Bình ấn tượng với làng trẻ em SOS qua trang sách giáo dục công dân năm lớp 6 và mong ước lớn lên sẽ được đến thăm ngôi làng đặc biệt này.
Cậu bé mồ côi cha từ năm 4 tuổi, chứng kiến sự lam lũ, vất vả của mẹ nên càng thấu hiểu và muốn giúp đỡ các em nhỏ ở đây. Khi là sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, anh Bình đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về làng trẻ SOS. Sau đó không lâu, ngôi làng trở thành chốn đi về quen thuộc của anh. Tan học ở trường, anh bắt xe buýt đến làng dạy học miễn phí cho các em nhỏ. Trong suốt 1 năm, chàng trai này cứ một mình đi về như vậy.
Bằng tình cảm ấm áp và sự kiên trì, anh Bình đã tạo hứng thú cho các em qua mỗi bài giảng. Đó là những bài tập vỡ lòng cho học sinh lớp 1 hay nhiều phương trình phức tạp dành cho học sinh phổ thông. Bà Ngô Xinh, "mẹ" của các em nhỏ ở ngôi nhà Hoa Phượng thuộc làng trẻ SOS chia sẻ: "Bất kể ngày mưa hay nắng, Bình vẫn duy trì những tiết học miễn phí đều đặn. Không chỉ đảm nhận vai trò của người thầy, Bình còn san sẻ với các em những câu chuyện vui buồn thường ngày. Tôi và các em nhỏ ở đây coi Bình như người thân trong gia đình".
Những lá thư tay, bức tranh do các em nhỏ tặng đã tiếp thêm động lực cho anh tiếp tục thực hiện những việc làm ý nghĩa này. Anh thấy nhiều em trong làng có nhu cầu học thêm nhưng một mình anh không thể giúp được tất cả. Ý tưởng thành lập Câu lạc bộ "Vì ngày mai tươi sáng - ACE" với thông điệp "Cần nhiều người chung tay, mỗi người một chút thôi, ít nhưng đều đặn" ra đời từ đó. Để thực hiện ý tưởng, anh lên mạng xã hội Facebook kêu gọi các bạn sinh viên đồng hành cùng mình. Câu lạc bộ ACE ban đầu chỉ có 10 thành viên tham gia rồi tăng lên 250 thành viên chỉ sau một tháng vận động. Sau 5 năm, Câu lạc bộ ACE duy trì 16 lớp học cho 150 em nhỏ trong làng SOS, đều đặn 2 buổi mỗi tuần. Với học sinh cuối cấp, ACE bố trí lớp học riêng để kèm cặp thêm cho các em. Các thành viên mới tham gia, anh đều đưa đến từng ngôi nhà trong làng giới thiệu, làm quen với các em nhỏ. "Điều hạnh phúc của mỗi thành viên là nhìn thấy các em trong làng trẻ trưởng thành từng ngày. Em vào cấp3, em thi đỗ đại học", anh Bình nói.
Không chỉ dạy cho các em nhỏ làng SOS, Hoàng Quý Bình cùng các thành viên ACE còn mở rộng lớp học miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Nội qua dự án "Gia sư 0 đồng".
"Nhiều người không tin chúng tôi tốt như thế. Ngược lại, cũng có không ít người đồng cảm với những việc chúng tôi đang làm", anh Bình chia sẻ. 4 năm làm thủ lĩnh dự án này, kỷ niệm về cô học trò tên Nhi làm anh khó quên nhất. Vì gia đình khó khăn, bố Nhi bắt em phải bỏ học giữa chừng. Biết hoàn cảnh của Nhi, anh Bình cùng các thành viên trong Câu lạc bộ ACE tổ chức dạy "chui" cho Nhi. Bất kể đâu cũng trở thành địa điểm học của Nhi, từ thư viện đến quán trà đá vỉa hè. Hiện Nhi đã trở thành cô sinh viên năm thứ ba của Học viện Công nghệ bưu chính - viễn thông.
Nhờ sự nỗ lực, dự án "Gia sư 0đồng" do anh Bình sáng lập đã có mặt ở 10 phường của Hà Nội. Trong 5 năm qua, Câu lạc bộ ACE thực hiện được hơn 30.000 buổi gia sư miễn phí.
Hoàng Quý Bình với học sinh ở làng trẻ SOS
Thư viện niềm tin
"Với tôi, sách nằm im là sách chết, cho nên tôi muốn chia sẻ sách cho mọi người để mang đến giá trị sống của sách", đây là lời chia sẻ của Hoàng Quý Bình, người sáng lập thư viện D Free Book. "Thư viện đặt cọc bằng niềm tin" chính là điều mà D Free Book gây dựng từ ngày mới thành lập cho tới hiện tại. Thư viện xuất phát từ chính tủ sách cá nhân của anh Bình với hơn 300 đầu sách đặt tại một căn phòng đi thuê chừng 60 m2 ở quận Hai Bà Trưng. Dù chỉ một thư viện sách nhỏ giữa lòng Hà Nội nhưng D Free Book là tâm huyết muốn giữ gìn văn hóa đọc của anh.
Hỗ trợ anh Bình còn có rất nhiều tình nguyện viên, là những người có chung đam mê và tâm huyết với thư viện. Họ cũng là những thành viên tích cực trong việc quyên góp và kêu gọi ủng hộ sách. Anh còn đi làm thêm, bán cây xanh để trả tiền thuê nhà, điện nước. Ban đầu, bạn bè nói anh Bình lo chuyện bao đồng, nhưng chàng trai này vẫn tin "có người cho đi, có người sẽ được nhận lại". Thư viện hoạt động với tiêu chí 3 không "không mất phí, không đặt cọc và không giới hạn thời gian". Mọi người ở đây làm việc trên tinh thần tự giác và niềm tin. Thư viện mở cửa đón bạn đọc từ 8 đến 21 giờ hằng ngày. Ngoài đọc sách tại chỗ, bạn đọc chỉ cần để lại số điện thoại đã có thể mượn sách về.
"Chủ yếu các bạn học sinh, sinh viên tới thư viện. Có nhiều gia đình cũng hay đưa con tới và chia sẻ muốn con mình sớm nhận thức về những việc tốt, có ích cho cộng đồng”, anh Bình cho biết.
Nguyễn Hoàng Anh đang là sinh viên năm thứ ba của Trường Đại học Kinh tế quốc dân thường tới đây đọc sách chia sẻ: "Thư viện đã giúp nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như em tiết kiệm được một khoản chi phí mua sách. Nhiều người còn tới đây tận hưởng không gian xanh mát của cây cối, sự an yên trong tâm hồn".
Sau 3 năm hoạt động, Thư viện D Free Book hiện có hơn 5.000 đầu sách, thu hút 50.000 lượt bạn đọc tới mượn sách. Dự án còn có 100 cộng tác viên tự đóng góp và kêu gọi ủng hộ sách. Cứ 3 tháng, đội tình nguyện tổ chức tặng sách cho các em nhỏ vùng cao và trong trại giam. Đây là cách làm mới sách cũng như lan tỏa ý nghĩa thư viện đến với cộng đồng. Tại thư viện D Free Book, anh Bình thành lập dự án "Lớp học dịu dàng" dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
"Sống xanh"
Song hành với hoạt động của thư viện, dự án "Green Life" (sống xanh) do anh Bình sáng lập được ra đời. Cứ từ 1-2 tuần, các thành viên trong dự án lại tổ chức sự kiện "Đổi rác lấy quà" hay "Đổi giấy lấy cây" tại các địa điểm như trung tâm thương mại, trường học, khu chung cư ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đổi giấy, pin... đã qua sử dụng nhận lại một vật phẩm hữu ích hoặc một chậu cây nhỏ xinh. Mỗi tháng dự án thu về 5tấn rác thải tái chế, khoảng 1-2tấn sách cũ.
Sau khi tiếp nhận, nhóm phân loại, giấy, báo chuyển về công ty sản xuất giấy ở Bắc Ninh. Pin cũ thu được sẽ mang tới địa điểm tái chế Việt Nam Recycle. Những cuốn truyện, vở còn dùng được sẽ gửi tặng cho các em nhỏ vùng cao. "Từ hoạt động này, chúng tôi có thể xây dựng được nhiều tủ sách tại các trường học ở vùng cao. Đến nay, nhóm đã xây dựng hơn 150 tủ sách ở các trường học".
Dự án xã hội phi lợi nhuận này còn chia sẻ hàng nghìn bài viết về môi trường và các giải pháp sống xanh trên mạng xã hội Facebook. Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn, dự án đã góp phần tích cực nhân lên những hành động bảo vệ môi trường.
Với những dự án vì cộng đồng của mình, năm 2019, Hoàng Quý Bình nhận giải thưởng "Người tốt, việc tốt" của TP Hà Nội. Tháng 9 tới đây, dự án Green Life được đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi "Khởi nghiệp sáng tạo" cho các dự án xã hội tổ chức tại Singapore.
Anh Bình tự nhận mình là người may mắn vì luôn có người đồng hành qua mỗi dự án. Đâu đó trong xã hội vẫn hoài nghi về sự miễn phí, những người trẻ như anh Bình lại đi tìm những giá trị 0 đồng, nhân lên sự tử tế và lan tỏa thông điệp sống tích cực trong cộng đồng.
THẢO NGUYỄN