"Cán bộ nào lên kế hoạch tham nhũng, dừng lại ngay"
Tin tức - Ngày đăng : 15:11, 15/06/2020
Phát biểu thảo luận kinh tế - xã hội sáng 15.6, đại biểu Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng yêu cầu quan trọng nhất hiện nay là phục hồi kinh tế sau khi đã bước đầu phòng chống dịch bệnh thành công.
Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, gắn phòng chống tham nhũng
"Tôi vẫn kiên trì đề nghị Quốc hội bổ sung vào Kỳ họp 9 một nghị quyết riêng hoặc một nội dung vào nghị quyết kỳ họp về việc phục hồi nền kinh tế, để đồng hành cùng Chính phủ và nhân dân", đại biểu nói.
Ông Nhưỡng đề nghị Chính phủ tìm mọi biện pháp hỗ trợ tối đa, nới lỏng dây buộc cho các doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp rơi vào tình trạng khốn khổ. Đồng thời kiến nghị Chính phủ, bộ ngành, tất cả các địa phương xem xét tiết kiệm, gắn với phòng chống tham nhũng.
"Đề nghị cán bộ công chức nào có tính xấu, lên kế hoạch tham nhũng thì dừng lại ngay. Bây giờ trong cả thời COVID-19 mà cũng còn tham nhũng thì dân không thể nào chấp nhận được", ông Nhưỡng nói.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho rằng cần ưu tiên cao cho việc khôi phục kinh tế sau dịch COVID-19, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp.
Thực tế, thời gian qua nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, nhiều địa phương đã "trải thảm đỏ" cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đa quốc gia về đầu tư ở địa phương mình. Tuy nhiên, với những sự ưu ái đó thì đối với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các thủ tục đầu tư vẫn còn phức tạp và kéo dài.
Các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai còn nhiều nội dung chưa thống nhất, gây nên sự lúng túng, dè chừng, đùn đẩy trách nhiệm khi giải quyết các thủ tục cho các dự án đầu tư...
"Dọn tổ đón đại bàng, cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ"
Đại biểu Tùng chỉ ra thực tế là nhiều doanh nghiệp phải mất 3-4 năm cho việc chạy lòng vòng và bước dần qua các thủ tục này, thực sự cảm thấy hụt hơi, nản chí. "Thiết nghĩ chúng ta đang dọn tổ đón đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ để thực sự có được sự công bằng và tạo niềm tin, phát huy nội lực của doanh nghiệp trong nước, góp phần nhanh chóng hồi phục kinh tế", đại biểu Bùi Thanh Tùng nói.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo -5,2% nên việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế là cần thiết, song vẫn phải bảo đảm ổn định vĩ mô, giữ giá trị đồng tiền Việt Nam.
Đặc biệt, khi Việt Nam được coi là điểm đến an toàn, có lợi thế đón sóng đầu tư, đại biểu cho rằng nên có những hình thức xúc tiến đầu tư phù hợp với các tập đoàn toàn cầu, có tiềm lực về tài chính và công nghệ đang quan tâm đến thị trường Việt nam.
Đó là các ưu đãi mới có tính cạnh tranh với các quốc gia khác. Cần mạnh dạn xem xét linh hoạt, phát huy tối đa sự phân cấp và ủy quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ở mức cao hơn.
Rà soát hệ thống pháp luật sửa đổi theo thủ tục rút gọn, một luật sửa nhiều luật đáp ứng tốt hơn cải cách môi trường kinh doanh. Dành nguồn lực cho hạ tầng chiến lược, kết nối liên vùng như đường cao tốc, sân bay, bến cảng; hạ tầng viễn thông…
Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, chú trọng phòng chống bằng những cải cách về thể chế, bằng sự công khai, minh bạch của pháp luật và các hoạt động kinh tế. Những bất cập của cơ chế chính sách, của pháp luật được phát hiện qua quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra cần phải được sửa đổi kịp thời.
Theo Tuổi trẻ