Hủy "sổ đỏ" của gia đình ông Chính: Liệu đã thấu tình, đạt lý?

Bạn đọc - Ngày đăng : 13:30, 16/06/2020

Ông Nguyễn Trung Chính cho rằng việc các cơ quan chuyên môn chỉ căn cứ trên hồ sơ, giấy tờ, bỏ qua những dấu tích trên thực địa và nhân chứng ở địa phương là chưa hợp tình, hợp lý.


Ông Chính khẳng định cây vải được trồng trên đất thổ cư của gia đình trước năm 1990

Báo Hải Dương nhận được đơn của ông Nguyễn Trung Chính ở xóm Đồng Neo, thôn Cập Thượng, xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) khiếu nại về Thông báo số 27/TB-UBND ngày 21.4.2015 của UBND huyện Thanh Hà. 

Nội dung thông báo của UBND huyện Thanh Hà nêu rõ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) số V560417, số vào sổ 548 QSDĐ/TT-TH do UBND huyện Thanh Hà cấp ngày 2.5.2002 cho ông Nguyễn Trung Chính và bà Nguyễn Thị Bốn, ở thôn Cập Thượng, xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà (xã Tiền Tiến hiện đã chuyển về TP Hải Dương) tại các thửa 127 và 125, tờ bản đồ số 10, diện tích 732 m2 là không đúng quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm cấp. Nguyên nhân vì diện tích đất sử dụng của gia đình dôi dư so với đăng ký sử dụng trong hồ sơ đo đạc 299 do lấn chiếm nhưng chưa được xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo phản ánh của ông Chính, đất của gia đình ông đang ở là đất ông cha để lại, chỉ có một phần nhỏ ông cốn cạp sông. Cụ thể, năm 1978, sau khi đi bộ đội về, ông Chính đào một mảnh ao cạnh thửa đất của gia đình để thả bèo nuôi lợn. Năm 1990, đoàn công tác của huyện Nam Thanh (sau này tách thành 2 huyện Nam Sách và Thanh Hà) về xã Tiền Tiến thực hiện Chỉ thị số 24 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương) xác định ông Chính có khoanh một đoạn ngòi rộng 132 m2 để làm ao nhưng không làm ảnh hưởng đến dòng chảy. Đoàn công tác yêu cầu ông Chính phải nộp sản lượng tính theo diện tích đất loại 3 là 4,2 kg thóc/100 m2 nhập vào quỹ của ủy ban từ năm 1991.

Đến năm 1997, ông Chính đăng ký sử dụng 732 m2 đất gồm các thửa: 127 diện tích 478 m2 đất thổ cư, thửa 125 diện tích 254 m2 đất ao. Theo giải thích của ông Chính, sở dĩ diện tích ao tăng từ 132 m2 lên 254m2 là do gia đình ông đào vườn lập luống để trồng vải. "Đất của gia đình tôi ngoài phần ao 132 m2 cốn cạp ra sông từ năm 1978, diện tích còn lại đều là đất ông cha có từ lâu đời. Mốc đất cũ và đất mới rất rõ ràng", ông Chính khẳng định. 

Ngày 5.9.2016, UBND huyện Thanh Hà có Quyết định số 9988/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại (lần đầu) của ông Chính. Quyết định của UBND huyện Thanh Hà nêu rõ: Nguồn gốc thửa đất đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Nguyễn Trung Chính và bà Nguyễn Thị Bốn có một phần là đất ông cha, một phần đất lấn chiếm. Trong quá trình sử dụng đất, hộ ông Chính có lấn chiếm đất sông. Năm 2002, ông Chính và bà Bốn được cấp giấy chứng nhận QSDĐ diện tích 732 m2, tăng 383 m2 so với diện tích trong sổ đăng ký ruộng đất. Tuy nhiên, Hội đồng xét duyệt cấp giấy chứng nhận QSDĐ xã Tiền Tiến không xem xét, xử lý đối với phần diện tích tăng thêm. Như vậy, ông Chính và bà Bốn không đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo Quyết định 2946/1999/QĐ-UB ngày 14.12.1999 của UBND tỉnh Hải Dương. Giấy chứng nhận QSDĐ số V560417 đã cấp cho ông Chính và bà Bốn chưa đúng quy định và thuộc trường hợp phải thu hồi. 

Ông Chính không đồng ý với quyết định này. Ông cho rằng bản đồ đo vẽ năm 1984 không chính xác, không đúng thực tế đất gia đình đang sử dụng. "Ban Quản lý đất đai của xã thời điểm đó đã tự ý tách đất của gia đình, tự viết đơn đăng ký sử dụng đất giả chữ ký của tôi để tách đất. Vì vậy, diện tích thể hiện trên sổ mục kê 299 chỉ có 349 m2, nhỏ hơn rất nhiều so với diện tích gia đình đang sử dụng", ông Chính nêu quan điểm.

Cũng theo ông Chính, trên phần đất cũ của gia đình vẫn còn dấu tích cây dừa ông trồng sát mép bờ sông từ năm 1972. Còn cây mít, cây vải trồng trước năm 1990 hiện vẫn còn xanh tốt. Đặc biệt, ngôi nhà, bể nước gia đình xây từ năm 1984 sau nhiều lần cải tạo vẫn ở nguyên vị trí cũ. "Nếu bảo tôi lấn sông sau năm 1990 chẳng lẽ gia đình tôi lại xây nhà, xây bể nước ở dưới sông?", ông Chính nói. Việc ông Chính xây nhà từ năm 1984 cũng đã được ông Nguyễn Văn Tiếp ở đội 7, xóm Đồng Neo, thôn Cập Thượng xác nhận vì thời điểm đó, chính ông Tiếp đứng đầu nhóm thợ xây nhà cho ông Chính. 

Vì không đồng ý với quyết định của UBND huyện Thanh Hà, ông Chính tiếp tục làm đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh Hải Dương. Quyết định số 3710/QĐ-UBND ngày 24.10.2019 của UBND tỉnh về giải quyết đơn khiếu nại (lần 2) của ông Chính nêu rõ: "Có thể xác định tuổi của cây vải, gốc dừa nhưng không có căn cứ để xác định tuổi của cây tại thời điểm bắt đầu trồng ở vị trí hiện nay nên không xác định được những cây này trồng ở vị trí hiện nay đã bao nhiêu năm. Tức là không xác định được thời điểm trồng cây - thời điểm sử dụng đất như ông Chính suy luận".

Ngoài ra, Công văn số 450/SXD-QLXD ngày 19.4.2019 của Sở Xây dựng gửi Sở Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định hiện nay chưa có quy định nào của ngành xây dựng quy định cách xác định thời điểm xây dựng công trình. Vì vậy, không có căn cứ xác định thời điểm xây dựng nhà ở và bể nước của ông Chính.

Ông Nguyễn Trung Chính khẳng định việc các cơ quan chuyên môn của huyện Thanh Hà và của tỉnh trả lời ông mới chỉ căn cứ trên hồ sơ, giấy tờ, bỏ qua những dấu tích trên thực địa và nhân chứng ở địa phương là chưa hợp tình, hợp lý.

Nếu không đồng ý với các quyết định giải quyết khiếu nại của các cấp có thẩm quyền, ông Chính có thể khởi kiện ra tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Ông Chính cũng có thể mời 1 đơn vị kiểm định độc lập để xác định tuổi của công trình xây dựng cũng như những cây trồng trong vườn làm căn cứ khởi kiện. 

LÃ VỌNG