20 lính Ấn Độ chết trong vụ ẩu đả với Trung Quốc

Tin tức - Ngày đăng : 08:40, 17/06/2020

Lục quân Ấn Độ cho biết 20 binh sĩ thiệt mạng trong vụ ẩu đả với lính Trung Quốc tại khu vực biên giới tranh chấp ở Galwan hôm 15.6.

"17 binh sĩ Ấn Độ bị thương rất nặng khi làm nhiệm vụ tại khu vực tranh chấp và phải chịu nhiệt độ dưới 0°C trong thời gian dài khiến họ không qua khỏi, nâng tổng số người chết khi làm nhiệm vụ là 20", lục quân Ấn Độ cho biết trong thông cáo đêm 16.6, đề cập đến vụ đụng độ dữ dội giữa binh sĩ nước này và quân đội Trung Quốc ở khu vực tranh chấp tại biên giới.

Vụ ẩu đả diễn ra vào tối 15.6 tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh, nơi cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. Đây là lần đụng độ gây chết người đầu tiên kể từ vụ lính Trung Quốc phục kích binh sĩ Ấn Độ năm 1975 ở Đường Kiểm soát thực tế (LAC), vốn được coi là biên giới Trung - Ấn. Đường biên giới dài 3.488 km này được thiết lập sau Chiến tranh Trung - Ấn 1962.

Một nguồn tin Chính phủ Ấn Độ cho hay binh sĩ hai bên đang thảo luận về biện pháp giảm căng thẳng ở khu vực tranh chấp thì quân đội Trung Quốc bất ngờ đụng độ với một nhóm lính Ấn Độ. Phía Trung Quốc điều thêm quân tiếp viện và cuộc ẩu đả kéo dài trong vài giờ.

"Họ tấn công bằng gậy sắt, sĩ quan chỉ huy phía chúng tôi bị thương nặng và ngã xuống. Đúng lúc đó, quân tiếp viện Trung Quốc tràn tới khu vực và tấn công chúng tôi bằng đá", nguồn tin này nói.

Ấn Độ cho biết trong số các binh sĩ nước này thiệt mạng có một thiếu tá, đồng thời khẳng định phía Trung Quốc cũng chịu thương vong. Tuy nhiên, Trung Quốc không công bố số người chết và bị thương trong vụ ẩu đả, cáo buộc lính Ấn Độ vượt biên rồi tấn công binh sĩ nước này.

Hai bên xác nhận không có súng nổ trong vụ đụng độ, thương vong chủ yếu là do binh sĩ hai nước tấn công nhau bằng nắm đấm, gạch đá, gậy sắt.

Binh sĩ Ấn Độ gác tại đèo  Bumla dọc theo biên giới với Trung Quốc, tháng 10/2012. Ảnh: AFP.

Binh sĩ Ấn Độ gác tại đèo Bumla dọc theo biên giới với Trung Quốc, tháng 10.2012. Ảnh: AFP

Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Tây của quân đội Trung Quốc Trương Thủy Lợi nói Ấn Độ "không giữ lời hứa và vượt qua LAC bất hợp pháp". "Họ cố tình kích động các cuộc tấn công dẫn đến ẩu đả dữ dội giữa hai bên và gây ra thương vong", Trương Thủy Lợi cho biết.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ấn Độ lại cáo buộc lính Trung Quốc gây ra vụ ẩu đả tại biên giới. "Ẩu đả dữ dội xảy ra do Trung Quốc tìm cách đơn phương thay đổi hiện trạng tại biên giới tranh chấp. Thương vong có thể tránh được nếu thỏa thuận cấp cao hơn được Trung Quốc tuân thủ đầy đủ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết trong thông cáo.

Ấn Độ tuyên bố Trung Quốc xâm phạm LAC tại khu vực thung lũng sông Galwan. Đề cập đến kế hoạch rút bớt lực lượng tại biên giới, Srivastava cho biết Ấn Độ "kỳ vọng điều này diễn ra suôn sẻ, phía Trung Quốc không tuân thủ đồng thuận về tôn trọng Đường Kiểm soát thực tế tại thung lũng Galwan".

Khu vục biên giới tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Đồ họa: NYT.

Khu vục biên giới tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Đồ họa: NYT

Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã đối đầu nhau trong nhiều tuần tại hồ Pangong Tso, thung lũng Galwan, làng Demchok và căn cứ Daulat Beg Oldi ở phía đông Ladakh. Các vụ ẩu đả trước đây khiến nhiều binh sĩ hai bên bị thương, nhưng không xảy ra chết người.

Sau vài tuần căng thẳng, Trung Quốc và Ấn Độ tổ chức hội đàm cấp chỉ huy tiểu đoàn và lữ đoàn tại khu vực thung lũng Galwan và Kyam, nhất trí giải quyết hòa bình tranh chấp biên giới. Ấn Độ và Trung Quốc cũng rút một phần lực lượng tại thung lũng Galwan, Kyam và PP-15 ở phía đông Ladakh trước khi tổ chức hội đàm.

Một số cựu sĩ quan Ấn Độ và chuyên gia cho rằng căng thẳng biên giới với Trung Quốc khởi phát do quốc gia Nam Á này xây dựng các tuyến đường và sân bay trong khu vực Ladakh. Trung Quốc nhiều lần phản đối dự án xây đường và sân bay của Ấn Độ.

Theo VnExpress