Tham vọng quyền lực - một biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:56, 17/06/2020
Quyền lực là do con người tạo ra và thực thi. Trong thực tế có lúc, có nơi quyền lực đã bị biến dạng, chỉ còn phục vụ lợi ích một nhóm người, thậm chí một người. Về bản chất, quyền lực không phải của cá nhân, mà của nhân dân hoặc tập thể ủy quyền cho cá nhân sử dụng vào mục đích chung. Nếu quyền lực trao đúng cho người có tài năng, đức độ, có khát vọng thì sẽ phát huy hiệu quả, mang lại những điều tốt đẹp cho đất nước. Ngược lại, nếu quyền lực bị thao túng, trao nhầm cho những người “háo danh”, “lạm quyền” thì sẽ bị tha hóa để phục vụ lợi ích của một người hay nhóm người mà bỏ qua lợi ích quốc gia, dân tộc.
Đối với đất nước ta, kể từ ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hầu hết đội ngũ cán bộ, đảng viên đều gương mẫu, nghiêm chỉnh thực thi quyền lực được giao vì lợi ích chung của đất nước. Song cũng không ít cán bộ, đảng viên, nhất là từ khi đất nước phát triển kinh tế thị trường đã không thắng được “đạn bọc đường”, dẫn đến thoái hóa, biến chất, quan liêu, tham nhũng, chạy chọt, hối lộ, lợi ích nhóm và làm trái quy định, vi phạm pháp luật, Điều lệ Đảng, rồi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Tham vọng quyền lực rõ ràng là một “căn bệnh” không thể chấp nhận cho tồn tại trong mỗi tổ chức và từng cán bộ, đảng viên. Nắm và dự báo được những hệ lụy đó, trong quá trình lãnh đạo đất nước, công tác xây dựng đảng thường xuyên được Đảng ta quan tâm. Đảng luôn tự chỉnh đốn và đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn những biểu hiện “lạm quyền” hay thao túng, “tha hóa” quyền lực. Ngày 16.1.2012, tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Ngày 27.2.2012, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Tổng Bí thư) đã nhấn mạnh tới sự tha hóa đối với một Đảng cầm quyền: “Trong điều kiện đảng cầm quyền, nhiều đảng viên có chức, có quyền, có điều kiện nắm giữ tài sản, tiền bạc, cán bộ… đất nước lại phát triển kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập. Nhiều người lo lắng về Đảng, về bản chất của Đảng, lo lắng mặt trái của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế tác động vào Đảng… Mai kia, Đảng này là Đảng của ai? Có giữ được bản chất là đảng cách mạng, của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc không? Thực tế đã có bộ phận suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”…
Đến ngày 30.10.2016, tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), Đảng ta tiếp tục ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đảng đã nhận diện cụ thể 27 biểu hiện suy thoái và một trong những biểu hiện đó là: “Tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức, kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn...”.
Nghị quyết ra đời đã nhận được sự kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Nó như “phương thuốc” để trị căn bệnh “tham vọng quyền lực” và đến nay vẫn còn nguyên giá trị, nhất là vào thời điểm Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Để ngăn chặn tham vọng chức quyền một cách hiệu quả, trước hết phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7.6.2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 08/QĐi/TW ngày 25.10.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23.9.2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Nghiên cứu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về phân cấp, phân quyền theo hướng đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đồng bộ, tinh giản, thực quyền; kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, đặc biệt là trong kê khai tài sản; xây dựng đạo đức công vụ, mở rộng thi tuyển chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị để lựa chọn người tài. Xây dựng bộ tiêu chí về đạo đức của cán bộ tham mưu về công tác tổ chức cán bộ. Phát huy vai trò của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan dân cử, báo chí trong giám sát, phản biện xã hội; thể chế hóa quyền, trách nhiệm, chế tài trong Luật Cán bộ, công chức.
NGUYỄN THANH SANG(TP Hải Dương)