Sửa đổi Luật Đầu tư, chính thức cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Tin tức - Ngày đăng : 15:58, 17/06/2020
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết tại Nhà Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn
Chiều 17.6, các đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua toàn bộ Luật Đầu tư (sửa đổi) với 92,34% tán thành và không tán thành là 1,66%.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hồng Thanh trong báo cáo giải trình tiếp thu cho biết đa số các ý kiến đề nghị cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ", nhưng một số ý kiến đề nghị không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà thực hiện theo luật hiện hành, đổi tên thành "kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ".
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội và tiếp thu theo đa số ý kiến, có 317/409 đồng ý với phương án cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Biểu quyết về vấn đề này, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Về ưu đãi đầu tư, luật được thông qua quy định đối tượng, ngành nghề ưu đãi đầu tư tập trung vào doanh nghiệp công nghệ cao, dự án khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số...
Đối với quy định ưu đãi là các dự án có quy mô vốn 3.000 tỷ đồng trở lên nhưng yêu cầu nhà đầu tư phải giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm. Với dự án ưu đãi đặc biệt, là dự án giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư
Về thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần góp vốn, nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định đủ mạnh, chặt chẽ để ngăn ngặn những hình thức đầu tư thông qua hoạt động này, đặc biệt là những địa điểm trọng yếu về an ninh, quốc phòng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc bảo đảm an ninh quốc phòng cần hài hòa với nhu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội khu vực đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường thị trấn ven biển hoặc khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Do đó, việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định gắn với điều kiện đất đai, bảo đảm quốc phòng, an ninh…
Đối với thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng, Chính phủ, đặc biệt với dự án có quy mô vốn từ 10.000 tỷ đồng trở lên, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý không bổ sung quy định này vào luật sửa đổi, vì cho rằng đây là vốn đầu tư của tư nhân, nhà đầu tư tự quyết định, tự chịu trách nhiệm và thực hiện theo quy định của pháp luật.
Không phạt vi phạm xây dựng bằng cách cắt điện, nước
Cũng trong chiều 17.6, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Đối với quy định còn nhiều ý kiến trái chiều về chế tài không cung cấp điện, nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng đưa ra trong dự thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng theo pháp luật hiện hành, các chế tài xử lý vi phạm về quy hoạch xây dựng đã được quy định trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, dân sự, hình sự.
Hơn nữa, biện pháp không cung cấp điện, nước đã được quy định trong dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính đang trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này. Do đó, quy định về chế tài xử lý vi phạm hành chính không được đưa vào luật sửa đổi này.
Theo Tuổi trẻ