Cẩm Giàng: Úng ngập cục bộ do đâu?

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:11, 18/06/2020

Nhiều tuyến kênh do cấp xã quản lý ở huyện Cẩm Giàng thường xuyên tràn ngập rau bèo, cản trở dòng chảy, gây úng ngập cục bộ, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.

Rau bèo tràn ngập tại kênh dẫn trạm bơm Đỗ Xá, xã Cao An

Ở nhiều tuyến kênh do các xã ở huyện Cẩm Giàng quản lý, rau bèo tràn ngập hệ thống thủy lợi nội đồng. Tình trạng này đã xảy ra từ nhiều năm nay, gây úng ngập cục bộ làm ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và chưa có biện pháp khắc phục.

Thiếu kinh phí

Đoạn kênh dài hơn 500 m ở khu vực chuyển đổi của thôn Kim Đôi, xã Cẩm Hoàng có nhiệm vụ tiêu nước ra kênh T2 trạm bơm Văn Thai cho cả khu vực. Thế nhưng lòng kênh đang bị bồi lắng, bèo tây, rau muống che lấp cả mặt kênh. Hai bên mái kênh, người dân trồng cây lấn chiếm nên mương bị thu hẹp. "Gia đình tôi ở đây hơn 10năm nay nhưng chưa từng thấy tuyến kênh này được tu sửa hay nạo vét. Người dân sống xung quanh đây đã bảo nhau vớt nhưng không mấy hiệu quả. Nếu có mưa lớn thì tuyến kênh này khó bảo đảm tiêu thoát nước", bà Nguyễn Thị Xoan, một người dân sống ở gần tuyến kênh nói.

Tại xã Cao An, tuyến kênh dẫn nước vào trạm bơm Đỗ Xá dài hơn 1,2 km cũng trong tình trạng tương tự. Một bên bờ kênh là trục đường giao thông chính của xã, một bên khu dân cư sinh sống. Cầu, cống và các công trình dân sinh khác liên tiếp mọc lên, mái kênh biến thành nơi trồng cây khiến lòng kênh bị thu hẹp. Mặt kênh bị lấp kín bởi rau bèo. Toàn xã có hơn 4 km kênh mương chính và hàng chục km kênh xương cá đều do HTX Dịch vụ nông nghiệp xã quản lý. Tuy nhiên chỉ có kênh chính được kiên cố hóa, còn lại đều là kênh đất ít được cải tạo nên tưới tiêu gặp nhiều khó khăn. 

Ông Phạm Văn Xuyên, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Cao An cho biết: "Năm 2013, sau khi phân cấp lại các tuyến kênh mương, HTX đã ký hợp đồng thầu khoán với 1 cá nhân trong xã với giá 1,8 triệu đồng/năm để đảm nhận vớt bèo rác trên các tuyến kênh chính, khu vực vòi hút các trạm bơm nhưng không hiệu quả".

Không chỉ ở Cao An mà nhiều tuyến kênh do cấp xã quản lý khác ở Cẩm Giàng đều xảy ra tình trạng rau bèo phát triển cản trở dòng chảy. Nguyên nhân chính do thiếu kinh phí. Hầu hết các HTX Dịch vụ nông nghiệp đều trông chờ vào nguồn cấp bù thủy lợi phí để duy trì hoạt động. Số tiền này chỉ đủ để tu sửa trạm bơm, trả tiền điện, nhân công và một phần tiền lương cho cán bộ HTX. Kinh phí để HTX tu sửa, nạo vét kênh mương, giải tỏa dòng chảy hầu như không có.

Ách tắc dòng chảy

Theo phân cấp của UBND tỉnh, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) huyện Cẩm Giàng phụ trách hơn 62 km kênh mương với tổng diện tích 1 triệu m2 mặt nước, còn lại là hàng nghìn km kênh mương nhỏ do địa phương quản lý. Để bảo đảm các tuyến kênh mương luôn thông thoáng, Xí nghiệp KTCTTL huyện giao khoán nhiệm vụ vớt bèo, rác cho từng công nhân. Trong khi các tuyến kênh do xí nghiệp quản lý cơ bản thông thoáng thì nhiều tuyến kênh do địa phương quản lý luôn trong tình trạng ngập bèo, rác. Không chỉ có rau muống, bèo tây mà một số hộ dân còn ngang nhiên vứt rác thải, túi nilon xuống kênh mương càng làm cản trở dòng chảy và ô nhiễm môi trường. Sau mỗi đợt mưa lớn, bèo rác ở các tuyến kênh do xã quản lý lại chảy ra các tuyến kênh do xí nghiệp quản lý làm ách tắc kéo dài cả trăm mét. 

Ông Bùi Quang Bắc, Phó Giám đốc Xí nghiệp KTCTTL huyện Cẩm Giàng cho biết: "Sau mỗi đợt mưa lớn, các trạm bơm chống úng do xí nghiệp quản lý hoạt động khó khăn. Trong khi đầu bể hút trạm bơm cạn nước thì mực nước trong đồng vẫn cao gây úng ngập cục bộ. Mực nước trong đồng và ngoài kênh chính chênh nhau từ 20 - 30 cm. Vừa bơm tiêu úng vừa phải chờ đợi nước từ trong đồng chảy ra nên thời gian bơm kéo dài, có trạm chỉ vận hành một nửa số máy bơm tiêu úng, vừa gây lãng phí thời gian, tiêu hao điện năng, vừa làm ảnh hưởng đến việc tiêu úng".

Cẩm Giàng là địa phương nằm trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải nên rau bèo không thể tiêu thoát ra sông lớn mà phải được vớt hoàn toàn. Chính quyền địa phương cần quan tâm hỗ trợ kinh phí, thực hiện cơ chế khoán để có thể vớt rong bèo từ khi còn ít, không để phát triển tràn lan. Có thể vận động nhân dân hoặc các đoàn thể ra quân các ngày thứ bảy, chủ nhật xanh để vớt bèo rác trên các tuyến kênh, tránh ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước, chống úng trong mùa mưa bão.

TRẦN HIỀN