TP Hải Dương: Chấn chỉnh dạy thêm, học thêm
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 14:02, 18/06/2020
Sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 39 của Thành ủy, tình trạng dạy thêm, học thêm ở TP Hải Dương đã giảm hẳn
TP Hải Dương có quy mô mạng lưới giáo dục lớn nhất tỉnh. Năm học 2019 - 2020, thành phố có 115 trường học các cấp với gần 66.500 học sinh, tăng hơn 10.000 học sinh so với năm học trước. Việc dạy thêm, học thêm ở thành phố có những thời điểm chưa được kiểm soát tốt.
Thực tế những năm học trước, mặc dù thành phố và ngành giáo dục liên tục ra nhiều văn bản, thực hiện nhiều biện pháp chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm nhưng vẫn còn không ít giáo viên lách luật để dạy thêm. Đáng nói là nhiều cháu mới học tiểu học, thậm chí mới chuẩn bị vào lớp 1 đã phải đi học thêm. Nhiều gia đình cho con đi học thêm không phải do con học kém, cần phụ đạo mà theo phong trào, đa số học sinh trong lớp đều đi học thêm, con mình không đi lại sợ bị trù dập. Có nhiều ý kiến cho rằng vì muốn dạy thêm nên có cô giáo để dành kiến thức, không truyền đạt hết trên lớp mà đến lúc dạy thêm mới truyền cho học trò...
Nhằm chấn chỉnh tình trạng này, tháng 9.2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Dương đã ban hành Nghị quyết số 39 về công tác quản lý, phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó nhấn mạnh tăng cường kiểm tra các trường hợp vi phạm trong dạy thêm, học thêm. Nghị quyết yêu cầu ngành giáo dục quản lý dạy thêm, học thêm đúng quy định; tích cực kiểm tra các trường hợp vi phạm trong dạy thêm, học thêm và kịp thời báo cáo UBND thành phố, Thường trực Thành ủy để chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hải Dương Lê Thị Mỹ Phương cho biết nhằm cụ thể nội dung nghị quyết, thời gian qua, ngành giáo dục thành phố đã có những biện pháp mạnh tay để khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định. Phòng đã phổ biến, quán triệt nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy đến tất cả hiệu trưởng các trường, toàn thể giáo viên, các ban, ngành, đoàn thể, phụ huynh và học sinh trong các trường, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý dạy thêm, học thêm trái quy định. Nếu để xảy ra sai phạm, hiệu trưởng nhà trường sẽ phải chịu trách nhiệm trước các cấp có thẩm quyền.
Phòng Giáo dục và Đào tạo đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra để kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm và lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về tình trạng dạy thêm, học thêm. Qua những đợt kiểm tra đã lập biên bản, phê bình và kiểm điểm trên 20 cá nhân, tập thể vi phạm.
Chị Vũ Thị Thắm có con học ở Trường Tiểu học Thạch Khôi cho biết: "Gần một năm nay, con tôi không phải học thêm. Thời gian đó, tôi tập trung định hướng cho con tự học ở nhà và có thêm thời gian nghỉ ngơi ôn lại bài vở trên lớp". Theo chị Thắm, kiến thức cơ bản là quan trọng nhất, chỉ cần các cháu có ý thức tự học, tự tìm tòi thêm là đã đủ.
Đồng tình với quan điểm của chị Thắm, chị Bùi Thị Thùy D. ở phố Tống Duy Tân, phường Ngọc Châu cho rằng việc dạy thêm, học thêm tràn lan như trước kia đã gây áp lực cả về kinh tế, thời gian cho không ít gia đình. "Nhiều phụ huynh phải thường xuyên đưa đón con đi học thêm, ảnh hưởng lớn đến công việc. Sự vào cuộc quyết liệt của thành phố đã giúp nhiều phụ huynh và học sinh bớt áp lực", chị D. chia sẻ.
TP Hải Dương từng được coi là điểm nóng về dạy thêm, học thêm nhưng sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 39 của Thành ủy, tình trạng này đã cơ bản được chấn chỉnh. Nghị quyết trên đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của rất nhiều phụ huynh, góp phần xây dựng ngành giáo dục của thành phố phát triển lành mạnh, bền vững.
NGUYÊN THƯƠNG