''5 năm đa cấp, thú thật tôi toàn lừa người khác, giờ chạy xe ôm trả nợ đời''

Kinh tế - Ngày đăng : 21:39, 18/06/2020

Ngày ấy hình ảnh sang trọng nhưng T. thú thật không ít lần ăn mì tôm triền miên... Một đống nợ đang phải trả và buồn nhất là anh kỹ sư bách khoa ngày nào giờ chạy xe ôm công nghệ...


"Lên tiền" cùng nhau như một kiểu tạo động lực lẫn nhau giữa các thành viên trong tuyến đa cấp 

5 năm làm đa cấp, ngoài hình ảnh "sang chảnh" giả tạo trên mạng xã hội, Đ.T (27 tuổi) chẳng có gì ngoài một đống nợ nần và một nghề nghiệp đã bị bỏ lỡ. Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, T. đã không trở thành một kỹ sư vì sa vào công ty đa cấp.

Giờ T. bỏ việc, đang tạm chạy xe ôm công nghệ và làm sale bất động sản để trả nợ.

Đóng đinh với suy nghĩ "Tôi thành công vì tôi ở lại"

 Đ.T từng rất kỳ thị đa cấp. "Hồi sinh viên, khi bị một thằng bạn rủ rê đi cà phê mà thực chất là dự hội thảo của một công ty đa cấp, tôi đã bỏ về trước, không mua hàng và cũng không bao giờ gặp lại bạn", T. kể

Chưa bao giờ T. lại nghĩ đến tình huống gia nhập một công ty đa cấp theo cách này: Khi ngồi ở quán cà phê trước cổng bệnh viện nơi mẹ anh đang điều trị, một người phụ nữ quay sang chúc tết chủ quán và mọi người xung quanh, trong đó có cả anh.

Sau đó là một cuộc trò chuyện, hỏi han, quan tâm rất bình thường. Khi ấy T. vừa mới tốt nghiệp, chưa nghề nghiệp và mẹ đang bệnh nặng. Thế nên khi người phụ nữ giới thiệu là giám đốc một công ty và ngỏ ý giúp T. có việc làm, anh nghĩ đó là cơ may.

T. được đưa đến một đại hội - một buổi vinh danh các nhân viên xuất sắc với cả những người tàn tật, những người mà câu chuyện gia cảnh trước đây của họ cũng đúng với khó khăn mà anh đang trải qua: mẹ bệnh nặng, mới tốt nghiệp chưa một xu dính túi. Một không khí đồng cảm thành hình. Không ai phải nói một câu nào thuyết phục T.

Những gì được nghe tiếp theo đó về mô hình kinh doanh là những điều rất tốt đẹp: họ tạo ra sản phẩm tốt và bán cho người tiêu dùng với giá tốt vì tiết kiệm được rất nhiều chi phí, như chi phí mở cửa hàng, thuê nhân viên, lại không cần có vốn lớn…

Lý thuyết là đầu tư 10 triệu thì bán sản phẩm, anh lời 15%. Nếu tuyển được tuyến dưới bán hàng, anh vẫn có hoa hồng từ họ. Lúc đó anh tạo ra doanh số mà không cần đổ thêm tiền.

Câu chuyện của những người thành công ở đại hội cũng xoáy sâu vào việc họ cũng đã bị phản đối, bị từ chối rất nhiều nhưng cuối cùng họ cũng thành công nhờ vào một niềm tin: có người nói không thì cũng sẽ có người nói có, 100 người bạn gặp có thể có 99 người nói không và chỉ 1 người nói có là đã thành công.

"Thế nên tôi không sợ bị từ chối. Chúng tôi được "đóng đinh" với suy nghĩ "tôi thành công vì tôi ở lại", không cần phải giỏi mà chỉ cần kiên trì thì bạn sẽ thành công với sự hỗ trợ của những người tuyến trên", T. kể.

T. nói anh hiểu tâm lý của những bạn trẻ, vì sao mà họ có vẻ bất chấp. "Mình được đào tạo là chia sẻ cơ hội tốt cho người khác, được rào trước những khả năng có thể bị bạn bè, gia đình tác động tiêu cực để bỏ công việc đó, nên ai khuyên bảo cũng nghĩ là công ty này khác biệt, người ta chưa làm, hoặc làm chưa thành công như những người ở đây nên không hiểu được.. Và tuyển tuyến dưới cũng là đang trao cơ hội. Cứ kiên trì làm, thành công rồi tôi sẽ có tiền để bù đắp cho gia đình", T. kể.

"Dốc hết toàn bộ thời gian", "đầu tư tiền bạc", "tách mình ra khỏi gia đình và bạn bè"... là con đường dẫn đến thành công trong triết lý kinh doanh của một công ty đa cấp 

5 năm chỉ đi lừa đảo

Đó là câu trả lời cho câu hỏi "5 năm qua bạn làm được những gì?". Trái ngược với mô hình kinh doanh ban đầu là tốt đẹp, suốt nhiều năm T. bị xoáy vào một guồng máy mà mọi thứ cuối cùng chỉ xoay quanh việc nghĩa ra chiêu trò để lôi kéo người mới.

Họ "rải" các mẩu tuyển dụng việc làm mơ hồ ở khắp nơi để dụ sinh viên, tiếp cận người quen biết và trong vai những người thành đạt, họ dẫn dắt những người mới trở thành phiên bản tiếp theo.

"Nhiệm vụ chủ yếu là khoe. Khoe đơn hàng. Khoe trưởng thành, thay đổi. Kể câu chuyện các sếp theo hướng tích cực. Khoe hình ảnh đội nhóm, đi chơi. Mới vào làm thì xây dựng hình ảnh kiểu học hỏi, trưởng thành, ngưỡng mộ sếp. Làm lâu rồi, lên quản lý thì kiểu trưởng thành, dạy đời, đạo lý", T. nửa đùa nửa thật.

Hình ảnh trên mạng xã hội của họ đều rập chung một khuôn: một doanh nhân trẻ năng động, thành đạt và tràn đầy năng lượng với những chuyến du lịch, xe tay ga đắt tiền.

Các quản lý ở công ty T. đều buộc phải xài điện thoại đắt tiền, mua xe sang như một cách xây dựng hình ảnh thành đạt, hào nhoáng. "Nhiều người không có tiền nhưng vẫn phải vay nợ để mua", T. kể.

Họ cũng được huấn luyện "công nghệ bán hàng" online bằng cách xây dựng hình ảnh hotboy, hotgirl. Nếu không ưa nhìn, họ giả mạo hình ảnh của một người không quen biết nhằm mục đích lừa gạt người khác.

"Trong vai hotgirl, hotboy, họ sẽ tiếp cận người khác dễ hơn, lân la làm quen, khi quen thân sẽ dẫn dắt mua hàng. Nhiều người sẵn sàng tán tỉnh, lừa gạt tình cảm của người khác sau nhiều tháng tâm tình", T. kể.


Bị ám ảnh bởi sức ép đi tìm người mới 

Bản thân T. thì luôn chịu sức ép của "cấp trên" trong việc tìm kiếm người mới. Khi đã có người mới thì cả đường dây nhiều cấp "bắt tay nhau" dụ dỗ, bày vẽ mọi cách để dụ họ mua gói hàng có giá trị cao.

Xây dựng hình ảnh sang trọng, nhưng bản thân T. không ít lần lâm vào tình cảnh không một xu dính túi, ăn mì tôm triền miên và thậm chí không có tiền để trả tiền phòng trọ.


Đào tạo công nghệ bán hàng bằng cách giả hotboy, hotgirl 

Giải thích về các khoản nợ nần dù đã vào lâu và cũng đã có không ít đơn hàng, T. cho biết khoản nợ đến từ rất nhiều thứ, kể cả khoản tiền vay nặng lãi ban đầu để mua đơn hàng, chưa trả hết thì lại bị áp lực phải mua gói sản phẩm cao hơn, thậm chí cả tiền đầu tư mua xe, mua điện thoại sang tạo hình ảnh.

"Họ lấy nhiều lý do hối thúc mình ôm đơn. Chẳng hạn như "phải mua gói có giá trị cao để có mức hoa hồng cao, người dưới nhìn vào sẽ dễ bị thuyết phục, hay phải làm gương cho người ở dưới", T. kể.

T. không nói khoản nợ của anh là bao nhiêu nhưng thời điểm anh nghỉ việc, mọi thứ đều đã vượt quá khả năng: nhiều tháng không tìm được người mới và cũng không thể xoay sở để vay nợ thêm.

Niềm tin "tôi thành công vì tôi ở lại", tâm lý phải tiếp tục để gỡ gạc đã tạo ra vòng xoáy "người trước lừa người sau", biến T. vừa thành nạn nhân của những người cấp trên, vừa thành "thủ phạm" lừa gạt, lôi kéo những người trẻ khác.

Theo Tuổi trẻ