Khổ vì bệnh tiểu đường
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:03, 19/06/2020
Ông Trần Xuân S. bị bệnh tiểu đường đã 17 năm nay, vừa nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, đường huyết hạ
Đái tháo đường (tiểu đường) là căn bệnh phổ biến hiện nay. Bệnh tiểu đường dẫn đến các biến chứng như tàn phế, mù lòa và tăng nguy cơ tử vong. Căn bệnh này trở thành nỗi sợ hãi, là gánh nặng tâm lý đè lên vai của người bệnh và gia đình.
Nhiều người mắc
Sống chung với bệnh tiểu đường 17 năm nay, ông Trần Xuân S. (77 tuổi, ở TP Hải Dương) đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ trước khi bị bệnh ông ăn uống thoải mái, tinh thần lạc quan. Từ năm 2003, ông cảm thấy mỏi mệt, thường xuyên choáng váng đầu óc, đi khám mới biết bị bệnh tiểu đường. Từ đó đến nay, ông phải ăn uống điều độ, uống thuốc đều đặn, khám định kỳ và còn phải tiêm 4 lần/ngày. “Xác định sống chung với lũ rồi, ăn uống khổ lắm. Đói liên tục nhưng không được ăn nhiều, chưa kể mỗi lần hạ đường huyết thì sợ hãi kinh khủng”, ông S. nói.
Ngày 12.6, ông S. nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, đường huyết hạ rất thấp. Ông bị co giật, tiểu tiện không tự chủ, vã mồ hôi..., sau đó phải truyền đường glucose cấp cứu. Ông S. kể do tiêm thuốc xong nhưng không kịp ăn dẫn đến tình trạng nguy hiểm trên. Hiện đường huyết của ông đã ổn định.
Bà Nguyễn Thị B. (72 tuổi, ở huyện Thanh Miện) nhập viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, vật vã, tiểu nhiều, suy kiệt cơ thể, yếu tứ chi, đường huyết tăng rất cao vượt ngưỡng cho phép. Bà B. được bù dịch điện giải, tiêm, truyền insulin. Hiện bà vẫn trong tình trạng lơ mơ.
Chị Nguyễn Thị Ng., con gái của bà B. cho biết bà bị bệnh tiểu đường đã 17 năm. Giai đoạn đầu bà sụt cân nhanh, uống nước nhiều, đi khám được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Trước đây, bà B. còn đi lại bình thường, tham gia câu lạc bộ văn nghệ, giúp con cái trông cháu, nhưng những năm gần đây sức khỏe yếu đi. Mỗi tháng bà phải đến Trung tâm Y tế huyện khám, lấy thuốc điều trị. Chưa kể thỉnh thoảng bà lại bị ngất xỉu làm gia đình rất lo lắng.
Hiện Khoa Nội tiết (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đang điều trị cho 50 bệnh nhân nội trú liên quan đến tiểu đường. Hầu hết bệnh nhân nhập viện đều bị biến chứng từ mức nhẹ đến nguy hiểm. Những người mắc bệnh tiểu đường tốn khá nhiều chi phí điều trị. Những người không có bảo hiểm y tế thường tốn khoảng 2 triệu đồng/lần khám, xét nghiệm và lấy thuốc, người có bảo hiểm y tế mất từ 300.000-400.000 đồng. Đó chỉ là chi phí cho khám và lấy thuốc bình thường, còn nếu bệnh biến chứng và điều trị dài ngày thì tốn kém hơn rất nhiều.
Cần tuân thủ phác đồ điều trị
Theo bác sĩ Vũ Văn Nguyên, Trưởng Khoa Nội tiết (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), bệnh tiểu đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa mạn tính, cơ thể không tự sản sinh insulin hoặc insulin tiết ra không đủ để hấp thu glucose trong máu dẫn đến lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường. Bệnh tiểu đường gồm các thể tuýp 1, tuýp 2 và tiểu đường thai kỳ. Đây là căn bệnh gây tử vong đứng thứ 6-7 thế giới. Nguyên nhân gây bệnh có thể do di truyền, các thói quen sinh hoạt như ít vận động, ăn nhiều chất béo, đồ ngọt…
Người mắc bệnh tiểu đường phải ăn uống kiêng khem, vất vả đi khám, điều trị, tốn kém tiền bạc, thường xuyên lo lắng vì biến chứng. Những bệnh nhân đang điều trị tiểu đường nhưng tự ý bỏ thuốc, ăn uống không hợp lý, rèn luyện thể thao chưa đúng cách... sẽ dễ bị biến chứng dẫn đến mù lòa, cắt cụt chân, chạy thận, lọc máu chu kỳ, đau thắt ngực, thiếu máu não cục bộ, thậm chí tử vong tại chỗ.
Bác sĩ Nguyên khuyên bệnh nhân đã từng bị tiểu đường nên thường xuyên khám và xin ý kiến tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Khi có dấu hiệu biến chứng, cần khám và điều trị sớm để ngăn chặn tình trạng tiến triển của bệnh. Tùy vào tình trạng sức khỏe mỗi người mà bác sĩ sẽ tư vấn chế độ ăn uống, tập luyện thể thao hợp lý. Với những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường như tiền sử gia đình có người mắc bệnh, những người béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiền sử đái tháo đường thai kỳ... cần khám định kỳ để đánh giá mức độ đường huyết.
THẾ ANH