Kỷ niệm nghề báo

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 07:20, 21/06/2020

Trong hành trình tác nghiệp, mỗi nhà báo đều có những kỷ niệm để đời. Đó có thể là niềm vinh dự bất ngờ, là một vụ việc nguy hiểm khiến ai cũng phải thót tim...

Các phóng viên tác nghiệp tại Lễ công bố thành lập thị xã Kinh Môn và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất

Chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tôi công tác tại báo Hải Hưng từ năm 1974 đến năm 1992, sau đó chuyển sang công tác ở Hội Nhà báo tỉnh đến năm 2003 thì nghỉ hưu. Ở báo Hải Hưng, nhiều năm liền tôi là phóng viên ảnh, chụp ảnh ở nhiều ngành, lĩnh vực. Ở thời chúng tôi, máy móc, kỹ thuật làm ảnh còn thô sơ, có lúc phải lên Hà Nội làm… nên thời gian xử lý ảnh chậm và ảnh không đẹp như bây giờ. Trong số các lần chụp ảnh, tôi nhớ nhất lần chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Càng nhớ hơn vì tôi còn được chụp ảnh với Đại tướng.

Năm 1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 80 tuổi. Khi ấy, các đồng chí cựu tù Côn Đảo ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng tổ chức gặp gỡ, mừng sinh nhật Đại tướng. Tôi đi cùng đoàn để chụp ảnh, đưa tin. Sau khi chụp xong ảnh, Đại tướng gặp thân mật các đồng chí cựu tù Côn Đảo, bất ngờ Đại tướng hướng về phía tôi hỏi: “Thế nhà báo muốn chụp với tớ không?”. Tôi mừng rơn và đáp: “Dạ, có ạ!”. Tôi nhanh chân tiến đến đứng sát Đại tướng và chụp ảnh chung.

Trong bức ảnh này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi cùng nhiều đồng chí cựu tù Côn Đảo đều cười tươi, tay tôi ôm thân mật Đại tướng. Bức ảnh ấy tôi coi như kỷ vật vô giá. Tôi đã đóng khung bức ảnh, treo ở phòng khách từ nhiều năm nay.

LÊ ĐÌNH PHÚ

Giúp cựu chiến binh tìm người thân đồng đội

Tháng 10.2019, tôi đi lấy thông tin viết bài ở khu dân cư 11, phường Quang Trung (TP Hải Dương). Sau khi xong việc, tôi ngồi nói chuyện cùng bác bí thư chi bộ và một số bác trong khu dân cư. Biết tôi quê ở Ninh Giang, một bác hỏi: “Ở quê cháu có xã nào là La Thành không?”. Tôi cười: "Quê cháu không có xã nào là La Thành, chỉ có thôn La Khê, xã Ninh Thành là thôn của cháu ạ". Tôi thắc mắc với bác về cái tên La Thành. Bác kể, ngày trước bác cùng chiến đấu với một người quê Ninh Giang. Hai anh em hẹn ngày hòa bình về nhà nhau chơi vậy mà trước ngày giải phóng mấy hôm, ông ấy hy sinh. Mấy chục năm rồi, bác vẫn giữ kỷ vật của ông ấy là tấm ảnh chụp vợ ông ấy cùng 2 con gái. Đằng sau ghi địa chỉ La Thành, Ninh Giang, Hải Dương đã mờ. Bác muốn tìm lại người thân của ông ấy để gửi lại tấm ảnh, thắp cho đồng đội nén hương. Nếu người nhà chưa tìm được mộ, bác sẽ dẫn tận nơi. Bác về Ninh Giang hỏi mấy lần nhưng ai cũng bảo không có xã La Thành. Còn chi tiết nữa là ông ấy có người em trai ngày trước được sang Trung Quốc học cơ khí.  

Tôi ghi lại những thông tin mà bác kể vào cuốn sổ, hẹn với bác sẽ về hỏi ông nội, bố mẹ mình xem có biết gia đình nào như lời bác kể không, nếu có sẽ liên lạc lại với bác. Về nhà, tôi kể lại toàn bộ câu chuyện với bố mẹ thì đúng là ở thôn tôi có một liệt sĩ hoàn cảnh gia đình giống như vậy. Tối đó, tôi liên hệ với con trai của liệt sĩ. Ngay hôm sau, con trai và con gái lớn của liệt sĩ đã đến nhà bác này để xác nhận thông tin.

Tôi rất vui vì đã giúp một cựu chiến binh tìm được gia đình người bạn, trao lại kỷ vật cho người thân của họ. Thật đúng lúc vì chậm vài tháng nữa, xã Ninh Thành sáp nhập thành xã Tân Hương thì càng khó tìm địa chỉ "La Thành" như lời bác nói. 

HÀ NGA

Về Tiêu Sơn lúc nửa đêm

Khoảng 21 giờ ngày 18.3, tôi nhận được thông tin có người dương tính với Covid-19 đang được cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện. Tôi đã cùng một đồng nghiệp về huyện ngay trong đêm để nắm bắt tình hình. Chúng tôi có mặt tại hội trường UBND huyện Thanh Miện cũng là lúc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện với sự hỗ trợ của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức họp khẩn. Mọi công việc được phân công cụ thể, rõ ràng. Danh sách những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân số 73 (gọi là F1) và người tiếp xúc với F1 (gọi là F2) nhanh chóng được xác định. 

Sau khi họp xong, chúng tôi nhanh chóng di chuyển về xã Thanh Giang (nơi bệnh nhân số 73 ở trước khi cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện). Tại đây, lãnh đạo huyện, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục tổ chức họp nhanh để lên phương án đưa những người thuộc diện F1 đi cách ly. Để tránh gây hoang mang cho người dân và ngăn chặn những người thuộc diện F1 rời khỏi địa phương, bỏ đi để trốn cách ly trong đêm, UBND xã Thanh Giang đã bố trí người lặng lẽ canh gác tại các trục đường thôn Tiêu Sơn. Đến 24 giờ ngày 18.3, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 xã Thanh Giang đã thành lập 3 đoàn đến từng nhà F1 để vận động họ đi cách ly. Tôi nhận nhiệm vụ tổng hợp thông tin còn một đồng nghiệp đi cùng đoàn chụp ảnh, ghi hình. Đi đến đâu chúng tôi cập nhật thông tin nhanh đến đó rồi gửi về tòa soạn tổng hợp, vì thế bạn đọc có thể nắm bắt được những thông tin nóng hổi. 

Mọi công việc kết thúc vào lúc 4 giờ sáng, chúng tôi về nghỉ ngơi tại một khách sạn ở trung tâm thị trấn Thanh Miện do UBND huyện bố trí. Tại đây, chúng tôi tiếp tục cập nhật thông tin mới nhất để gửi về tòa soạn. Đêm đó không chỉ có hai chúng tôi thức trắng mà đội ngũ trực báo điện tử cũng vất vả đến sáng sớm hôm sau.

ĐỖ QUYẾT

Nghẹt thở đưa tin cháu gái bị tên ngáo đá uy hiếp

Sáng 28.11.2018, khi đang ở cơ quan thì tôi nhận được thông tin Phạm Ngọc Hậu (sinh năm 1989, trú tại thôn Thọ Sơn, xã Quang Hưng, nay là xã Tân Quang, Ninh Giang) có biểu hiện ngáo đá, đột nhập vào nhà chị Đàm Thị H. ở cùng thôn Thọ Sơn dùng dao khống chế, bắt giữ cháu Phạm Mai Ng. (sinh năm 2014, con gái chị H.).

Ngay lập tức tôi phóng xe máy về địa phương để xác minh thông tin. Từ ngoài đầu ngõ vào nhà nạn nhân, hàng trăm người dân tụ tập nghe ngóng tình hình. Ở bên trong, các lực lượng công an xã, huyện, tỉnh tổ chức vây ráp nhưng chưa thể áp sát đối tượng. Tôi là phóng viên duy nhất được vào bên trong. Không khí hết sức căng thẳng. Lúc này, Hậu đang khống chế cháu Ng. trong nhà tắm khóa trái cửa. Từ khoảng trống ở phía trên tường nhà tắm, lực lượng công an thấy Hậu liên tục kề con dao rọc giấy vào cổ cháu bé đã ngất lịm vì kiệt sức. Chỉ cần một chi tiết sơ sểnh, làm đối tượng bị kích động thì hậu quả sẽ khôn lường. Chị H., mẹ cháu Ng. khóc ngất được người nhà đưa sang hàng xóm chăm sóc.

Sau gần 5 giờ liên tục vờ đàm phán với những điều kiện nhảm nhí của đối tượng, lợi dụng khoảnh khắc Hậu bỏ con dao xuống đất, lực lượng cảnh sát cơ động lập tức ập vào nhà tắm khống chế, giải cứu thành công. Đây là một trong những lần tác nghiệp mang lại nhiều cảm xúc nhất đối với tôi, từ nghẹt thở, căng thẳng tột cùng đến vỡ òa niềm vui khi cháu Ng. được an toàn. 

Những ngày gần đây lại xuất hiện thêm những vụ đối tượng có biểu hiện ngáo đá đánh người, gây rối trật tự công cộng. Nỗi lo của tôi cũng như bao người dân về những vụ việc tương tự vẫn chưa dứt...

HOÀNG BIÊN

8 bữa sáng chỉ ăn bún lòng

Dù có khoái khẩu với món ăn nào đó thì tôi cũng chỉ ăn 2 - 3 lần liên tục là chán, phải đổi món khác. Vậy mà tôi và đồng nghiệp Văn Quyết (phóng viên Phòng Kinh tế) đã ăn bún lòng tới 8 sáng liền.

Đó là vào trung tuần tháng 3.2020 khi Hải Dương xuất hiện ca dương tính với Covid-19 đầu tiên tại thôn Tiêu Sơn, xã Thanh Giang (Thanh Miện). Để phản ánh kịp thời, tôi và anh Quyết đã ở lại Thanh Miện 8 ngày liền. Chỗ ngủ huyện đã quan tâm bố trí. Tuy nhiên, kiếm chỗ ăn sáng lại không dễ. Do lo ngại dịch bệnh lây lan, từ ngày 19.3, hầu hết các quán bán hàng ăn ở thị trấn Thanh Miện đều đóng cửa. Chỉ còn duy nhất một quán ăn sáng bán bún lòng ở khu vực cổng chào phía đông thị trấn Thanh Miện mở. Bún lòng quán này khá ngon, lại rẻ hơn trên thành phố. 2 bữa đầu chúng tôi ăn rất hợp khẩu vị nhưng từ bữa thứ ba thì bắt đầu ngán. Những sáng sau đó, tôi cùng đồng nghiệp chạy xe lòng vòng khắp thị trấn, xuống cả xã Tứ Cường cũng không có quán ăn sáng khác mở cửa. Vậy nên dù rất chán nhưng anh em đành quay lại quán bún lòng để ăn còn lấy sức làm việc. 

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi ăn bún lòng 8 bữa sáng liên tục. Kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi. 

TIẾN MẠNH