Tác nghiệp bằng smartphone

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 15:49, 21/06/2020

Với các tiện ích được tích hợp sẵn, ngày nay, một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) có thể thay thế các phương tiện tác nghiệp truyền thống của một nhà báo như máy ảnh, máy quay, máy ghi âm hay cuốn sổ, cây bút.

Việc sử dụng smartphone tác nghiệp đã trở nên quen thuộc với nhiều nhà báo

Cơ động

"Khi có sự kiện đột xuất, ưu tiên hàng đầu là thông tin nhanh nên không thể loay hoay đi khởi động laptop, tìm một chỗ ngồi gõ tin hay bỏ máy quay ra ghi hình, chụp ảnh rồi lại mất thời gian cắm thẻ để truyền file. Như thế làm xong nội dung, hình ảnh để chuyển về tòa soạn thì báo khác đã đăng tin rồi. Cơ động nhất là dùng một chiếc smartphone", anh Đình Quế, phóng viên Báo Công Lý chia sẻ.

Cũng theo anh Quế, sử dụng smartphone trong tác nghiệp báo chí là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cạnh tranh thông tin hiện nay. "Đã qua cái thời nhà báo là phải tay xách nách mang, lỉnh kỉnh đồ nghề. Yêu cầu là nhanh, chính xác, còn phóng viên dùng phương tiện nào để tác nghiệp không phải vấn đề tòa soạn quan tâm", anh Quế cho biết thêm.

Từng nhiều năm làm việc tại báo điện tử Dân trí và nay chuyển sang báo điện tử Vietnamnet nên sử dụng điện thoại thông minh để tác nghiệp dường như đã là chuyện mặc định với phóng viên Thu Hằng. Chị Hằng kể chỉ khi có thời gian rảnh rỗi ngồi quán cà phê hoặc ngồi ở nhà thì mới dùng laptop, còn máy ảnh cũng đã rất lâu không sử dụng. Thay vì đầu tư tiền sắm máy ảnh hay máy tính, nhiều người làm báo chú trọng hơn đến chiếc điện thoại. Hiện nay, với chiếc iPhone 11 Pro Max, chị Hằng có thể yên tâm tác nghiệp trong nhiều điều kiện của thời tiết, ánh sáng và yên tâm về dung lượng pin của thiết bị. "Ngoài soạn thảo văn bản nhanh, chất lượng ảnh tốt, với một số phần mềm tải về như KineMaster, Quik... chiếc điện thoại còn dựng được các video clip", chị Hằng chia sẻ.

Trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại quốc lộ 5 đoạn qua huyện Kim Thành hồi năm 2019, chị Thùy Dương, phóng viên Tạp chí Giao thông dùng smartphone làm công cụ tác nghiệp duy nhất. Chị Dương cho biết: "Nó đáp ứng mọi yêu cầu cho một phóng viên, nhất là trong các sự vụ được dư luận đặc biệt quan tâm như tai nạn, hỏa hoạn... Rất tiếc các khóa đào tạo về sử dụng smartphone cho phóng viên không nhiều, nếu có chỉ là nhỏ lẻ, chủ yếu phải tự tìm tòi, học hỏi lẫn nhau".

Tự hình thành kỹ năng

Giảng viên Nguyễn Văn Trường, Khoa Phát thanh và Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng dùng smartphone là xu hướng tất yếu của báo chí thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. "Trong lịch sử báo chí thế giới, vào năm 2013, tờ Chicago Sun Times đã sa thải 28 nhà nhiếp ảnh báo chí, trong đó có cả người từng đoạt giải Pulitzer chỉ với một yêu cầu phóng viên phải tác nghiệp bằng iPhone chứ không sử dụng phương tiện truyền thống nữa. Điều này cho thấy smartphone ngày càng quan trọng đối với báo chí", giảng viên Nguyễn Văn Trường dẫn chứng.        

Từng nói chuyện với hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hải Dương về “xu hướng mới của báo chí hiện đại”, nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho rằng một nhà báo hiện đại phải sử dụng thành thạo smartphone để làm việc. Khi những chiếc iPhone đời đầu xuất hiện, các nhà báo trên thế giới đã bắt đầu dùng nó như một công cụ tác nghiệp. 

"Báo chí đương nhiên vẫn phải đặt yếu tố chuyên nghiệp và chất lượng cao lên hàng đầu, nhưng smartphone là vật bất ly thân. Nó giúp cho nhà báo có thể tác nghiệp mọi nơi, mọi lúc. Với công nghệ cao, những chiếc smartphone hiện nay có thể tạo ra những hình ảnh, video với chất lượng không kém những thiết bị chuyên dụng. Ngoài ra, thiết bị di động cũng giúp cho bất kỳ người dùng nào trở thành nhà báo, thúc đẩy một xu hướng quan trọng trong báo chí hiện đại là sử dụng những nội dung do người dùng khởi tạo, chứ không chỉ do các nhà báo chuyên nghiệp làm nên", nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Theo một số nhà báo, một đặc điểm quan trọng là việc dùng các ứng dụng trên điện thoại rất dễ dàng và đơn giản nên ngay cả những phóng viên không chuyên về ảnh hay video cũng có thể chụp, quay được những hình ảnh đẹp, chứ không khó khăn như khi dùng máy ảnh, máy quay chuyên nghiệp.

Làm thế nào để sử dụng hiệu quả smartphone? Tự hình thành kỹ năng là yếu tố vô cùng quan trọng. Theo nhà báo Lê Quốc Minh, phóng viên cần được đào tạo những kỹ năng cơ bản. Tuy điện thoại thông minh rất dễ sử dụng nhưng sản phẩm báo chí thì phải hướng tới sự chuyên nghiệp, từ góc chụp, góc quay cho đến cách biên tập ảnh, video. Ngay như việc dùng smartphone để viết tin văn bản tưởng chừng rất đơn giản nhưng cũng phải nắm bắt các thủ thuật thì mới có thể kết nối hiệu quả với tòa soạn. "Smartphone không phải là thứ thay thế được các thiết bị chuyên dụng mà chỉ để giải quyết biện pháp tình thế, trong những trường hợp tác nghiệp bất ngờ hoặc khi phóng viên tác nghiệp độc lập mà không có ê-kíp hỗ trợ. Giờ đây, khi người dùng bình thường cũng có thể tạo ra những hình ảnh, video đẹp, những bài viết nhanh chóng thì phóng viên càng phải nỗ lực nhiều hơn để đạt được chất lượng cao hơn", nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.       

TIẾN HUY