Vì sao chưa giải ngân được gói 16.000 tỷ đồng lãi suất 0%?

Kinh tế - Ngày đăng : 12:08, 23/06/2020

Những trở ngại về điều kiện vay vốn đang khiến các doanh nghiệp (DN) chưa thể tiếp cận gói tín dụng 16.000 tỷ đồng lãi suất 0% để trả lương người lao động bị ngừng việc.


Điều kiện quá chặt chẽ giống như "giấy phép con" trói buộc doanh nghiệp khiến gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng chưa phát huy hiệu quả

Chưa thể cho vay

Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24.4.2020 quy định DN, người sử dụng lao động sẽ được vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị ngừng việc. Cùng với Nghị quyết 42/NQ-CP, đây là biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Cuối tháng 4, hội nghị trực tuyến giữa Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) với 63 chi nhánh tại các tỉnh, thành phố được tổ chức để tập huấn, triển khai thực hiện chính sách này.

Liên quan đến gói hỗ trợ này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 05 quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng CSXH để thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn, có hiệu lực ngay từ ngày 7.5. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho Ngân hàng CSXH vay tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0%.

Để chuẩn bị sẵn sàng cho việc giải ngân, Ngân hàng CSXH chi nhánh Hải Dương đã chủ động sắp xếp, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ. Phối hợp với các cơ quan có liên quan như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND các cấp… đẩy mạnh tuyên truyền, rà soát nhu cầu vay vốn.

Tuy nhiên, sau gần 2 tháng triển khai, chưa DN hay người sử dụng lao động nào nộp hồ sơ vay vốn. Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Hải Dương, vấn đề không nằm ở nguồn tiền mà từ điều kiện vay vốn. "Điều kiện cho vay, đối tượng cho vay do ngành lao động, thương binh và xã hội xem xét, trình danh sách lên UBND các cấp phê duyệt. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, ngân hàng chỉ kiểm tra đối tượng vay vốn có nợ xấu vào thời điểm ngày 31.12.2019 hay không. Nếu không có nợ xấu, ngân hàng sẽ giải ngân ngay", ông Thành cho biết.

Một mặt, nước ta đã kiểm soát rất tốt dịch Covid-19, tình hình xã hội dần trở lại ổn định. Các DN đã có sự phục hồi đáng kể. Toàn ngành ngân hàng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ khác. Sau thời gian giãn cách xã hội, các DN đã bố trí nguồn lao động để quay trở lại sản xuất, kinh doanh. "Người lao động được sắp xếp nghỉ luân phiên, không nằm trong diện phải ngừng việc liên tục 1 tháng trở lên khiến DN trượt ngay điều kiện phê duyệt cho vay đầu tiên", ông Thành nói thêm.

Cần nới lỏng điều kiện

Để tiếp cận nguồn tín dụng 16.000 tỷ đồng, DN, người sử dụng lao động phải vượt qua một loạt những điều kiện. Đầu tiên là DN phải có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1.4 đến hết ngày 30.6.

Bên cạnh đó, DN phải chứng minh đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả cho người lao động ngừng việc và không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31.12.2019. Chưa kể đối tượng có tên trong danh sách đủ điều kiện vay vốn để trả lương ngừng việc phải có phê duyệt của UBND tỉnh.

Ông Đào Đình Dư, Giám đốc Công ty CP May Việt Trí ở xã Hồng Quang (Thanh Miện) cho rằng các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ và các ban, ngành là những hành động thiết thực, giúp DN vượt qua khó khăn. Mặc dù vậy, đối với gói tín dụng 16.000 tỷ đồng, hàng loạt điều kiện đã trở thành rào cản khiến DN không thể tiếp cận.

Trong bối cảnh khó khăn chung, nếu người lao động phải ngừng việc liên tục 1 tháng trở lên, họ sẽ có xu hướng tìm kiếm công việc khác chứ không chờ đợi quay trở lại làm việc. "Để chứng minh khó khăn về tài chính là điều tương đối khó vì DN còn hoạt động là còn tạo ra doanh thu. Hơn nữa, đây là gói hỗ trợ ngắn hạn, tương đối nhỏ so với hàng loạt khó khăn dài hạn khác mà DN đang phải đối mặt. Do đó, DN thường tự xoay xở, tận dụng các nguồn vốn bên ngoài bởi nếu không, DN thậm chí sẽ phá sản trước khi kịp tiếp cận gói cho vay trả lương này", ông Dư cho biết.

Đây cũng là quan điểm được đa số các DN tán thành. Nhu cầu vay tiền để trả lương cho người lao động của các DN là có nhưng khi chính sách được đưa ra thì kèm theo đó là những điều kiện khó. "Những điều kiện này chẳng khác gì giấy phép con, trói buộc doanh nghiệp. Giả sử DN đủ điều kiện về số lao động ngừng việc nhưng nếu không trích lập quỹ dự phòng lương thì DN cũng không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn", lãnh đạo một DN cho biết.

Theo đại diện Ngân hàng CSXH chi nhánh Hải Dương, không riêng tỉnh ta mà trên toàn quốc, nguồn vốn tín dụng 16.000 tỷ đồng đến nay vẫn "ngủ yên". Nếu Nhà nước không nới lỏng một số điều kiện để nguồn tín dụng này có thể tới tay DN thì chính sách hỗ trợ chỉ nằm trên giấy.

HÀ KIÊN