Từ chức: Lạ mà không lạ
Góc nhìn - Ngày đăng : 10:50, 24/06/2020
Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi xin thôi chức vụ
Thông tin ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và ông Trần Ngọc Căng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có đơn gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin thôi giữ chức vụ đang được dư luận quan tâm.
Thông tin này lạ mà không lạ !
Lạ, vì dường như đây là lần đầu tiên, hai lãnh đạo cao nhất của một tỉnh cùng nộp đơn xin thôi chức vụ, mà nói nôm na là xin từ chức. Lạ, cũng vì ở nước ta, lâu lâu mới có chuyện từ chức, mà cũng chỉ với những chức quan nho nhỏ. Lạ, vì với nhiều người, làm cán bộ không phải là để cống hiến, phục vụ nhân dân mà là để “vinh thân, phì gia” khi nắm “quyền sinh, quyền sát” trong tay. Với những người này, từ chức là chuyện mà họ không bao giờ nghĩ đến.
Không lạ, vì trước đó, ngày 16.6.2020, ông Lê Viết Chữ đã bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Ông này là người phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy các nhiệm kỳ 2010- 2015, 2015- 2020 và của Ban cán sự Đảng, UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011- 2016.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Căng cũng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vì đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư và công tác cán bộ. Điều đáng nói là hàng loạt sai phạm nghiêm trọng kéo dài trong suốt 2 nhiệm kỳ qua khiến nhân dân Quảng Ngãi phải gánh chịu những hệ lụy không thể nào tính toán nổi.
Với những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng như vậy, hai ông này đương nhiên không còn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của nhân dân và không còn uy tín để tiếp tục nắm giữ chức vụ lãnh đạo. Họ thừa hiểu rằng nếu không xin thôi chức vụ, họ cũng chẳng thể nào ngồi được trên chiếc ghế đã bị mọt ruỗng, lung lay và sắp đến hồi đổ sập. Trong trường hợp này, xin thôi chức vụ cũng chỉ là để vớt vát chút thể diện còn sót lại trước khi “hoàn dân”.
Từ chức được hiểu là việc rời bỏ chức vụ trước khi hết nhiệm kỳ. Việc từ chức là quyết định cá nhân của một người giữ chức vụ nào đó, do tự nguyện hoặc do áp lực nào đó từ bên ngoài. Ở các nước châu Âu, từ chức được xem là “văn hóa chính trường”, là một điều rất bình thường đối với bất cứ vị trí nào, kể cả tổng thống, thủ tướng hay bộ trưởng.
Ở nước ta, vì nhiều lí do, lâu nay từ chức vẫn là một điều khá “xa lạ và hiếm hoi”, mặc dù trên thực tế, ngay từ năm 1997, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII của Đảng đã chỉ ra yêu cầu cần gấp rút “xây dựng và thực hiện tốt chế độ miễn nhiệm, từ chức, cho thôi việc, thay thế cán bộ kém phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ”.
Ngày 25.10.2018, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII của Đảng đã ban hành Quy định số 08-QĐ/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, trong đó có nêu rõ cán bộ, đảng viên “chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”.
Về mặt pháp lý, điều 7 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định: “Từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”.
Như vậy, theo các quy định của Đảng và Nhà nước, từ chức là một hành động hoàn toàn tự nguyện, thể hiện lòng tự trọng và bản lĩnh của người lãnh đạo. Đáng tiếc là trong thực tế, đại đa số những trường hợp từ chức vẫn là do “cực chẳng đã”, là khi ở vào thế không còn đường lùi. Viện lý do rằng việc ông Chữ và ông Căng xin thôi chức vụ xuất phát từ nguyện vọng cá nhân, “nhằm tạo điều kiện để kiện toàn công tác nhân sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2020- 2025” chỉ là ngụy biện và không có tính thuyết phục.
Nếu là người có lòng tự trọng và có bản lĩnh, hẳn là 2 vị lãnh đạo đầu tỉnh kia không phải chờ đến ngày hôm nay mới gửi đơn xin thôi chức vụ. Từ chức trong trường hợp này không phải xuất phát từ lòng tự trọng hay bản lĩnh của người lãnh đạo, mà đơn giản chỉ là không còn sự lựa chọn nào khác.
Từ lâu, thành ngữ “Quan nhất thời, dân vạn đại” đã trở thành câu cửa miệng của người dân khi muốn nhắc nhở rằng làm quan dù có oai đến mấy, quyền lực đến mấy rồi cũng chỉ có thời hạn nhất định, rằng “hết quan, hoàn dân” là lẽ đương nhiên; chỉ có cái danh xưng là “dân”, là người bình thường mới còn mãi với thời gian. “Quan” chỉ là cái hư danh tồn tại hữu hạn, nay còn, mai mất, cũng như cái áo, cái mũ, cởi bỏ ra là hết. Chỉ có “dân” là trường tồn, cũng giống như cái hồn, cái cốt hiện hữu đời đời, kiếp kiếp. Sâu xa hơn, thành ngữ này còn muốn nhắc nhở những ai đang làm quan hãy biết giữ gìn danh dự, uy tín để sau này khi trút bỏ “mũ áo” vẫn được nhân dân tôn trọng.
Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên, nếu trước thềm Đại hội Đảng các cấp, sẽ có thêm những lá đơn xin thôi chức vụ. Nhưng sẽ là điều đáng mừng nếu như có những cán bộ xin thôi giữ chức vụ vì tự nhận thấy mình không đủ điều kiện, năng lực, uy tín để làm lãnh đạo chứ không phải vì “bỏ của chạy lấy người”, cố vớt vát chút thể hiện cuối cùng hay đơn giản là vì chẳng thể “cố đấm ăn xôi” được nữa!
Và khi đó, chuyện lãnh đạo từ chức mới không còn là chuyện lạ!
DOÃN HỮU TUỆ