Chia sẻ hạ tầng viễn thông: Doanh nghiệp lợi cả đôi đường

Công nghiệp - Ngày đăng : 15:01, 26/06/2020

Dùng chung hạ tầng viễn thông không chỉ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí lắp đặt, bảo dưỡng mà còn giảm thiểu rủi ro, nguy hiểm trong mùa mưa bão.


Việc chia sẻ hạ tầng viễn thông sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đầu tư xây dựng, bảo trì, bảo dưỡng

Thời gian qua, các đơn vị viễn thông trong tỉnh đã chia sẻ hạ tầng, mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dân.

Tiết kiệm chi phí đầu tư

Toàn tỉnh hiện có 1.196 trạm thu phát sóng di động (BTS) và 369 tuyến cống, bể, ống cáp viễn thông. Để xây dựng 1 trạm BTS hoặc 1 km cáp ngầm sẽ tốn từ 400-500 triệu đồng. Do đó, việc sử dụng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông là cần thiết bởi sẽ giúp tiết kiệm chi phí lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng.

Viễn thông Hải Dương hiện có 296 trạm BTS, trong đó 107 trạm dùng chung, đạt 36,2%. Hệ thống cống, bể, ống cáp viễn thông có 362 tuyến, có 62 tuyến dùng chung (chiếm 17,1%). Đơn vị có 510 tuyến cáp treo viễn thông thì 78 tuyến dùng chung (chiếm 15,2%). Việc chia sẻ hạ tầng đã giúp đơn vị tiết kiệm được hàng tỷ đồng tiền vận hành, sửa chữa hằng năm. Đặc biệt, chi phí đầu tư xây dựng các công trình mới cũng giảm đáng kể.

Đến hết tháng 3, toàn tỉnh có 163 trạm BTS, 63 tuyến cống, bể, ống cáp và 731 tuyến cáp treo được các doanh nghiệp viễn thông dùng chung. Nhằm thực hiện Chỉ thị 52/CT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), Sở TTTT đã cho khảo sát, đánh giá lại khả năng sử dụng chung hạ tầng của các doanh nghiệp viễn thông. Qua khảo sát, có 868 trạm BTS, 306 tuyến cống, bể, ống cáp và 1.095 tuyến cáp treo viễn thông có thể dùng chung. 

Mới đây, 4 nhà mạng viễn thông gồm Viettel, MobiFone, VinaPhone, Gtel đã ký kết thỏa thuận dùng chung khoảng 1.200 trạm BTS. Hợp tác này cho thấy quyết tâm của các doanh nghiệp trong triển khai các chính sách dùng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông, góp phần tiết kiệm chi phí. Khi chi phí đầu tư giảm sẽ giúp doanh nghiệp tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ông Phạm Huy Thắng, Phó Giám đốc Sở TTTT cho biết: "Các doanh nghiệp chia sẻ hạ tầng viễn thông không chỉ giúp tiết kiệm chi phí lắp đặt, bảo dưỡng mà còn giảm thiểu rủi ro, nguy hiểm trong mùa mưa bão. Công tác quản lý, điều hành cũng dễ dàng hơn".

Nâng cao trách nhiệm

Theo đánh giá của ngành TTTT, cơ sở hạ tầng viễn thông đồng bộ sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của thị trường viễn thông. Tuy nhiên, công tác quản lý, xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là việc chia sẻ, sử dụng chung các công trình hạ tầng của các doanh nghiệp. Để đẩy mạnh sự chia sẻ, hợp tác giữa các doanh nghiệp, Cục Viễn thông (Bộ TTTT) đã yêu cầu các Sở TTTT phải là đầu mối, xây dựng phương án dùng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên. 

Vừa qua, các doanh nghiệp viễn thông trong tỉnh đã xây dựng báo cáo kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông năm 2020. Sở TTTT đã chủ trì, phối hợp triển khai các phương án dùng chung hạ tầng này. Các doanh nghiệp viễn thông trong tỉnh phấn đấu hết năm 2020 sẽ dùng chung thêm 75 trạm BTS, 303 tuyến cống, bể, ống cáp và 448 tuyến cáp treo với tỷ lệ lần lượt là 20% - 100% - 87%. Để làm được điều này, Sở TTTT đã yêu cầu các doanh nghiệp thống nhất một số mẫu thiết kế cột ăng ten, bảo đảm yêu cầu về an toàn xây dựng, mỹ quan đô thị; tối ưu hóa tải trọng, dung lượng các nhà trạm, cột, trụ, cáp ngầm… 

Thượng tá Đỗ Ngọc Dương, Giám đốc Viettel Hải Dương cho biết: "Trong quá trình dùng chung, doanh nghiệp luôn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để làm theo quy trình, quy định nên không ảnh hưởng đến đường truyền, chất lượng các dịch vụ đang cung cấp. Thời gian tới, Viettel Hải Dương sẽ tiếp tục dùng chung 2 trạm BTS với MobiFone và VNPT; hạ ngầm thêm 8 km cáp viễn thông tại 7 tuyến đường ở TP Hải Dương".

Mặc dù các doanh nghiệp viễn thông đang quyết tâm chia sẻ hạ tầng nhưng vẫn còn nhiều rào cản cần các cơ quan quản lý nghiên cứu tháo gỡ. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là tỉnh vẫn chưa có những quy định cụ thể, chi tiết về giá thuê hạ tầng viễn thông, cơ chế quản lý hạ tầng dùng chung cho các doanh nghiệp áp dụng... Một số doanh nghiệp vẫn áp mức giá cho thuê quá cao dẫn đến khó chia sẻ hạ tầng.

ĐQ