27 phi công Pakistan bị tạm đình chỉ bay: Còn 16 phi công ''vô chủ''?
Kinh tế - Ngày đăng : 18:02, 28/06/2020
Cục Hàng không Việt Nam cho biết ngay sau khi có thông tin chính thức từ nhà chức trách hàng không Pakistan, đơn vị này đã chủ động rà soát và đình chỉ tổng số 27 phi công có quốc tịch Pakistan đang làm việc tại các hãng hàng không Việt Nam.
Hãng nào có phi công Pakistan?
Chiều 28.6, Vietjet chính thức lên tiếng cho biết trong tổng số 27 phi công Pakistan làm việc tại các hãng hàng không Việt Nam có 11 phi công làm tại Vietjet. Hãng bay này khẳng định không có phi công Pakistan hay được cấp chứng chỉ tại Pakistan "đang làm nhiệm vụ bay".
Đại diện Vietjet cho biết hiện hãng đang có 823 phi công. Trong đó 413/431 cơ trưởng là những phi công dày dạn kinh nghiệm với trên 5.000 giờ bay.
Còn Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VASCO) và Bamboo Airways đều khẳng định toàn bộ phi công nước ngoài của các hãng không mang quốc tịch Pakistan hoặc sử dụng bằng cấp, chứng chỉ do Pakistan cấp.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết đội bay của Vietnam Airlines và VASCO gồm có 850 phi công Việt Nam và 106 phi công nước ngoài. Tỉ lệ phi công người Việt chiếm tới gần 90% lực lượng người lái của hai hãng. Còn đội bay của Jetstar Pacific hiện có 60 phi công Việt Nam và 145 phi công nước ngoài.
Trong khi đó, Hãng Bamboo Airways cũng lên tiếng khẳng định toàn bộ phi công trong biên chế của hãng không mang quốc tịch Pakistan, không sử dụng bằng cấp, chứng chỉ do Pakistan cấp. Theo đó, hiện lực lượng phi công quốc tịch nước ngoài của Bamboo Airways phần lớn đến từ Anh, Đức, Ý, Pháp, Mỹ, Brazil, Úc...
Như vậy, với 27 phi công Pakistan đang làm việc tại Việt Nam đang tạm đình chỉ để điều tra, chỉ riêng Vietjet lên tiếng xác nhận có 11 phi công nhưng "không làm nhiệm vụ bay", 16 phi công còn lại vẫn chưa xác định được "nơi làm việc" vì 4 hãng như Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Jetstar Pacific và VASCO đều khẳng định không sử dụng phi công Pakistan hoặc sử dụng bằng cấp, chứng chỉ do Pakistan cấp.
Phi công được tuyển chọn như thế nào?
Theo các hãng bay, tất cả các phi công đều được tuyển chọn theo các quy trình tiên tiến quốc tế, sát hạch nghiêm ngặt, xác minh hồ sơ lý lịch của các cơ quan ngoại giao và tư pháp. Cục Hàng không Việt Nam tổ chức phỏng vấn, thi lý thuyết, bay kiểm tra trên SIM. Tất cả các phi công của các hãng được Cục Hàng không cấp bằng lái theo đúng quy định.
Đại diện Vietjet cho biết Học viện hàng không Vietjet - cơ sở phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo phi công được Vietjet đầu tư hiện đại, tiêu chuẩn châu Âu EASA, được phát triển và vận hành cùng Airbus, giúp hãng chủ động trong công tác quản lý nguồn nhân lực phi công chất lượng cao.
Các phi công Việt Nam và quốc tế có cơ hội bình đẳng theo năng lực chuyên môn và tư cách đạo đức nghề nghiệp trong môi trường Vietjet, không phân biệt quốc tịch, màu da.
Theo Vietnam Airlines, công tác đào tạo, quản lý và sử dụng nguồn lực phi công, đặc biệt phi công Việt Nam nhằm hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào nguồn lực phi công nước ngoài. Hãng đã đầu tư và đưa vào hoạt động hai trung tâm đào tạo phi công là Trung tâm huấn luyện bay FTC và Trường đào tạo phi công Bay Việt.
Ngoài ra, Vietnam Airlines đầu tư xây dựng tổ hợp buồng lái mô phỏng máy bay (SIM) để đào tạo, kiểm tra và duy trì năng định lực lượng người lái với mục tiêu 100% phi công Việt Nam và nước ngoài.
Ngày 24.6, Bộ trưởng Hàng không Pakistan Ghulam Sarwar Khan tiết lộ thông tin có tới 262 phi công trong tổng số 860 phi công ở Pakistan sử dụng “giấy phép lái máy bay đáng ngờ”. Để bảo đảm tuyệt đối an toàn hàng không, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam rà soát và cấm ngay việc thực hiện nhiệm vụ bay của toàn bộ các phi công quốc tịch Pakistan, phi công người nước ngoài (đang làm việc cho các hãng hàng không Việt Nam) sử dụng bằng cấp, chứng chỉ (nghi vấn giả mạo) do Pakistan cấp. Vấn đề rà soát và dừng bay đối với phi công Pakistan được triển khai sau khi nhà chức trách hàng không Pakistan thông báo về kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn máy bay làm 98 người chết tháng trước của Hãng hàng không quốc tế Pakistan (PIA) ở Karachi. |
Theo Tuổi trẻ