Cảnh sát Mỹ đang lạm dụng vũ khí quá mức
Bình luận - Ngày đăng : 20:13, 28/06/2020
Đối với lực lượng thực thi pháp luật, họ được phép sử dụng công cụ hỗ trợ ít sát thương để đối phó các cuộc biểu tình, bao gồm súng bắn đạn cao su, bình xịt hơi cay, dùi cui và lựu đạn khói và gây choáng.
Tuy nhiên, những hình ảnh quen thuộc của các sĩ quan cảnh sát trong các vụ đụng độ với người biểu tình tại Công viên Lafayette đối diện Nhà Trắng và các thành phố khác cho thấy cảnh sát Mỹ đã quá lạm dụng vũ khí, làm tổn thương nhiều người dân vô tội, AP cho biết.
Cảnh sát Mỹ luôn xuống đường với đầy đủ công cụ hỗ trợ. Ảnh: AP |
“Khi bạn nhìn thấy những thiết bị hỗ trợ chống bạo động, nó hoàn toàn thay đổi tâm trạng của bạn. Nếu tôi đi lên nói chuyện với các sĩ quan cảnh sát và tôi mặc áo giáp, cầm khiên và gậy, bạn nghĩ họ sẽ coi tôi là mối đe dọa không?”, Ron Moten, một nhà tổ chức cộng đồng lâu năm nói.
20 người bị tổn thương mắt
Những người biểu tình ở Denver đến bệnh viện với thương tích từ đạn cao su của cảnh sát khiến một người mất một mắt và 3 người khác tổn thương mắt vĩnh viễn, Prem Subramanian, bác sĩ phẫu thuật cho các nạn nhân trong cuộc biểu tình vào cuối tháng trước cho biết.
“Họ không phạm bất kỳ tội danh nào và họ đến bệnh viện với những tổn thương nghiêm trọng ở mắt. Tôi đang chứng kiến hậu quả từ việc lạm dụng vũ khí”, ông Subramanian nói. Ông cho biết thêm đã phàn nàn với các quan chức thành phố, những người hứa sẽ điều tra việc lạm dụng vũ khí của cảnh sát.
Ông cho biết thêm tổn thương do đạn cao su tương tự những vết thương ở mắt do mảnh đạn xảy ra đối với những người lính chiến đấu ở Iraq và Afghanistan, mà ông từng điều trị cho họ tại Trung tâm y tế quân sự quốc gia Walter Reed.
Đạn cao su và các loại đạn tương tự đã làm hỏng mắt hoặc gây mù cho ít nhất 20 người với độ tuổi từ 16-59 kể từ khi các cuộc biểu tình lan rộng sau cái chết của George Floyd ở Minneapolis, theo Học viện Nhãn khoa Mỹ.
Tổ chức Ân xá quốc tế chất vấn rằng việc trang bị cho cảnh sát theo cách phù hợp với chiến trường có thể đưa họ vào suy nghĩ rằng đối đầu và xung đột là không thể tránh khỏi.
Agnes Callamard, Giám đốc Tổ chức Tự do Biểu hiện toàn cầu, Đại học Columbia, cố vấn cho Liên Hợp Quốc, cho biết việc lạm dụng vũ khí ít sát thương là nghiêm trọng, đôi khi có thể vi phạm luật pháp quốc tế.
Bà cho biết lý do cơ bản của việc lạm dụng vũ khí ít sát thương vì chúng hợp pháp, sau khi tòa án kêu gọi các cơ quan thực thi pháp luật cung cấp thiết bị cho phép lực lượng chức năng phản ứng tương xứng khi cần thiết. Năm 1990, Liên Hợp Quốc đã ban hành nguyên tắc cơ bản về việc sử dụng chúng.
Rohini Haar, bác sĩ tại phòng cấp cứu ở Oakland, California, tác giả chính báo cáo của các bác sĩ về nhân quyền năm 2016, cho biết việc lạm dụng vũ khí ít sát thương đã gây ra cái chết của 53 người, 300 thương tật vĩnh viễn trong số 1.984 người bị thương nặng.
Bà nói rằng có rất nhiều trường hợp sử dụng cộng cụ hỗ trợ sai mục đích: “Dù là đạn cao su, đạn nhựa chúng thoát ra khỏi nòng súng bằng lực bắn của đạn và không nên sử dụng để chống lại người biểu tình, vì chúng có thể gây tổn thương hoặc nảy lên một cách khó kiểm soát khi va vào một vật cứng khác”, bác sĩ Haar nói.
Cảnh sát, lực lượng an ninh tư nhân và các đơn vị quân đội đang sử dụng hơn 75 loại đạn cao su, đạn nhựa được sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu từ nhiều quốc gia.
Wade Carpenter, Cảnh sát trưởng Park City, bang Utah, cho biết các cộng cụ hỗ trợ này là rất cần thiết khi các cuộc biểu tình ôn hòa bị tấn công bởi một số cá nhân quá khích với mục đích tạo ra cuộc bạo loạn để lợi dụng cướp bóc.
Ông Carpenter cũng là thành viên của Hiệp hội Cảnh sát trưởng quốc tế với hơn 32.000 thành viên từ 167 quốc gia, cho biết lực lượng cảnh sát rất nghiêm ngặt trong việc đào tạo và sử dụng cộng cụ hỗ trợ.
Cảnh sát thường bắn đạn cao su vào các đối tượng tấn công cảnh sát bằng gạch, gậy bóng chày, nhưng đôi khi việc sử dụng công cụ hỗ trợ không phải lúc nào cũng thực sự chính xác, vì vậy đó là một rủi ro đã được tính toán trước.
Lạm dụng chất hóa học
Không chỉ là súng bắn đạn cao su, cảnh sát Mỹ còn bị tố lạm dụng chất hóa học để đối phó người biểu tình. Bình xịt hơi cay, lựu đạn khói gây ho dữ dội, một vấn đề gây lo lắng khi đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành ở Mỹ.
Người biểu tình cảm thấy lo lắng khi cảnh sát xuống đường theo cách đang chuẩn bị bước vào cuộc chiến. Ảnh: AP |
Trong một nghiên cứu vào năm 2012 dựa trên khảo sát hơn 6.700 binh sĩ quân đội Mỹ đã kết luận rằng tác nhân hóa học dùng để kiểm soát bạo loạn làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi.
Thị trưởng và cảnh sát trưởng Seattle đầu tháng này đã cấm sử dụng bình xịt hơi cay trong 30 ngày, trước khi thẩm phán liên bang ra lệnh cho thành phố ngưng sử dụng bình xịt hơi cay, lựu đạn gây choáng và đạn cao su. TP Dallas cũng ra phán quyết tương tự.
Trong một vụ kiện liên bang, thẩm phán ở Denver đã tạm thời hạn chế việc sử dụng đạn cao su và bình xịt hơi cay. Các thẩm phán cũng tìm thấy bằng chứng cảnh sát đã vi phạm quyền lập hiến.
Đầu tháng 6, cảnh sát trưởng ở Austin, bang Texas cho biết lực lượng của ông sẽ không bắn đạn cao su vào đám đông, sau khi 2 người biểu tình phải nhập viện khi bị bắn vào đầu, trong đó có một cậu bé 16 tuổi.
Tại New York, sở cảnh sát lớn nhất nước Mỹ đã không sử dụng đạn cao su hoặc bình xịt hơi cay trong các cuộc biểu tình. Tuy vậy, mũ bảo hiểm và dùi cui vẫn cần thiết để đối phó với những cá nhân quá khích.
Cảnh sát trưởng Carpenter cho biết các sĩ quan cảnh sát cảm thấy tiếc về cái chết của Floyd, nhưng không hài lòng với tình trạng bạo lực đi kèm với các cuộc biểu tình.
“Thật không may có những trường hợp như thế xảy ra đã tạo ra hình ảnh xấu trong mối quan hệ giữa sĩ quan và cộng đồng mà họ phục vụ”, Cảnh sát trưởng Carpenter nói.
Theo Zing