Khẩn trương gỡ khó, hỗ trợ người dân

Xã hội - Ngày đăng : 15:04, 30/06/2020

Do thời gian thực hiện gấp rút, các nội dung hướng dẫn, biểu mẫu thống kê chưa thống nhất, công tác rà soát, thẩm định, chi hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng của dịch vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Đoàn công tác của Thường trực HĐND tỉnh và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 tại huyện Gia Lộc


Gần 2 tháng qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung cao triển khai Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Chi trả kịp thời 

Ngay sau khi có Nghị quyết của Chính phủ vào cuối tháng 4, công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách, rà soát, lập danh sách đối tượng hưởng được triển khai khẩn trương, đồng bộ đến từng cơ sở, thôn, khu dân cư. Giữa tháng 6, toàn tỉnh đã hoàn tất việc chi hỗ trợ hơn 199 tỷ đồng cho 161.538 người có công với cách mạng, người thuộc diện bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Các địa phương đã tiếp nhận hồ sơ của 14 doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ 3.055 người tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Qua thẩm định có 7 hồ sơ không đủ điều kiện đã được các cơ quan chức năng trả lời doanh nghiệp; số còn lại đang tiếp tục thẩm định. Với các đối tượng khác theo quy định của Nghị định 42, tỉnh đã hỗ trợ 18 người bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền 23 triệu đồng; phê duyệt hỗ trợ 252 người ở TP Hải Dương là lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm với tổng số tiền 252 triệu đồng; 90 hộ kinh doanh ở huyện Tứ Kỳ đã được hỗ trợ 90 triệu đồng. 

Đặc biệt, qua rà soát, tỉnh phát hiện có một số hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh sau ngày 31.12.2019. Tỉnh đã kịp thời trích hơn 323 triệu đồng từ nguồn Quỹ "Toàn dân ủng hộ phòng chống dịch Covid-19" do Ủy ban MTTQ tỉnh vận động để hỗ trợ 431 người thuộc các hộ phát sinh trên. 

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn 

Do thời gian thực hiện gấp rút, các nội dung hướng dẫn, biểu mẫu thống kê chưa thống nhất, công tác rà soát, thẩm định, chi hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng của dịch vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Về chính sách hỗ trợ người bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đang rất vướng do theo điều kiện quy định phải là người “không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định 59 của Thủ tướng Chính phủ”. Quy định này đang gây khó cho các cơ quan chức năng trong việc xác định mức thu nhập của người lao động thế nào là thấp hơn mức chuẩn cận nghèo. Việc xác định mức chuẩn cận nghèo được tính đối với hộ hay cá nhân người lao động cũng chưa rõ ràng.

Về chính sách hỗ trợ người không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm cũng rất khó do không có hướng dẫn cụ thể đối với người lao động làm các công việc như buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán lẻ xổ số lưu động...

Về các nội dung khó khăn gây vướng mắc trong thực tiễn, các sở, ngành của tỉnh đã kịp thời nắm bắt, phản ánh, xin ý kiến trực tiếp các bộ, ngành. Khi có giải đáp, địa phương lấy làm cơ sở để thẩm định, chi trả hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều nội dung vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng.

Ví dụ, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời: “Lao động làm bốc vác, vận chuyển hàng hóa là người làm công việc bốc vác hàng hóa, vận chuyển hàng hóa bằng xe thô sơ, xe mô tô 2 bánh, xe ba - gác, xe đẩy tại các ga đường sắt, cảng sông, cảng biển, hàng không và tại các chợ”. Tuy nhiên, trên thực tế còn có nhóm người làm công việc bốc vác, vận chuyển hàng hóa tự do trong các thôn, khu dân cư, làm thuê cho các gia đình... Như vậy, câu trả lời trên chưa đủ để làm căn cứ xác minh, chi trả hỗ trợ cho nhóm lao động này. Tương tự, việc xác định mức thu nhập thế nào là giảm sâu, như thế nào là bảo đảm mức sống tối thiểu để hỗ trợ hộ kinh doanh cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. Qua rà soát của cơ quan thuế, số hộ kinh doanh trong tỉnh thuộc đối tượng được hỗ trợ là 12.354 hộ nhưng mới chỉ có 90 hộ được hỗ trợ.

Một số nhóm đối tượng ngoài quy định nhưng được xác định là thực sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh như nông dân gặp khó trong tiêu thụ nông sản, giáo viên các trường tư thục, giáo viên mầm non... cũng đang được tỉnh xem xét để có thể nhận hỗ trợ phù hợp.

LINH AN