Khó tinh giản người có năng lực hạn chế

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:40, 02/07/2020

Mục tiêu tinh giản biên chế đối với người không hoàn thành nhiệm vụ chưa đạt khiến nhiều người tài không có cơ hội làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.

Tôi mới đọc báo cáo số 453-BC/TU ngày 3.6.2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17.4.2015 của Bộ Chính trị, gắn với sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Trong phần hạn chế, yếu kém, tôi chú ý tới nội dung: "Việc tinh giản biên chế chủ yếu là giảm số cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) nghỉ hưu...; việc đánh giá, phân loại CBCCVC chưa quyết liệt nên việc tinh giản biên chế đối với người không hoàn thành nhiệm vụ còn khó khăn".

Theo chính sách hiện hành, cán bộ, công chức thuộc diện tinh giản biên chế (TGBC) nếu có 2 năm liên tiếp tại thời điểm xét TGBC được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét TGBC, cá nhân tự nguyện thực hiện TGBC, được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý. Viên chức thuộc diện TGBC nếu có 2 năm liên tiếp tại thời điểm xét TGBC có 1 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét TGBC, cá nhân tự nguyện thực hiện TGBC, được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Tôi chú ý tìm trong báo cáo số 453-BC/TU nhưng không có số liệu đề cập tới việc đã TGBC bao nhiêu người có năng lực, kết quả thực hiện công việc còn hạn chế. Những khó khăn trong TGBC những người có năng lực chuyên môn hạn chế đã được dự liệu từ nhiều năm trước. Vì vậy, để khắc phục khó khăn này, trong Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17.4.2015 của Bộ Chính trị đã nêu ra một mục tiêu quan trọng là có biện pháp đồng bộ để TGBC đối với những CBCCVC không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định (phẩm chất, năng lực, sức khỏe), những người dôi dư do sắp xếp lại tổ chức.

Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, hầu như các tỉnh, thành phố trong cả nước đều chưa thực hiện tốt mục tiêu TGBC những CBCCVC có năng lực hạn chế và Hải Dương cũng không phải ngoại lệ. Mục tiêu tốt đẹp ban đầu chưa đạt được sẽ khiến hiệu quả công tác của đội ngũ CBCCVC không cao và nhiều người tài không có cơ hội làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.

Khó TGBC với CBCCVC năng lực hạn chế do nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân trực tiếp và quan trọng nhất là người đứng đầu chưa kiên quyết, chưa đủ dũng cảm để thực hiện. Phần nhiều CBCCVC có mối quan hệ thân quen với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Họ sẽ xin xỏ, chạy chọt... để không thuộc diện phải TGBC. Ngoài ra, nhiều người đứng đầu chưa đề ra được tiêu chí phân loại lao động cụ thể, sát thực ở cơ quan, đơn vị mình, hoặc có đề ra nhưng thực hiện còn hình thức. Điều này sẽ dẫn tới khó đánh giá, phân loại năng lực, kết quả công tác của CBCCVC. Nhiều người lẽ ra chỉ ở mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế hoặc không hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều cơ quan tỷ lệ CBCCVC hoàn thành tốt nhiệm vụ tới 90-95%, thậm chí còn cao hơn.

Chỉ những người đứng đầu cơ quan, đơn vị có tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ dám làm, dũng cảm vượt qua các thách thức mới thực sự làm tốt việc TGBC với CBCCVC năng lực còn hạn chế. Khi có tinh thần ấy, họ ắt sẽ có những biện pháp quyết liệt để thực hiện được nhiệm vụ như đề ra tiêu chí đánh giá, phân loại lao động cụ thể, hiệu quả và chỉ đạo thực hiện nghiêm; từ chối lợi ích cá nhân không chính đáng vì công việc chung...

MINH ANH