Đề ra giải pháp phù hợp để phục hồi phát triển kinh tế
Chính trị - Ngày đăng : 22:59, 02/07/2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: "Không để dịch quay trở lại và vẫn phải phục hồi phát triển kinh tế"
Các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh dự tại điểm cầu Hải Dương.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần kiên quyết không để dịch Covid-19 quay trở lại Việt Nam; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh các giải pháp phục hồi kinh tế, không để xảy ra tình trạng trì trệ, nhất là trong giải ngân vốn đầu tư công.
Theo Thủ tướng, mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 1,81% là thấp nhưng vẫn cao nhất châu Á, tốp đầu thế giới. Nhưng tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, nền kinh tế ảnh hưởng nặng nề, chúng ta phải tiếp tục theo dõi, đánh giá các nguy cơ và cơ hội để Chính phủ có đối sách đúng, kịp thời hơn.
Thủ tướng tiếp tục nêu tinh thần: "Vừa phòng thủ dịch bệnh, vừa tiến công trên mặt trận kinh tế, đây là mục tiêu kép, phải thực hiện đồng bộ".
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kịch bản tăng trưởng cụ thể, phấn đấu mục tiêu tăng trưởng cao nhất, khoảng 3-4% vì phải phụ thuộc vào dịch bệnh và tình hình kinh tế thế giới. Yêu cầu đặt ra là không được phép suy thoái; phát huy niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào Đảng, Chính phủ.
Các bộ trưởng, lãnh đạo các tỉnh nêu cao tinh thần: "Khó khăn gấp đôi, chúng ta phải cố gắng gấp 3; không chùn bước, không bàn lùi". Từ đó, cả nước chung sức đồng lòng, các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ, hoạt động hiệu quả để tháo gỡ khó khăn. Từng bộ, ngành, địa phương lập các tổ công tác để tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt về giải ngân đầu tư công, cơ chế chính sách thu hút đầu tư.
Với tinh thần kiên quyết không để dịch quay lại, Thủ tướng đề nghị các lực lượng tuyến đầu phải tiếp tục nỗ lực, có giải pháp cụ thể phòng chống dịch, đồng thời tạo điều kiện cho phát triển kinh tế.
Các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái dự phiên họp trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương tại điểm cầu Hải Dương
Trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh nhiều giải pháp nhằm phục hồi phát triển kinh tế, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ sẽ thành lập đoàn kiểm tra tại một số địa phương để xem xét tiến độ, trên cơ sở đó kiên quyết điều chuyển vốn trong tháng 8.2020.
Về tiền tệ và tín dụng, Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện tốt chính sách gia hạn nợ, miễn lãi suất, chi phí với những khoản vay mới...; có chính sách cho vay phù hợp với các loại hình doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng thương mại cần chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay, tăng cường các hỗ trợ về cho vay để trả lương cho người lao động.
Về tài khóa, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính triển khai ngay các luật, nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn có liên quan đến thuế, phí, lệ phí, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường, thuế nguyên liệu đầu vào, giảm thuế trước bạ...
Thủ tướng nhấn mạnh cần tận dụng cơ hội hợp tác, đầu tư khi 2 hiệp định lớn có hiệu lực, gồm: Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA).
Thủ tướng kiến nghị các cấp, các ngành phấn đấu năm nay không giảm chỉ tiêu xuất nhập khẩu, giữ cán cân thương mại xuất siêu. Trong đó, phấn đấu xuất khẩu gạo đứng thứ nhất thế giới, các tỉnh thế mạnh nông nghiệp bảo đảm "vừa được mùa, vừa được giá"; đồng thời quan tâm xây dựng nông thôn mới, để người dân được nâng cao đời sống.
Trước bối cảnh thời tiết, khí hậu, diễn biến phức tạp, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động trong phòng chống thiên tai, bão lũ, tránh thiệt hại đối với nông nghiệp và đời sống.
Các bộ, ngành tập trung triển khai các dự án trọng điểm. Ngành công thương phải bảo đảm đủ điện cho sản xuất, kinh tế - xã hội trước mắt và giai đoạn tới. Thị trường bất động sản, đặc biệt phân khúc nhà ở xã hội, phát triển đô thị... cần được nghiên cứu các chính sách để thúc đẩy.
Về thủ tục hành chính, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch, Bí thư các tỉnh, thành phố, địa phương trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng cũng nêu lại tinh thần "không hình sự hóa các quan hệ dân sự, thương mại; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, không để công tác này ảnh hưởng, gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp; chú trọng hậu kiểm trong giai đoạn khó khăn này...".
TIẾN HUY - TTXVN