Không để lãng phí điếm canh đê

Kinh tế - Ngày đăng : 07:02, 03/07/2020

Hiện nay, nhiều điếm canh đê đã xuống cấp, đặt ở vị trí không phù hợp cần được dỡ bỏ và xây dựng những điếm canh mới ở các khu vực trọng điểm đê điều.


Điếm canh đê mới trên tuyến đê hữu sông Thái Bình đoạn xã Đại Đồng (Tứ Kỳ) được xây dựng kết hợp với kho vật tư rộng khoảng 60 m2, gấp đôi điếm cũ

Từ đầu năm 2019, tỉnh đã yêu cầu các địa phương rà soát tất cả các điếm canh đê, loại bỏ những điếm đã xuống cấp và không cần thiết, giãn khoảng cách giữa các điếm canh đê để phù hợp với nhu cầu thực tế phòng chống thiên tai (PCTT).

Dỡ bỏ điếm cũ

Điếm Cửa Cái thuộc đê hữu Thái Bình đoạn qua xã An Thanh (Tứ Kỳ) xây dựng từ năm 1997, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nền thấp hơn mặt cơ đê 0,4 m. Đầu năm nay, Hạt Quản lý đê huyện Tứ Kỳ đã hoàn thiện các thủ tục để dỡ bỏ.

Toàn huyện Tứ Kỳ có 2 tuyến đê chống lũ với tổng chiều dài hơn 37 km. Tuyến đê tả sông Luộc là đê cấp II dài hơn 10,4 km và đê hữu sông Thái Bình dài hơn 27 km. Trên 2 tuyến đê này có 31 điếm canh đê và nhiều điếm đã xuống cấp. Ngoài 4 điếm đã dỡ bỏ, còn 5 điếm cũng không bảo đảm nhiệm vụ PCTT, cần phá dỡ.

Sau khi rà soát tất cả các điếm canh đê trên địa bàn, huyện Nam Sách đã đề nghị loại bỏ 10 trong tổng số 39 điếm canh đê do xuống cấp và không còn đáp ứng được nhiệm vụ chống lụt bão. Việc xóa ngay các điếm canh đê cũ, hỏng là cần thiết. Hầu hết các điếm đều đã cũ, không bảo đảm điều kiện, có thể đổ sập gây mất an toàn trong mùa mưa bão. Các điếm này còn làm mất mỹ quan và là nơi dễ xảy ra tệ nạn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Nam Sách cho biết: "Các điếm canh có diện tích nhỏ hẹp được bố trí sát nhau. Trước đây, mưa lũ thường xuyên, công tác chống lũ đều làm thủ công nên việc xây dựng các điếm sát nhau giúp bảo đảm an toàn công trình trong mùa mưa lũ. Nhưng hiện nay nhiều tuyến đê đã được nâng cấp, mặt đê được cứng hóa thuận lợi cho công tác tuần tra canh gác đê và giao thông phòng chống lụt bão trên đê. Do vậy, việc xây dựng các điếm sát nhau là không cần thiết và gây lãng phí lớn".


Điếm Mỹ Xá ở xã Minh Tân (Nam Sách) đã xuống cấp, dễ sập đổ, gây nguy hiểm cho người dân trong mùa mưa bão

Sử dụng linh hoạt

Điếm canh đê là một trong những công trình phụ trợ quan trọng phục vụ công tác trực, canh gác đê. Đây cũng là nơi tập kết vật liệu hộ đê của các xã ven đê trong mùa mưa bão. Để quản lý các điếm canh đê, thông thường vào mùa mưa bão, chính quyền địa phương thành lập đội tuần tra, canh gác đê, trong đó có điếm trưởng và điếm phó trực tiếp quản lý điếm canh. Nhưng đội tuần tra, canh gác đê chỉ được huy động khi có lũ từ cấp báo động 1 trở lên hoặc khi có bão lớn. Hết mùa mưa bão, Hạt Quản lý đê làm thủ tục bàn giao các điếm canh đê cho chính quyền địa phương quản lý. Nhiều năm nay do ít có lũ nên các điếm canh đê chưa được quản lý chặt chẽ và sử dụng theo đúng quy định, gây lãng phí lớn.

Để quản lý và bảo vệ các điếm canh đê, Hạt Quản lý đê huyện Nam Sách đã sử dụng linh hoạt các điếm vào nhiều mục đích nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu PCTT nếu có. Hằng năm, UBND huyện đều trích kinh phí từ nguồn sự nghiệp PCTT của huyện hỗ trợ mỗi điếm 15 triệu đồng. Số tiền này dùng để tu sửa điếm, thay ổ khóa, cửa sổ hỏng, lát gạch hoa ở bệ nằm, sơn sửa và phát quang mặt đê. Nhờ vậy, các điếm đều sạch sẽ, thoáng mát và bảo đảm an toàn. Ngoài nhiệm vụ PCTT, điếm canh đê ở các xã An Sơn, Hiệp Cát, Nam Tân, Cộng Hòa từng là trụ sở thường trực của lực lượng chức năng trong các đợt truy bắt "cát tặc". Nhiều điếm canh đê được cho các hộ dân canh tác gần đê mượn lại để nghỉ ngơi, trông coi hoa màu, tài sản. Người dân khi sử dụng điếm canh đê phải có trách nhiệm giữ gìn sạch sẽ, không gây thiệt hại tài sản trong điếm và bàn giao lại cho lực lượng chức năng khi cần.

Theo rà soát của Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh, trên địa bàn tỉnh có hơn 300 điếm canh đê, nhiều điếm được xây dựng trong giai đoạn 1975 - 1980 đã xuống cấp hoặc không phát huy tác dụng. Theo quy hoạch mới, số lượng các điếm canh đê giảm khoảng 1/3 so với trước. Các điếm canh được bố trí cách nhau 2 km thay vì 1 - 2 km như trước. Xóa bỏ những điếm cũ không phù hợp trong nhiệm vụ PCTT, xây dựng điếm mới ở khu vực trọng điểm đê điều. Các điếm canh mới xây kết hợp với kho vật tư dự trữ có diện tích từ 40 - 60 m2, rộng gấp đôi so với điếm cũ, được bố trí hệ thống điện đáp ứng yêu cầu PCTT. 

Để tránh lãng phí các điếm canh đê, vừa bảo đảm các công trình phát huy hiệu quả trong mùa mưa bão, nhất là công tác tuần tra, canh gác đê khi có thiên tai xảy ra, các địa phương cần nghiên cứu phương án dỡ bỏ các điếm canh đê không phát huy hiệu quả trong PCTT, đề xuất xây dựng các điếm mới ở khu vực phù hợp hơn.

TRẦN HIỀN