Liệu đối đầu trên bộ có dẫn đến xung đột Trung - Ấn trên biển?

Bình luận - Ngày đăng : 12:05, 04/07/2020

Những diễn biến gần đây tại Ladakh thuộc khu vực biên giới có tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc thực sự gây sốc. Đụng độ tối 15.6 tại thung lũng Galwan đã làm bộc lộ rạn nứt sâu sắc trong quan hệ Ấn - Trung.

Tàu ngầm Trung Quốc hoạt động tại Ấn Độ Dương

Tranh cao-thấp trên biển

Đối đầu căng thẳng có thể sẽ leo thang thành một cuộc xung đột quy mô lớn. Thông tin mới nhất cho thấy, bất chấp hai bên đạt được thỏa thuận về giảm đối đầu, quân đội hai nước vẫn có động thái âm thầm tăng cường lực lượng đóng chốt ở khu vực tranh chấp. 

Khác với tuyến biên giới trên bộ, nơi Trung Quốc có được đôi chút lợi thế về địa hình, hạ tầng quân sự và sức mạnh bộ binh, Ấn Độ thuận lợi hơn nhiều khi xét đến tình huống trên biển. Hải quân Ấn Độ giữ thế áp đảo ở Đông Ấn Độ Dương - nơi có các tuyến đường huyết mạch đối với giao thương hàng hóa, năng lượng của Trung Quốc. 

Trong những năm gần đây, Hải quân Ấn Độ đã nỗ lực củng cố sức mạnh ở vùng biển gần thông qua đồn trú quân sự tại các căn cứ. Từ năm2017, tàu chiến của Ấn Độ đã tuần tra trên các hải trình và các điểm yết hầu hàng hải ở đây, đặc biệt là lộ trình ra vào Eo biển Malacca, tuyến hàng hải có ý nghĩa chiến lược đặc biệt của khu vực và thế giới.

Để giám sát và hạn chế hoạt động tàu ngầm của Trung Quốc, Hải quân Ấn Độ đưa máy bay săn ngầm tới căn cứ trên quần đảo Andaman. Một chuỗi các trạm radar ở dọc bờ biển Ấn Độ cũng tạo cho Hải quân nước này có được thông tin chính xác hơn về di chuyển tàu ngầm của đối phương.

Về phần mình, Trung Quốc cũng tìm cách mở rộng tầm hoạt động ở tiểu lục địa Ấn Độ. Từ năm 2013, thời điểm lần đầu tiên Trung Quốc đưa tàu ngầm tới Sri Lanka, Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã mở rộng đáng kể tầm hoạt động của tàu quân sự và dân sự tại Nam Á. Vài tháng gần đây, Trung Quốc đã cử tàu do thám, tàu nghiên cứu, khảo sát tới biển Andaman, tìm cách truy vết hoạt động của Hải quân Ấn Độ tại khu vực. 

Tuy chưa có ý thách thức Hải quân Ấn Độ, nhưng việc triển khai, bố trí thế trận của Hải quân Trung Quốc cho thấy lực lượng này có tham vọng duy trì hiện diện thường trực tại các khu vực có lợi ích chồng lấn với Trung Quốc.

3 khía cạnh liên quan

Có ba khía cạnh liên quan đến khả năng xung đột hải quân giữa hai cường quốc châu Á này. 

Một là, Ấn Độ theo đuổi chiến lược gây rối nhắm đến việc ngăn chặn chuyên chở thương mại của Trung Quốc qua các tuyến hàng hải ở Ấn Độ Dương. Phần lớn vận chuyển dầu mỏ, vận tải container hàng hóa của Trung Quốc đều qua Eo biển Malacca, mà án ngữ trước đó là cửa ngõ nằm giữa hai quần đảo Andaman và Nicobar giữ vai trò kết nối Đông Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương.

Giới quan sát cho rằng Hải quân Ấn Độ có thể chặn dòng giao thương của Trung Quốc, kiểm soát gắt gao các tuyến hàng hải yết hầu ở Ấn Độ Dương, theo sát hoạt động tăng cường tiềm lực của đối phương. 

Tuy nhiên, kịch bản này ẩn chứa thách thức. Số lượng tàu treo cờ Trung Quốc trong ngành vận tải biển tương đối lớn, nên chiến dịch gây rối của Ấn Độ có thể dẫn đến phản kháng của khu vực nhằm vào New Delhi. Nhiều quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ xem việc Ấn Độ cản trở giao thương trên các tuyến hàng hải quốc tế là hành động thù địch gây ra những tổn thất không thể chấp nhận được đối với bên thứ ba. Để tránh kết cục này, tàu chiến của Ấn Độ sẽ cần phải thận trọng trong việc truy soát tàu hàng treo cờ Trung Quốc, kiềm chế việc sử dụng vũ lực. 

Thứ hai, Hải quân Ấn Độ sẽ cần phải tập trung vào việc chống Hải quân Trung Quốc tiếp cận vùng biển gần bờ của Ấn Độ. Bằng việc sử dụng tàu ngầm, vũ khí chống ngầm đường không, Ấn Độ tìm cách hạn chế không để Trung Quốc tự do hoạt động tại các nước duyên hải. Một phần trong chiến lược này sẽ là bố trí vũ khí, trang bị của hải quân tại khu vực bờ biển phía đông và căn cứ trên quần đảo Andaman để theo dõi các điểm nóng tại khu vực. 

Ngăn chặn Trung Quốc hoạt động tại vùng biển gần của Ấn Độ không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Sở hữu một hạm đội mạnh có cả tàu ngầm tấn công nguyên tử, tàu tên lửa dẫn đường và tàu đổ bộ lưỡng cư cùng nhiều hệ vũ khí uy lực, Hải quân Trung Quốc hiện là lực lượng mạnh hàng thứ hai thế giới, với tiềm lực không thể xem thường.

Thế nhưng Hải quân Trung Quốc có yếu điểm là hạn chế về tác chiến hậu cần, yếu về hỏa lực hỗ trợ đường không và thiếu các trung tâm do thám hàng hải đặt tại các đảo, quần đảo ở Ấn Độ Dương - một khoảng trống mà Hải quân Ấn Độ sẽ tìm cách khai thác. 

Ba là, Ấn Độ nhận định Trung Quốc sử dụng sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) ở Nam Á để cân bằng bất lợi chiến thuật tại Ấn Độ Dương. Tại nhiều điểm Trung Quốc đã và đang xây dựng các hạ tầng hàng hải như cảng nước sâu Hambantota ở Sri Lanka, cảng Chittagong ở Bangladesh và Sittwe tại Myanmar, Hải quân Trung Quốc có thể sẽ gây sức ép với nước sở tại để có được sự hiện diện hải quân lớn hơn, nhằm bù đắp cho những hạn chế hậu cần ở Ấn Độ Dương. 

Hiện tại, Trung Quốc thậm chí đang xây dựng một căn cứ hải quân ở Cox’s Bazar (Bangladesh), làm nơi đồn trú cho tàu chiến và cất trữ vũ khí, khí tài quân sự. Yêu cầu đặt ra đối với Ấn Độ là phải bám sát hoạt động hải quân, di chuyển tàu chiến của Trung Quốc ở vòng cung Vịnh Bengal. Hải quân Ấn Độ cũng sẽ tìm cách đặt tên lửa đất đối đất tầm xa trên chuỗi đảo này để răn đe các hoạt động triển khai lực lượng của Hải quân Trung Quốc. 

Một cuộc đụng độ hải quân với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương sẽ là bài kiểm nghiệm sức mạnh thật sự với Ấn Độ, một viễn cảnh đòi hỏi New Delhi phải có bước lập kế hoạch kỹ lưỡng, cùng với đó là nỗ lực vượt lên trên đối phương. 

HOÀI THANH