Nhà thơ Quách Tấn tiếc sách quý
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 08:33, 05/07/2020
Người ta gọi nhóm 4 thi nhân nổi danh ở xứ Bình Định trước Cách mạng Tháng Tám gồm Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử, Yến Lan, Quách Tấn là "Bàn thành tứ hữu". Trong nhóm, Quách Tấn là người lớn tuổi nhất, ông sinh năm 1910 (mất năm 1992), tại xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn (Bình Định).
Năm 1935, nhà thơ Quách Tấn chuyển từ Đà Lạt về làm việc ở thành phố biển Nha Trang. 3 năm sau, Quách Tấn mua một căn nhà nhỏ cạnh Đầm Én, nhà số 12 đường Bến Chợ, sát chợ Đầm bây giờ. Chính căn nhà này là nơi hội tụ của những người yêu thích văn chương mà nổi lên là 4 thi hữu tài danh trên. Ngày nay tìm trong tủ sách của Quách Tấn, trong ngôi nhà trên ta thấy cả cuộc đời ông viết sách làm thơ (tính cả di cảo) là 70 cuốn. Sau khi Quách Tấn mất, con trai là Quách Giao đã in 40 cuốn.
Ông Quách Giao kể: "Sinh thời cha tôi rất quý sách. Trước khi mất, ông không nói được bằng lời mà đã viết để lại 4 chữ "Không được bán sách" để dặn dò con cháu. Cha tôi quý sách vậy nên mới dặn con cháu như thế". Nhưng thật đau đớn, trước đó mấy chục năm, vào năm 1953 sống trong chế độ Mỹ ngụy, Quách Tấn nghèo rớt, không còn một đồng tiền, một hạt gạo, mà còn đang mang nợ nên đã có lần ông phải bán 2 bộ sách Tô Văn Chung (tức Tô Đông Pha) 20 quyển của một người bạn tặng và Lữ đường thi được xem là báu vật để lấy tiền cứu đói cho cả gia đình.
Trong tập hồi ký Bóng ngày qua, Quách Tấn ngậm ngùi, than thở chua xót: "...Người ta trả 20 nghìn đồng tín phiếu (mua 100 ký lúa) không phải mua để đọc mà làm giấy hút thuốc. Không bán thì lấy gì mà ăn, đau lòng quá. Ta bèn đi bộ hơn 80 km đến tìm Phan Thao làm Chủ tịch văn hóa miền Nam và xin bán 10 nghìn đồng thôi - Thà ít tiền mà sách còn trên trần thế. Nhưng văn hóa chê không mua mà tìm không có ai mua để đọc nên đành bán cho người hút thuốc!!!...".
Bán mà Quách Tấn vẫn tiếc, không phải tiếc rẻ mà là tiếc sách quý nên khi người mua quảy gánh sách đi, ông chạy theo xin mua lại một cuốn duy nhất có in hình Tô Đông Pha rất đẹp giữ làm kỷ niệm. Thế mới biết Quách Tấn yêu quý sách biết nhường nào, đúng như Thế Lữ đã viết: "Thói đời cay cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ".
LÊ HỒNG BẢO ANH