Xóa bỏ hay khởi tạo bất công?
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:37, 05/07/2020
Những ngày qua, dư luận xã hội “nóng” với những luồng ý kiến về việc nên tiếp tục duy trì hay “khai tử” mô hình trường chuyên công lập. Một luận điểm quan trọng cho việc đề xuất xóa bỏ là trường chuyên tạo sự bất công trong giáo dục do Nhà nước sử dụng nhiều ngân sách để đầu tư cho trường chuyên hơn các trường công lập bình thường khác. Cách hiểu về sự công bằng trong giáo dục như thế này chưa thực sự thỏa đáng khi xem xét dưới những khía cạnh khác như tính hiệu quả, các nhiệm vụ của giáo dục phổ thông.
Bên cạnh giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn là một nhiệm vụ không thể thiếu của nền giáo dục; giống như trong các tập thể luôn cần những cá nhân xuất sắc, vượt trội để thúc đẩy sự phát triển chung một cách nhanh chóng, hiệu quả. Việc xây dựng, duy trì hệ thống các trường chuyên trong những năm qua đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn bậc phổ thông. Việc các trường chuyên có một số ưu đãi trong đầu tư về nhân lực, vật lực hoàn toàn phù hợp với những hoạt động đặc thù của mô hình trường học này. Ví dụ, theo Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND do HĐND tỉnh ban hành năm 2018, giáo viên và học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi được hưởng một số chính sách ưu đãi khi giảng dạy, tham dự các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Học sinh được trợ cấp sinh hoạt phí; được nhận học bổng khi có thành tích học tập tốt, tiền thưởng khi đoạt giải các kỳ thi học sinh giỏi. Những chính sách này nhằm khuyến khích học sinh học tập, nâng cao năng lực tham gia các kỳ thi do việc học chuyên, ôn luyện học sinh giỏi vốn vất vả, tốn thời gian, công sức, trí tuệ, thậm chí cả tiền bạc (dùng mua sách, tài liệu, học cụ).
Việc đầu tư cho trường chuyên khác với các trường phổ thông không chuyên để thực hiện nhiệm vụ giáo dục mũi nhọn là hợp lý chứ không phải sự không công bằng trong phân bổ nguồn lực. Những ý kiến cho rằng cần phải đầu tư cho tất cả các trường công lập giống nhau chính là sự cào bằng, bình quân chủ nghĩa - một cách hiểu về công bằng xã hội nguy hiểm mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cảnh báo. Người đã nhắc nhở: “Bình quân chủ nghĩa là gì? Là ai cũng như ai, bằng hết... Bình quân chủ nghĩa là trái chủ nghĩa xã hội, thế là không đúng". Sự công bằng nằm ở chỗ tất cả các học sinh đều có cơ hội thi tuyển vào trường chuyên chứ không phải cào bằng trong sự đầu tư, xóa bỏ trường chuyên, triệt tiêu nhiệm vụ giáo dục mũi nhọn.
Một đề xuất đưa ra được nhiều người đồng tình là chuyển mô hình trường chuyên từ công lập sang tư thục để “xóa bỏ bất công trong đầu tư ngân sách cho giáo dục” nghe qua tưởng chừng hợp lý nhưng thực chất ẩn chứa nhiều bất ổn. Khi trường chuyên là trường công lập thì các học sinh nghèo học giỏi có nhiều cơ hội được học tại trường. Còn khi chuyển sang tư thục, mức học phí chắc chắn sẽ tăng và nhóm đối tượng này không còn nhiều cơ hội. Khi đó, trường chuyên sẽ chỉ dành cho học sinh gia đình khá giả. Hệ thống trường chuyên đã xây dựng được danh tiếng, thương hiệu bằng công sức của nhiều thế hệ giáo viên, học sinh, sự đầu tư từ ngân sách. Định giá những giá trị vô hình này để chuyển sang tay tư nhân nhằm kinh doanh giáo dục hoàn toàn không dễ, có nhiều nguy cơ của công sẽ bị bán với giá rẻ mạt. Đó mới là những bất công thực sự nếu các trường chuyên công lập bị xóa sổ bằng cách chuyển sang cho tư nhân sở hữu.
Việc trường chuyên có hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục mũi nhọn, đào tạo nhân tài cho tương lai hay không là câu hỏi cần được ngành giáo dục và đào tạo trả lời bằng những nghiên cứu, điều tra, thống kê khoa học, toàn diện chứ không chỉ bằng những cảm nhận cảm tính thông qua một số trường hợp cụ thể. Nếu xóa bỏ mô hình trường chuyên công lập như hiện tại thì cần có những chiến lược lâu dài khác nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, tạo cơ hội phát triển cho tất cả những học sinh có tư chất vượt trội chứ không thể đơn giản là trao trường vào tay tư nhân.
THÁI HÒA