3 cái thiếu trong phát triển trường chuyên
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:48, 07/07/2020
Mới đây một đồng nghiệp kể rằng con chị đang học chuyên toán. Khi thầy giáo yêu cầu tham gia ôn luyện chọn đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia, cháu từ chối vì muốn học đều nhiều môn để dự xét tuyển đại học.
Câu chuyện này phản ánh một khía cạnh trong cuộc tranh luận về trường chuyên gần đây. Nhiều ý kiến đề nghị nên giải thể trường chuyên hoặc giao cho tư nhân quản lý vì học sinh học quá lệch về môn chuyên, thiếu quan tâm thỏa đáng tới các môn học và hoạt động giáo dục khác như kỹ năng sống, trải nghiệm; trường chuyên được ưu ái các nguồn lực đầu tư nhưng chủ yếu dành cho con nhà giàu... Các ý kiến khác lại cho rằng trường chuyên giúp học sinh phát triển năng khiếu, là giáo dục mũi nhọn để tạo ra thành tích cao…
Tôi cho rằng không nên thấy các hạn chế của trường chuyên mà vội vã đề nghị bỏ mô hình này. Nhưng cần căn cứ vào quan điểm, mục đích của trường chuyên mà đánh giá các ưu điểm, hạn chế, từ đó đề ra các giải pháp đổi mới hoạt động trường chuyên.
Trường chuyên giúp phát hiện, bồi dưỡng những học sinh giỏi, phát triển năng khiếu chuyên biệt của từng em, tạo nền tảng để hình thành nhân tài. Mỗi học sinh đều có thế mạnh, năng khiếu riêng và cần được tạo điều kiện thuận lợi để các em phát triển năng khiếu đó. Đó là quan điểm giáo dục tiến bộ. Thực tế, nhiều nhân tài của đất nước đã được phát hiện, bồi dưỡng, trưởng thành từ các trường THPT chuyên.
Trong các hạn chế, bất cập của trường THPT chuyên, tôi thấy nổi lên 3 cái thiếu.
Thứ nhất, trường chuyên đang phát triển thiếu toàn diện. Có người nói trường chuyên thì đương nhiên học sinh cần học tập trung vào 1 môn hoặc một số môn chuyên, còn lại các môn học, hoạt động giáo dục khác thì không cần coi trọng. Quan điểm này chưa đầy đủ. Đương nhiên học sinh vào trường chuyên sẽ được ưu tiên phát triển môn chuyên, song không vì thế mà coi nhẹ phát triển toàn diện. Luật Giáo dục năm 2019 và năm 2005 đều khẳng định trường chuyên dành cho những học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu cho các em về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện. Nhiều năm nay, yêu cầu “bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện” đã bị các trường chuyên coi nhẹ. Vì dành quá nhiều thời gian cho môn chuyên nên nhiều môn học và hoạt động giáo dục khác bị cắt giảm thời lượng, việc giảng dạy qua loa nên học sinh bị “hổng” kiến thức nhiều môn học phổ thông khác.
Thứ hai, mô hình trường chuyên mới dừng ở cấp THPT, thiếu sự liên thông với đào tạo đại học, sau đại học. GS.TSKH Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học từng chia sẻ rằng nhìn vào thành tích thi Olympic quốc tế chứng tỏ Việt Nam có thể đào tạo nhiều học sinh đạt trình độ đỉnh cao quốc tế, mà hầu hết trong số đó được đào tạo từ các trường chuyên. Tuy nhiên, nếu có cuộc thi “sinh viên quốc tế”, “cao học quốc tế”, “nghiên cứu sinh quốc tế”, “giáo sư quốc tế” thì có lẽ thành tích không cao như học sinh THPT chuyên thi quốc tế. Ý GS Khoái muốn nói việc đào tạo nhân tài phải tạo ra sự liên thông từ môi trường phổ thông tới đại học, sau đại học, thậm chí là sau khi đi làm việc.
Thứ ba, thiếu khảo sát công phu, đáng tin cậy về hiệu quả giáo dục ở các trường chuyên. Cuộc tranh luận về trường chuyên thời gian qua dựa trên cơ sở cảm tính nhiều hơn trên cơ sở lý luận. Mỗi ý kiến đưa ra để bảo vệ quan điểm của mình chủ yếu xuất phát từ quan sát cá nhân. Tôi chưa thấy một nghiên cứu hay khảo sát công phu và đáng tin cậy nào liên quan tới hiệu quả đào tạo của trường chuyên. Ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến thường có các nghiên cứu do các trường đại học, viện nghiên cứu thực hiện với phạm vi thời gian, không gian rộng, là cơ sở để hoạch định các chính sách. Thực tế phát triển trường chuyên rất cần những khảo sát thiết thực.
MINH ANH