Cách bảo vệ sức khỏe người cao tuổi khi nắng nóng
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:40, 08/07/2020
Người cao tuổi nên tập thể dục vào sáng sớm hoặc chiều muộn để tránh nắng nóng
Một số bệnh người cao tuổi dễ mắc do nắng nóng như các bệnh đường hô hấp gồm viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản hoặc hen suyễn, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), nhất là hen ác tính nguy hiểm đến tính mạng; các cơn tăng huyết áp kịch phát dẫn tới đột quỵ, say nắng, say nóng, rối loạn tiêu hóa...
Để phòng bệnh mùa hè, người cao tuổi nên lưu ý uống đủ lượng nước hằng ngày, không để tình trạng khát nước. Nên ăn nhiều rau, hoa quả, nhất là các loại rau, quả dễ tiêu hóa vừa để cung cấp thêm nước, các vi chất, vừa để chống táo bón. Người mắc bệnh mạn tính cần uống thuốc theo đơn và chỉ dẫn của bác sĩ để tránh bệnh tái phát, nặng thêm.
Người cao tuổi không ra ngoài khi nắng gắt, nếu công việc buộc phải ra khỏi nhà, cần đội mũ hoặc nón rộng vành, mặc ít quần áo, tốt nhất là loại vải cotton, đeo kính râm. Khi ra ngoài nắng về nhà, không nên uống nước lạnh quá hoặc nước đá, không nên dùng thực phẩm lạnh quá (chè lạnh, uống nước có đá hoặc dùng hoa quả lấy ra từ tủ lạnh...); không nên uống bia lạnh, nhất là người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, hen suyễn; không vào phòng máy lạnh ngay, không cho quạt gió xoáy vào mình và không được tắm ngay khi còn mồ hôi. Không tắm biển, sông, suối, ao, hồ lúc trời nắng gắt, nhất là gần trưa, buổi trưa, xế chiều. Nếu phải làm việc trong điều kiện nắng nóng, cần uống thêm nước có pha một ít muối ăn sẽ rất tốt, nếu có điều kiện uống thêm nước hoa quả.
Mùa nắng nóng, cần ăn uống hợp vệ sinh, tránh xa thực phẩm chưa nấu chín hoặc thực phẩm của hôm trước.
Nên tham gia các bài tập thể dục dành cho người cao tuổi về mùa hè (tập thể dục dưỡng sinh hoặc đi bộ, chơi cầu lông, bơi) vào sáng sớm, lúc mặt trời vừa mọc, chiều muộn hoặc đi bộ tùy theo sức khỏe khi trời đã dịu mát. Tránh tập thể dục, bơi, đi bộ lúc trời còn nắng nóng.
Theo Sức khỏe và đời sống