Trọng tài - căn bệnh không thuốc chữa của V-League
Trong nước - Ngày đăng : 12:08, 09/07/2020
Các trận Nam Định - Hải Phòng ở vòng 6 và Quảng Nam - Sông Lam Nghệ An ở vòng 8 là minh họa rõ nhất cho cái gọi "hiểm họa trọng tài". Đó là các trận đấu mà trọng tài bộc lộ những sai sót không chỉ về nghiệp vụ, mà còn ở bản lĩnh. Nghiêm trọng hơn, nó còn làm sai lệch kết quả các trận đấu.
Cả hai trận này đều có bàn thắng tranh cãi từ tình huống cố định trong vòng cấm. Về lý thuyết, ở các tình huống cố định, trọng tài khó mắc sai sót do chủ động về góc quan sát, tốt hơn so với những tình huống bóng sống mà họ có thể theo không kịp vì những diễn biến quá nhanh. Nhưng trọng tài vẫn cứ sai. Bàn thắng của Hải Phòng vào lưới Nam Định rõ mười mươi tình huống một cầu thủ khách tham gia pha bóng trong thế việt vị. Còn trong bàn thua của Sông Lam Nghệ An trên sân Tam Kỳ, bắt lỗi hậu vệ khách để bóng chạm tay và cho Quảng Nam hưởng phạt đền chắc chắn sẽ hợp lý hơn việc xác định bóng đã qua vạch vôi hay chưa.
Nếu chỉ chừng đó, các đội thua chưa đủ để "tức điên" lên. Họ không thể chấp nhận nổi các bàn thua ấy là bởi chính trọng tài đã phủ nhận những tình huống lẽ ra họ phải được hưởng phạt đền mà không cần tranh cãi. Các tình huống lao bóng của thủ môn Hải Phòng hay Quảng Nam đều có hành vi thô bạo, cố tình ngăn cản đối phương, đủ để đưa ra quyết định thổi phạt. Nhưng dù ở các góc quan sát rất tốt, các trọng tài Vũ Phúc Hoan và Nguyễn Minh Thuận đều không cắt còi. Hai đội hưởng lợi từ các pha bóng này, tiếp tục hưởng lợi từ tình huống khác, và giành chiến thắng. Còn một lý do nữa khiến các đội thua sôi máu, đó đều là những kiểu chiến thắng "6 điểm" (tức là hai đội đang cùng cạnh tranh vị trí với nhau). Và vì thế, đội thua có quyền nghi ngờ trọng tài không chỉ đơn giản là sai sót về nghiệp vụ.
Như vậy, trong một trận đấu, mà trọng tài vừa dính lỗi nghiệp vụ, vừa bộc lộ sự thiên vị, thì mức độ tồi tệ nhân đôi. Nhưng bây giờ, có phê phán trọng tài hay yêu cầu Ban trọng tài hay Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phải làm cái gì đó để trả lại sự công bằng cho sân cỏ Việt Nam, thì gần như vô nghĩa, chẳng có ích gì lúc này. Vì các nhà tổ chức bóng đá ở Việt Nam đang rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Trước thềm mùa giải 2020, đợt kiểm tra trọng tài hồi tháng 2 đã thải loại đến bốn trọng tài chính và ba trợ lý biên ra khỏi V-League vì họ không vượt qua các bài kiểm tra. Nhưng lúc đó, mọi thứ chưa đáng lo, bởi về lý thuyết, vẫn có thể luân chuyển trọng tài ở giải hạng Nhất lên thay khi cần thiết. Nhưng khi V-League tái đấu, dù có thời gian nghỉ dài, đã không có đợt kiểm tra trọng tài nào. Có thể vì những nhà điều hành sợ kiểm tra sẽ không đủ trọng tài.
Mùa trước, ít nhất bảy trọng tài đã bị kỷ luật, trong đó có trường hợp vĩnh viễn không được mời cầm còi. Nghĩa là, lực lượng trọng tài vốn đã mỏng, lại càng mảnh hơn. Hoàn cảnh khách quan do Covid-19 khiến Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) phải đồng loạt cho cả V-League lẫn giải hạng nhất khởi tranh cùng thời điểm, đá dồn dập với mật độ năm ngày một trận. Vì thế, việc luân chuyển trọng tài giữa hai hạng đấu không thể thực hiện.
Ở cùng một vòng đấu, với tổng cộng 13 trận của hai giải, ban tổ chức phải sử dụng đến 60 trọng tài cùng lúc, chưa kể phải bố trí khoảng 20 trọng tài dự phòng. Số lượng này đã quá nhiều so với lực lượng hiện nay nên không phải trận đấu nào cũng bố trí được người giỏi. Nên nếu sai sót trước đây chỉ chiếm khoảng 5%-7%, tức là khoảng hai vòng đấu sẽ có một trận mắc lỗi, thì hiện nay do phải bổ sung hàng loạt trọng tài yếu kinh nghiệm, chưa đủ thời gian kiểm tra, tỷ lệ sai sót sẽ tăng lên khoảng hai lần. Vì thế, vòng nào cũng sẽ phải có ít nhất một trận có vấn đề.
Hồi tháng 8.2019, trận đấu tại vòng 19 của giải hạng nhất, các cầu thủ Huế suýt nữa đánh trọng tài, vì cho rằng họ bị thổi ép. Nhân vật chính của hôm đó, trọng tài Mai Xuân Hùng, vừa được phân công thổi trận cầu "đinh" vòng 7: Hà Nội - Sài Gòn FC. Trận này không có vấn đề gì về trọng tài, nhưng điều đáng chú ý là trước khi được cầm còi một trận đấu quan trọng như thế, trọng tài Mai Xuân Hùng mới có đúng một lần thổi chính, là trận Viettel - Quảng Ninh ở vòng 4, hai lần khác được phân công làm trọng tài thứ tư. Câu hỏi đặt ra là vì sao một trọng tài chỉ mới được đôn lên ở giải hạng Nhất, chưa được phân công thổi nhiều, vẫn có thể được trao cơ hội trong một trận đấu quan trọng?
Thiếu trọng tài thì lỗi đầu tiên thuộc về Ban trọng tài. Đây là một nghề nghiệp có tính đặc thù, không có một tuổi "vào nghề" nhất định, nhưng lại có giới hạn tuổi hành nghề. Nghĩa là nhà quản lý có thể biết trước, thậm chí rất chi tiết sự thiếu hụt trong tương lai của đội ngũ mà tính chuyện đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn. Để thiếu đồng nghĩa với sự yếu kém về quản lý, nhất là nghề trọng tài hoàn toàn có thể khởi đầu khi còn rất trẻ, không tới mức thiếu "đầu vào".
Kế đến, trọng tài ở Việt Nam có thể gọi là "chuyên nghiệp". Họ đa phần đều là dân đang làm việc trong ngành thể thao. Là thầy giáo thể chất, chuyên viên ở các trung tâm bóng đá địa phương, xem việc cầm còi như một nghề kiếm cơm thực thụ. Tức là "đầu vào" có phần đông đảo, dễ cho việc phát hiện để bồi dưỡng. Nhưng tại V-League 2020, ở một làng cầu nức tiếng như Nghệ An, chỉ có đúng một trọng tài chính là ông Nguyễn Đình Thái, cùng một trợ lý là ông Trần Duy Khánh.
V-League có 14 đội bóng, và kỳ thực chỉ gói gọn trong 12 tỉnh, thành phố (Hà Nội có CLB Hà Nội và Viettel, còn TP Hồ Chí Minh có CLB TP Hồ Chí Minh và Sài Gòn FC). Như vậy, còn đến 52 tỉnh, thành phố có thể cung cấp trọng tài mà không phải lo lắng về yếu tố địa phương trong việc phân công trọng tài. Nhưng số lượng trọng tài mới lại không nhiều, nên mới có tình trạng các trọng tài bị kỷ luật vì lỗi nặng, vẫn đều đặn được phân công thổi tiếp, rồi lại mắc lỗi... và vẫn thổi tiếp.
Đây cũng là lý do lâu nay đã có dư luận về chuyện muốn được thổi chính, đồng nghĩa với thu nhập cao, thì phải có "đường dây". Đã vô được "đường dây", kể cả bị kỷ luật vẫn sẽ được thổi tiếp. Đường dây nào mạnh sẽ tự bầu ra vị đứng đầu, và cứ thế mà dồn cho thành viên của "dây" nhà những ưu thế nhất định. Vì kiểu vây cánh này mà dù "bệnh" trọng tài vốn đã trầm kha nhiều năm qua, VFF và Ban trọng tài vẫn không thể giải quyết một cách rốt ráo. Quá trình đào tạo đội ngũ trọng tài trẻ đi vào ngõ cụt, vì "lợi ích nhiệm kỳ" của những người đứng đầu đội ngũ này.
Tất nhiên, vẫn có "thuốc" cho vấn nạn trọng tài. Thứ nhất, mời trọng tài ngoại. Thứ hai, ứng dụng công nghệ hỗ trợ để vừa bảo đảm tính công bằng, vừa cũng khiến cho các trọng tài không "làm bậy". Với VAR, VPF từng hứa sẽ triển khai ở nửa cuối mùa 2019, nhưng bây giờ, khi mùa 2020 đi được phân nửa, nó vẫn rất... xa, do các yếu tố trở ngại từ kỹ thuật đến tài chính. Còn việc mời trọng tài ngoại, ngoài chuyện tài chính thì nói cho cùng, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, không nền bóng đá nào muốn áp dụng. Chưa kể, ở thời điểm Covid-19 còn diễn biến phức tạp, mời trọng tài ngoại là điều nằm ngoài khả năng của nhà tổ chức.
Bởi thế, V-League 2020 vẫn phải đá, và trọng tài nhiều khả năng sẽ... vẫn sai.
Theo VnExpress